Ngũ Hành Sơn trên… chén sứ

.

Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là vị chúa thứ 6 của triều Nguyễn. Trong lần ngự du Quảng Nam năm 1719, ông viếng Ngũ Hành Sơn và để lại bài thơ Tam Thai thính triều (Nghe tiếng sóng ở Tam Thai). Bài thơ đã được đề vào tô sứ có vẽ hình minh họa!

 “Nhất thi, nhất họa” về Tam Thai thính triều trên chén sứ.
“Nhất thi, nhất họa” về Tam Thai thính triều trên chén sứ.

Nguyễn Phúc Chu và chuyến ngự du Quảng Nam

Nguyễn Phúc Chu là con trưởng của Nguyễn Phúc Thái và bà Tống Thị Lĩnh, sinh năm 1675, hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Năm 1691, Nguyễn Phúc Thái mất, ông được triều thần tôn lên ngôi, dâng tôn hiệu là Quốc Chúa.

Sau khi mãn tang cha, Nguyễn Phúc Chu liền “miễn một nửa thuế ruộng năm ấy cho dân. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má diêu dịch, bớt hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Thực lục, Tập 1, NXB Thuận Hóa, 2004, trang 107).

Ông có nhiều cải cách quan trọng: “Ở phương bắc giữ vững biên thùy, ở phương nam đưa dân đến đất Chân Lạp, thiết lập chính quyền, khéo khu xử với người Chiêm Thành và Chân Lạp; còn trong nước thì sắp đặt lại việc duyệt tuyển, việc vận tải, võ bị, thi cử…” (Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1967, trang 217) .

Nhờ vậy, 34 năm cầm quyền của ông là thời kỳ hòa bình thịnh trị nhất ở xứ Đàng Trong cùng với việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam đến tận Hà Tiên, xã hội thấm đẫm tinh thần Phật giáo…

Năm 1719, ông có cuộc tuần du đến dinh Quảng Nam. Việc này sách Thực lục viết: “Kỷ hợi, năm thứ 28 [1719], mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho. Mùa thu, tháng 9, xa giá trở về” (Tập 1, trang 137).

Không có tài liệu nào nói về hành trình của Chúa trên đất Quảng Nam nên không biết Chúa đã làm gì đi đâu trong suốt nửa năm đó. Gần đây dựa vào một số dấu ấn còn để lại có người cho rằng khi đi vào Nguyễn Phúc Chu đã theo đường bộ qua đèo Hải Vân (chứng cớ là bài thơ Ải lĩnh xuân vân), rồi theo đường thiên lý vào dinh trấn Thanh Chiêm.

Tại đây, Quốc Chúa tham gia một cuộc duyệt binh lớn, sau đó đi thăm Hội An và ban biển vàng cho chùa Cầu với tên Lai Viễn Kiều. Có lẽ sau đó Quốc Chúa theo đường thủy về lại. Trong chuyến trở về có ghé thăm Ngũ Hành Sơn và đã để lại bài Tam Thai thính triều.

Bài thơ làm khi viếng Ngũ Hành Sơn

Tam Thai thính triều (Nghe tiếng sóng ở Tam Thai) là bài thơ thất ngôn bát cú, nguyên văn chữ Hán, được dịch thơ như sau:

Tam Thai kỳ ảo dựng non xanh/ Động vắng ngàn mây trắng phủ quanh/ Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ/ Thành Phiên dõi ngóng tiếng chuông ngân/ Liên hồi tiếng gió như vó trắng/ Từng trận màu mưa tựa vây xanh/ Ước tìm giấc mộng lành chưa thấy/ Tùng biếc từng trên mấy khóm xinh.

Trước đây có người nghi ngờ về bài thơ.

