Gieo yêu thương

.

Sự tử tế không phải tự nhiên hình thành mà nhờ sự giáo dục và trải nghiệm của từng người. Để hướng học sinh đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, từ trong nhà trường, nhiều thầy cô giáo đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng sống như tinh thần đoàn kết và sự sẻ chia, từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp để làm người.

Khối 10 Trường THPT Hòa Vang với phần thi làm hoa trong hoạt động ngoại khóa nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10).  (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Khối 10 Trường THPT Hòa Vang với phần thi làm hoa trong hoạt động ngoại khóa nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). (Ảnh do nhà trường cung cấp)

San sẻ yêu thương

Là một trường có số học sinh tương đối đông với hơn 1.500 học sinh/33 lớp, trong đó có khoảng 50 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, việc giáo dục học sinh quan tâm giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn, hoạn nạn luôn được thầy cô Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) chú trọng.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội Khuyến học của trường nắm rất kỹ các trường hợp học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trao học bổng nhằm giúp các em có điều kiện đến lớp. Học sinh nào không có quần áo, sách vở thì nhà trường sẽ trích quỹ khuyến học để san sẻ.

Vào đầu hoặc cuối năm học, nhà trường kêu gọi học sinh để lại sách giáo khoa cũ để trao cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Vào tháng 11 và 12, nhà trường còn có phong trào áo ấm tặng bạn để giúp các em học sinh nghèo vùng sâu vùng xa ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Cuối tháng 12, đến mùa bão lụt, nhà trường tổ chức chương trình Ngày chia sẻ yêu thương. Mỗi năm học, nhà trường phát động phong trào nuôi heo đất và được chia thành 2 đợt: đợt 1 là từ tháng 10 đến tháng 1 và đợt 2 là từ Tết đến cuối tháng 4.

Mỗi lớp thực hiện nuôi một con heo đất thông qua việc dành tiền tiết kiệm ăn quà vặt của các em học sinh. Nhờ vậy, mỗi năm học tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng để làm từ thiện. Đặc biệt, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường còn kêu gọi phụ huynh hỗ trợ quà Tết cho các địa chỉ đỏ từ 1-2 triệu đồng/năm học, trong đó có 2 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 8 em mồ côi cha hoặc mẹ.

Ngoài học sinh nghèo, nhà trường còn có 10 em khuyết tật nặng và khoảng 10 em bị rối loạn hành vi, rối loạn ngôn ngữ và rối loạn cảm xúc. Do đó, nhà trường làm việc với ban đại diện phụ huynh và mời toàn thể phụ huynh lớp gặp mặt đối thoại để kêu gọi mọi người mở lòng phối hợp với các thầy cô giáo giúp trẻ hòa nhập tốt hơn.

Đặc biệt, phong trào “Mô hình trải nghiệm sáng tạo, sống trách nhiệm yêu thương” được nhà trường triển khai cách đây 3 năm và mang lại hiệu quả tốt. Theo đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các ngày trải nghiệm như thăm khu chứng tích vụ thảm sát 45 học sinh ở Mân Quang, phường Hòa Quý, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng, khu căn cứ cách mạng K20…; qua đó giúp các em hiểu thêm về quá khứ, từ đó biết trân trọng giá trị của cuộc sống. Kết hợp với tham quan di tích, nhà trường sẽ tổ chức các trò chơi đồng đội (teambuilding) để giúp các em có khả năng giao tiếp, hòa đồng…

Tuy nằm ở địa bàn trung tâm, nhưng Trường tiểu học Trần Văn Ơn lại có nhiều học sinh thuộc đối tượng khó khăn cần giúp đỡ. Giải thích cho điều này, cô Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn cho biết: Do nằm trên địa bàn phường Hải Châu 2 có nhiều khu chợ nên có nhiều hộ gia đình lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ, thậm chí cả đối tượng xã hội…

Do đó, phụ huynh ít quan tâm đến con em mình. Ngay từ đầu năm, các giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc với học sinh nắm từng trường hợp cụ thể để tập hợp danh sách các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó có kế hoạch ưu tiên giúp đỡ. Năm học này, nhà trường có khoảng 135 học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Để giúp học sinh yên tâm đến trường, không có học sinh bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình, mỗi năm, nhà trường hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng cho học sinh khó khăn. Ngoài ra, nhà trường còn phát động quyên góp đột xuất để hỗ trợ các bạn ốm đau.

