Khơi niềm hứng thú từ hoạt động ngoại khóa

.

Những năm gần đây, các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường được chú trọng hơn trước với khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Trên tinh thần đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai phối hợp các hoạt động giáo dục hiệu quả về lịch sử, văn hóa, thể thao; đồng thời yêu cầu mỗi trường học phải có ít nhất 2 câu lạc bộ (CLB) ngoại khóa.

Hoạt động đọc sách, viết bài giới thiệu sách luôn được Trường Phổ thông Hermann Gmeiner chú trọng. Ảnh: Q.T
Hoạt động đọc sách, viết bài giới thiệu sách luôn được Trường Phổ thông Hermann Gmeiner chú trọng. Ảnh: Q.T

Phát triển kỹ năng cho học sinh

9 giờ sáng ở sân trường Trường Phổ thông Hermann Gmeiner vang lên giọng đọc dịu dàng của một nữ sinh: “Chúng ta thường hay nói đến nỗi trống vắng khi đông sang; nhưng chắc hẳn rằng, ai cũng đã từng một lần ủ ấm trái tim bằng sự thân thương của tình thầy trò. Đông về ư? Lạnh thật nhỉ! Ấy vậy mà, mỗi bạn học sinh lại rạo rực trong mình những nguồn nóng bất tận khi cố gắng ra sức học tập để kính dâng lên thầy cô những bông hoa điểm mười tươi đẹp nhất.

Thế là một mùa 20-11 nữa ghé thăm. Nhân dịp sự kiện đầy ý nghĩa này, thư viện trường Hermann Gmeiner giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Chuyện thầy trò thời xưa”...

Chương trình phát thanh giới thiệu sách quen thuộc này đã được thầy trò Trường Phổ thông Hermann Gmeiner duy trì nhiều năm nay. Vào giờ ra chơi, sóng phát thanh lại vang lên khiến sân trường đang rộn ràng như đàn ong vỡ tổ lắng lại. Những cô cậu học trò nghịch ngợm nhất cũng im ắng trong phút chốc mà dỏng tai nghe.

Bài viết không chỉ chạm đến trái tim học trò mà còn khiến một số cô giáo rơm rớm nước mắt. Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường tự hào nói: “Đó là bài viết giới thiệu sách do các em học sinh trong Câu lạc bộ (CLB) Văn học của nhà trường viết. Mỗi tuần, các bài viết này sẽ được đọc trên sóng phát thanh 3 lần. Đây là cầu nối để bồi dưỡng tình yêu sách cho các em cũng như bồi dưỡng kỹ năng viết lách cho những em yêu văn chương”.

Hiện tại, CLB Văn học nhà trường có khoảng 15 em. Mỗi tuần, các em tập trung sinh hoạt cùng nhau 2 buổi vào chiều thứ ba và thứ năm. Trong buổi sinh hoạt ấy, các em chia sẻ với nhau về những quyển sách hay mà mình đã đọc.

Cùng nhau chọn ra một cuốn sách ấn tượng nhất để đọc chung rồi viết bài giới thiệu. Những bài giới thiệu của các em dẫu còn non nớt nhưng luôn dào dạt cảm xúc.

Em Bảo Nguyên (lớp 11, thành viên CLB Văn học) chia sẻ: “Với em, văn học rất có ý nghĩa. Văn chương làm giàu cho tâm hồn mỗi con người, giúp ta thêm yêu người, yêu đời, giúp cách ứng xử của ta được văn hóa hơn. Đến với văn chương, chúng em có thêm hiểu biết về quê hương đất nước, càng thêm tự hào về mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Nhờ tham gia vào CLB Văn học mà em buộc bản thân mình mỗi tuần phải đọc hết một cuốn sách dù có bận như thế nào. Sau khi tạo được thói quen đọc sách, một ngày không đọc trang sách nào là em cảm thấy thiếu vắng”.