Thứ nhất là về tác giả, họ cho rằng chưa chắc đây là thơ của Nguyễn Phúc Chu mà có thể là của nhà sư Thích Đại Sán (Thạch Liêm), người được Nguyễn Phúc Chu mời sang giảng đạo vào năm 1695. Nhà sư lưu lại hơn một năm, có đi lại giữa Phú Xuân và Hội An, từng ghé thăm Ngũ Hành Sơn và họa thơ để lại. Họ cho là trong bài thơ có hai câu lạ Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ. Thành Phiên dõi ngóng tiếng chuông ngân.

Đây là 2 vế so sánh tiếng thủy triều ở núi Tam Thai biển nước Việt với tiếng sóng thạch chung ở hồ Bà Dương của Trung Quốc. Sự so sánh vừa xa lạ đối với người Việt nhưng lại có vẻ gần gũi với một người… Quảng Đông (như Thích Đại Sán!).

Thứ hai, Tam Thai chưa chắc đã là Tam Thai của Ngũ Hành Sơn, vì ở Huế cũng có núi Tam Thai và không có tư liệu nào nói đến việc Nguyễn Phúc Chu ghé Ngũ Hành Sơn trong chuyến tuần du này.
Gần đây nhiều chứng lý đã đánh tan mối nghi ngờ này.

Thứ nhất, trên chén sứ Thanh Ngoạn mà nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế tìm được có in bài thơ Tam Thai thính triều với 10 dòng viết dọc gồm tên bài thơ, 8 câu thơ và dòng lạc khoản cuối cùng ghi tên tác giả.

Cạnh bài thơ là tranh sơn thủy vẽ cảnh sắc núi Tam Thai để minh họa. Bài thơ và cảnh được thể hiện theo lối trang trí “nhất thi, nhất họa”. Bài thơ trên chén sứ Thanh Ngoạn của Nguyễn Hữu Hoàng có ghi rõ tên tác giả là Đạo nhân thư (道人書), chính là cách viết tắt thường thấy của Thiên Túng đạo nhân, biệt hiệu của Nguyễn Phúc Chu.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn thì: “Nguyễn Phúc Chu là người rất thích đặt làm các món đồ sứ ký kiểu ở Trung Hoa, trên đó, ông cho đề các thi phẩm do ông trước tác và cho vẽ hình minh họa nội dung các thi phẩm ấy.

Đến nay, giới sưu tầm đồ sứ ký kiểu ở trong và ngoài nước đã sưu tầm được nhiều món đồ sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu, chủ yếu là những chiếc tô lớn, có đề các bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu…”, như bài Ải lĩnh xuân vân (Mây xuân đỉnh Ải), Thiên Mụ hiểu chung (Chuông sớm chùa Thiên Mụ), Thuận Hóa vãn thị (Chợ chiều Thuận Hóa), Hà Trung yên vũ (Mù tỏa Hà Trung )…

Mặt khác, trong Hải ngoại ký sự, Thích Đại Sán nói rất kỹ về lần viếng Ngũ Hành Sơn nhưng không hề đề cập đến bài thơ này, ông cho biết sau khi viếng Ngũ Hành Sơn trên đường vào Hội An ông có làm  bài trường ca Chơi núi Tam Thai và hai bài thất ngôn gọi là Bài thơ vịnh Tam Thai: “Qua canh hai đến bờ Hội An.

Vẫn nằm lại trong thuyền, làm một bài trường ca “Chơi núi Tam Thai” và 2 bài thơ thất ngôn” (Sđd, Viện Đại học Huế, 1963,  trang 150). Đọc ba bài của ông không có chi tiết nào liên quan đến nội dung “thính triều” cả.

Thứ hai, dù ở Huế có núi Tam Thai nhưng núi này không có động và không nằm gần biển thì làm sao có thể nghe tiếng triều và nghe tiếng gió vọng vào trong động như trong ý bài thơ.

Như vậy, bài Tam Thai thính triều đúng là bài thơ của Nguyễn Phúc Chu viết về núi Tam Thai trong hệ thống Ngũ Hành Sơn vào lần tuần du Quảng Nam năm 1719.

LÊ THÍ
        

;
.
.
.
.
.
.