“Mỗi năm học, phong trào nuôi heo đất của nhà trường tiết kiệm được khoảng 25-27 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm từ nuôi heo đất được giao cho các em học sinh mang tận tay giao lại cho nhà trường có sự chứng kiến của Thanh tra nhà trường và Ban chỉ huy Liên Đội.

Để những món quà thực sự có ý nghĩa, nhà trường chủ trương không trao tiền bởi “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, nhà trường trao những món quà thiết thực để gia đình ăn Tết đầm ấm”, cô Thái Hằng chia sẻ thêm.   

Tạo sân chơi gắn kết

Cùng với các hoạt động nhân đạo, nhiều trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm…; từ đó rèn luyện tinh thần đoàn kết, kỹ năng sống và tình yêu quê hương, đất nước. Mới đây, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Trường THPT Hòa Vang tổ chức các buổi “thi tài” cho các em học sinh các khối. Khối 10 với phần thi làm hoa, khối 11 khuấy động không khí với màn nhảy hiện đại sôi động, khối 12 trình diễn tài nội trợ để mang đến bữa cơm gia đình thật đầm ấm.

Đặc biệt, mới đây, nhằm đổi mới trong hình thức sinh hoạt chào cờ đầu tuần, Trường THPT Hòa Vang đã tổ chức hoạt động múa tập thể trong toàn thể học sinh 3 khối lớp tại sân trường. Hoạt động đã diễn ra trong sự hân hoan, phấn khởi của các em học sinh và tinh thần “nhập cuộc” đầy hăng hái của một số giáo viên chủ nhiệm.

Những khuôn mặt rạng rỡ, những bước chân uyển chuyển và tiếng hô đồng thanh đã làm không khí buổi sinh hoạt thêm vui nhộn, hào hứng. Hoạt động này góp thêm sân chơi bổ ích, vừa tạo hào hứng cho một tuần học mới, vừa kết nối thêm tình bạn, tình đoàn kết giữa học sinh với nhau và sự gần gũi, thân thiện giữa học sinh với thầy, cô giáo trong trường.

Trong khi đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lại có nhiều chương trình ngoại khóa do các câu lạc bộ tổ chức. Câu lạc bộ C&S đã tổ chức chuyến đi tháng 9 với chủ đề “Mưa này có nắng” khi ghé thăm và giao lưu với các em nhỏ mồ côi tại nhà tình thương số 2 và số 5. 

Không chỉ tổ chức một buổi sinh hoạt đầy tiếng cười và những cuộc trò chuyện thân tình, CLB đã dành tặng cho các em 37 phần quà bao gồm các nhu yếu phẩm cần thiết cho mùa đông với tổng trị giá gần 8 triệu đồng.

Các em học sinh Trường tiểu học Núi Thành tham gia buổi ngoại khóa. Ảnh: Đ.H.L
Các em học sinh Trường tiểu học Núi Thành tham gia buổi ngoại khóa. Ảnh: Đ.H.L

Chuyến đi khép lại cùng với những lời yêu thương, những khoảnh khắc đẹp, sưởi ấm những trái tim thiếu may mắn. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2018), với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức chuyến “Hành trình về nguồn” vào ngày 18-7-2018 với sự tham gia của các đoàn viên thanh niên tiêu biểu đến dâng hương tại Tượng đài Bồ Bồ (xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam), thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Mỗi nơi đoàn đến thăm là dịp để các đoàn viên ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc, giúp đoàn viên thanh niên tự cập nhật, bổ sung kiến thức lịch sử đấu tranh cách mạng, những gương sáng anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, từ đó, giáo dục lòng yêu nước, yêu đồng bào, tương thân tương ái, giáo dục lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên. 

Hoạt động về nguồn truyền thống hằng năm của Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không những thể hiện tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ mà đây còn là dịp để cho mỗi một đoàn viên tự ý thức được niềm tự hào của dân tộc, một niềm tự hào thiêng liêng và cao cả đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, của những người Mẹ lặng thầm hy sinh vì nền độc lập cho dân tộc…

Mỗi trường có một cách làm khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh, nhưng đều hướng các em đến với trái tim, từ đó mầm yêu thương nảy lộc, đâm chồi trong mỗi con người…

Đoàn Hạo Lương

;
.
.
.
.
.
.