Cô Minh Tuyết chia sẻ thêm, nhà trường luôn khuyến khích học trò đọc sách cũng như tham gia viết bài giới thiệu sách, chia sẻ cảm nghĩ về tình thầy trò, tình bè bạn. Những ngày đầu CLB sinh hoạt theo hình thức viết bài về truyện ngắn, thơ, tản văn, truyện cười, bình phẩm một tác phẩm văn học…

Chắp cánh những đam mê sáng tác, bồi dưỡng niềm yêu thích văn học và làm giàu cho tâm hồn mỗi người, đó là mong muốn của những thầy cô thành lập CLB Văn học của trường.

Trong khi đó, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, trong những năm gần đây, CLB Truyền thông-Media hoạt động khá sôi nổi. Năm học 2017-2018, nhân dịp nhà trường tổ chức chương trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, CLB Truyền thông-Media đã được Ban Giám hiệu nhà trường giao “trọng trách” thực hiện một bộ ảnh, quay video cho trường. Dù lần đầu tiên thử nghiệm, bộ ảnh do chính các em chụp đã được trình chiếu và nhận rất nhiều lời khen.

Nhiều phụ huynh, cựu học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám có mặt ngày hôm ấy đã bày tỏ bất ngờ khi biết nhà trường giao hoàn toàn việc chuẩn bị nội dung cho các em chứ không thuê đội ngũ chuyên nghiệp bên ngoài.

Thừa thắng xông lên, hiện tại, tất cả các ngày lễ, sự kiện của trường, các bạn trong CLB Truyền thông-Media đều đảm nhiệm phần chụp ảnh, quay phim, làm video clip, pa-nô, áp-phích…

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ cần tin tưởng giao cho các em làm là các em sẽ làm được. Thậm chí, ở lứa tuổi của các em, khả năng sáng tạo là vô bờ. Những sản phẩm các em làm ra đem lại rất nhiều niềm vui và thích thú”.

Giảm áp lực, tạo niềm vui trong học tập

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy cho biết thêm: “Với mong muốn học sinh phát triển toàn diện về thể lực lẫn trí lực, nhà trường luôn khuyến khích các em tham gia nhiều hoạt động từ thể thao đến nghệ thuật, hoạt động xã hội.

Ở mỗi kỳ họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường cũng chia sẻ mong muốn này với phụ huynh để mong nhận được sự đồng cảm. Thật thú vị khi học trò mình có sức khỏe tốt, vừa biết đến lĩnh vực thể thao, vừa biết lĩnh vực hội họa vừa có các kỹ năng sống cần thiết”.

Thực tế, hoạt động ngoại khóa mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh. Mỗi ngày đến trường với những tiết học cứ lặp đi lặp lại sẽ khiến các em căng thẳng và dễ nhàm chán. Thậm chí, nhiều em rất lười đến trường vì thích ở nhà chơi.

Vì vậy, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa là biện pháp để giúp các em giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, có động lực đến trường. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, mỗi trường học phải có ít nhất 2 CLB ngoại khóa.

Tuy vậy, theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn đều có ít nhất 5 CLB. Nổi bật là các trường: THPT Phan Châu Trinh, THPT Trần Phú có gần 10 CLB hoạt động. Hoạt động ngoại khóa của các trường rất đa dạng.

Mỗi hoạt động mang lại những lợi ích khác nhau, song đều có điểm chung là rèn luyện một số kỹ năng như nhanh nhẹn, năng động, sáng tạo và nâng cao thể lực. Vào ngày nhập học đầu năm, khi học sinh đầu khóa đến làm hồ sơ nhập học thì cũng là lúc các CLB mở các gian hàng “chiêu mộ” thành viên. Tùy vào sở thích, năng lực, các em chọn vào CLB phù hợp.  

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, những năm gần đây, hoạt động ngoại khóa rất được coi trọng. Đó là một hình thức để đánh giá học sinh theo quan điểm phát triển toàn diện.

Hoạt động ngoại khóa không chỉ có tác động trở lại, giúp học sinh có thêm hứng thú, niềm vui trong học tập, rèn luyện đạo đức, mà còn góp phần nâng cao chất lượng học tập, kích thích được hứng thú học tập, nhu cầu, khả năng độc lập, tích cực tư duy của học sinh.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.