Đi tìm "phương pháp tối ưu"

.

Đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, trong rất nhiều phương pháp giảng dạy mới được ứng dụng rộng rãi, không có một phương pháp nào gọi là tối ưu. Điều quan trọng chính là sự phù hợp với người học, nội dung, điều kiện, phương tiện... dạy học.

Trong tất cả các yếu tố đòi hỏi sự phù hợp đó, quan trọng nhất vẫn là người học. Theo đó, phương pháp dạy - học tối ưu chính là khi giáo viên lấy học sinh là trung tâm, là động lực phấn đấu trong sự nghiệp trồng người.

Theo thầy Nguyễn Đình Hòa (giữa, hàng dưới), giáo viên vừa là người thầy, người bạn của học sinh.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa (giữa, hàng dưới), giáo viên vừa là người thầy, người bạn của học sinh.(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chọn lối truyền đạt gần gũi nhất

Nhẹ nhàng, truyền cảm, lôi cuốn chính là những gì các thế hệ học sinh yêu môn Văn Trường THPT Trần Phú vẫn nói về các tiết dạy của thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Văn có hơn 10 năm gắn bó với ngôi trường giàu truyền thống này.

“Cách giảng bài của thầy Hòa rất giản dị, nhưng đầy lôi cuốn. Không riêng em mà các bạn cùng lớp em học chuyên Toán-vốn khá “dị ứng” với môn Văn, cũng bị cuốn vào các câu chuyện văn học của thầy lúc nào không hay”, Hoài Anh - học sinh lớp 12/2, Trường THPT Trần Phú nhận xét.

Nói về “bí kíp” thu hút học sinh trong các bài giảng của mình, thầy Hòa nói rằng thầy chẳng có gì ngoài tấm lòng, cái tâm đối với học sinh:

“Điều tôi luôn tâm niệm trong quá trình đứng lớp chính là làm sao cung cấp cho học sinh những kiến thức mà các em thấy cần thiết, hữu ích, bằng lối truyền đạt gần gũi nhất. Người thầy cần đóng vai trò là người bạn để các em học sinh có thể thoải mái bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình”.

Theo thầy Hòa, đổi mới là một yêu cầu tất yếu trong giảng dạy, đối với bộ môn Văn học cũng vậy. Song, để chọn một phương pháp gọi là tối ưu, sẽ không có bất kỳ một phương pháp nào gọi là tối ưu cả. Sự đổi mới dù cần phù hợp với các yếu tố như người học, nội dung, điều kiện, phương tiện... dạy học. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là người học, là học sinh.

Thời gian qua, khi nhiều phương pháp dạy học xuất hiện, những phương pháp mới có xu hướng được cổ súy quá mức, đồng thời phủ nhận những gì bị coi là “đã cũ”. Tuy nhiên, thầy Hòa cho rằng, tất cả các phương pháp dạy học xưa hay nay đều có những ưu điểm của nó.

Tùy từng trường hợp, lúc dùng phương pháp này, lúc dùng phương pháp kia. Ngay cả phương pháp “đọc - chép”, được coi là “lỗi thời” thì đối với bộ môn Văn, khi trích dẫn, khi trích ý kiến chuyên gia, những lời bình... thì không có cách nào truyền thụ tối ưu cho học sinh bằng “đọc - chép” nguyên văn.

Bàn về câu chuyện đổi mới dạy học, cô giáo Lê Thị Tuyết Nhung, Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) cho rằng đó không là chuyện ngày một ngày hai, mà là cả quá trình của ngành giáo dục hàng chục năm nay.

Tuy nhiên, thời điểm đánh dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ, rõ nét nhất cách đây chừng 10 năm. Những năm gần đây, sự đổi mới biểu hiện càng rõ nét ở việc đưa vào những phương pháp thảo luận nhóm, thuyết trình, vấn đáp, trò chơi... trong các bài giảng để giảm bớt sự thụ động tiếp thu một chiều của người học.

Cô giáo Tuyết Nhung ấn tượng một thuật ngữ đổi mới cách đây chừng 3 năm. Đó là phương pháp “bàn tay nặn bột”. Với “bàn tay nặn bột”, giáo viên chỉ là người nêu tình huống, nêu vấn đề và học sinh sẽ tìm cách giải quyết, rồi tự đúc rút kết luận, bài học.

Bên cạnh “bàn tay nặn bột” là những tiết học “trải nghiệm thiên nhiên” đối với môn sinh học, học sinh không chỉ biết đến đặc tính các loài vật, cây cỏ trong sách vở mà có cơ hội nhìn thấy, kiểm nghiệm từ thực tế. Các giờ học theo đó cũng thu hút học sinh hơn, bớt nặng nề thuyết giảng cho giáo viên hơn trước. Tuy nhiên, thay vào đó, theo cô Nhung, phương pháp này đòi hỏi đối với giáo viên trong khả năng dẫn dắt vấn đề, tập hợp, tổ chức các nhóm học sinh không hề đơn giản.

Đổi mới toàn diện

Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết, một trong những yếu tố then chốt làm nên thương hiệu ngôi trường đầu tiên của thành phố được công nhận đạt cấp độ cao nhất trong công tác kiểm định giáo dục này, chính là nỗ lực đổi mới trong công tác dạy - học của nhà trường.

Đó là sự đổi mới toàn diện trên các phương diện phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo đó, trong giới hạn cho phép, những nội dung kiến thức có tính giáo điều sẽ được cắt giảm, thay vào đó sẽ thay thế bằng các nội dung mang tính thực tiễn, gắn với đời sống hiện nay cũng như tâm lý tiếp nhận lứa tuổi học sinh.

Theo cô Cảnh, nhắc đến Trường THCS Lý Thường Kiệt là nhắc đến thành công của việc dạy học bằng hình ảnh trực quan, bằng phim tài liệu, bằng trải nghiệm thực tế, thay đổi không gian lớp học...

Đặc biệt, đối với việc kiểm tra, đánh giá, những năm gần đây phải kể đến thành công của những đợt kiểm tra chung, có sự hoán đổi chéo giữa các giáo viên cùng bộ môn, nhằm nâng cao tính khách quan, đánh giá đúng chất lượng dạy và học; thay vì kiểm tra cuối kỳ, kiểm tra giấy, năng lực, kết quả học tập của học sinh được đánh giá tổng hợp cả quá trình rèn luyện, tu dưỡng từ kiến thức đến đạo đức, kỹ năng...

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu cho biết, năm học 2018 - 2019 là năm học tiếp tục thực hiện việc giao quyền chủ động cho giáo viên đang trực tiếp giảng dạy biên soạn lại phân phối chương trình (kế hoạch dạy học) chi tiết các môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường xuyên cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục.

Tất nhiên, việc điều chỉnh, bổ sung so với kế hoạch đã được phê duyệt phải được sự thống nhất trong tổ/nhóm chuyên môn, bảo đảm thời gian thực học của tuần, kỳ học, năm học, được hiệu trưởng phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhận xét, góp ý trong quá trình thực hiện.

Năm học này cũng sẽ tiếp tục chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, thực hành pháp luật; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, tự nghiên cứu của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

Theo bà Hà, trên đây chính là những cơ sở quan trọng để thầy trò các trường trên địa bàn thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy - học thời gian qua và sắp tới.

Thảo luận nhóm trong một tiết học ngoại ngữ tại Trường THCS Lý Thường Kiệt. Ảnh: T.T
Thảo luận nhóm trong một tiết học ngoại ngữ tại Trường THCS Lý Thường Kiệt. Ảnh: T.T

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xu hướng đổi mới nhiều năm nay đã lan tỏa sâu rộng đến mức không còn một ngôi trường nào, giáo viên, đặc biệt là không một môn học nào có thể nằm ngoài cuộc. Và, phải kể đến một trong những thành công của làn gió đổi mới này chính là đã xua đi một bộ phận tâm lý tiêu cực vẫn tồn tại lâu nay trong giáo viên, học sinh là tâm lý môn chính, môn phụ.

Đơn cử như câu chuyện mới đây cũng tại Trường THPT Trần Phú, khi có chủ trương thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân, giáo viên phụ trách bộ môn rất lo lắng vì sợ không lấy đâu ra đội tuyển, nhưng rồi đây chính là một trong những môn có đội tuyển thi học sinh giỏi hùng hậu, đoạt giải cao nhất trong năm học vừa qua của trường.

Người giáo viên là “linh hồn” của bài giảng

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Đình Hòa cứ nhắc đi nhắc lại một điều thầy rất tâm niệm rằng không riêng môn Văn mà bất cứ môn học nào, “cái hồn” của người dạy là rất quan trọng, dù đổi mới đến đâu, có ứng dụng công nghệ hiện đại cỡ nào đi nữa, sự thật này vẫn không thay đổi! Ngẫm kỹ có thể thấy, ý kiến của thầy Hòa dường như là chuyện không còn gì để bàn cãi, nhưng cần được nhắc lại bởi trong tiết học ứng dụng công nghệ thông tin hoàn toàn, vai trò người giáo viên càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Người giáo viên giỏi khác người giáo viên tồi ở chỗ họ biết tiết chế việc sử dụng công nghệ, làm sao cho “vừa phải”. Nếu không dễ dẫn đến việc học sinh “bị rối”, nội dung chính cần truyền đạt đôi khi bị lu mờ bởi nhiều nội dung, hiệu ứng trình chiếu chồng chéo. Người giáo viên trong thời buổi đổi mới cũng cần tránh những tiết dạy gọi là đổi mới nhưng thực tế chẳng có gì mới, chỉ là chuyển từ “đọc - chép” sang “chiếu - chép”...

Đồng quan điểm, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cảnh cho rằng đổi mới phương pháp dạy - học những năm qua kéo theo những đòi hỏi ngày càng cao đối với người giáo viên. Cô Cảnh không phủ nhận thực tế tại Trường THCS Lý Thường Kiệt, bên cạnh nhiều giáo viên trẻ năng động, nhiệt tình đổi mới, tâm huyết trong giảng dạy, vẫn còn một bộ phận giáo viên chỉ làm việc tà tà, ngại đổi mới, ngại ứng dụng công nghệ. Đối với bộ phận giáo viên thiếu tích cực đó, sớm muộn họ cũng sẽ tự đào thải. Bởi, “không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể chỉ dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”, cô Cảnh ví von.

Thanh Tân

;
.
.
.
.
.
.