Sống tử tế với… môi trường

.

Thời gian gần đây, các chiến dịch làm sạch, bảo vệ môi trường được nói đến nhiều hơn bao giờ hết. Sống tử tế với môi trường là một thái độ sống được nhiều cuộc thi, tọa đàm đề cập trong giới trẻ.

Dù chỉ là CLB môi trường cấp trường nhưng những hoạt động của Greenie luôn thu hút nhiều người tham gia nhờ tính thiết thực và hiệu quả. Ảnh: Q.T
Dù chỉ là CLB môi trường cấp trường nhưng những hoạt động của Greenie luôn thu hút nhiều người tham gia nhờ tính thiết thực và hiệu quả. Ảnh: Q.T

Nâng cao ý thức từ cuộc thi

“Này anh bạn, anh… anh bị gì thế?/ Con cá cố gắng gượng dậy, đáp:/ Tôi sắp chết đến nơi rồi… Gia đình… tôi sống ở đây đều chết cả rồi!/  Vì sao thế?

Anh hãy đi mà hỏi con người ấy… Họ đã xả rác, chất thải xuống sông, làm cho con sông ô nhiễm, khiến chúng tôi bị nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn đây này. Chúng tôi là nguồn thực phẩm thông dụng của con người. Nếu chúng tôi bị bệnh, chắc chắn họ cũng chịu hậu quả như chúng tôi mà thôi”.

… Đó là một đoạn trong tác phẩm Giấc mơ của Rồng của em Lê Ngô Tường Vy, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh, quận Cẩm Lệ. Tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác văn học “Em viết về Đà Nẵng - Thành phố môi trường” dành cho cấp THCS và THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố tổ chức năm học 2016-2017. Đọc những bài viết của các em mới thấy, các em không hề thờ ơ với môi trường, thậm chí, các em còn dành một tình yêu rất trong trẻo cho môi trường sống chung quanh mình.

Các em hiểu rõ, môi trường ấy đang bị hủy hoại bởi chính bàn tay con người. Khắp nơi vang lên tiếng thở than của những dòng sông đen ngòm vì rác thải, tiếng rên rỉ của bầu trời không còn trong xanh vì khói thải công nghiệp, tiếng kêu gào của những cánh rừng đã mất dần màu xanh.

Nhận xét về cuộc thi, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, những trang viết của các em có thể chưa hoàn chỉnh nhưng bước đầu thể hiện nhận thức của các bạn trẻ về thành phố thân yêu.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục môi trường đối với thế hệ trẻ, những năm qua, Sở GD&ĐT thành phố đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục môi trường trong học đường gắn liền với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; từ đó tạo sự đổi mới trong nhận thức của các em về môi trường.

“Không ai chết ngay vì một thành phố, một ngôi trường, một ngôi nhà không sạch, thiếu bóng cây xanh; nhưng cái chết sẽ đến từ từ, sự ô nhiễm môi trường đang gặm nhấm dần mòn cuộc sống của chúng ta và để lại những hậu quả khó lường cho mai sau. Do đó, hành động bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người đối với chính bản thân và với cả cộng đồng”, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói.

Đà Nẵng là đô thị của Việt Nam được công nhận là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Chính quyền, người dân đang nỗ lực từng ngày để xây dựng một thành phố xanh, thành phố văn minh trong lòng du khách.

Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, là đối tượng quyết định đối với sự phát triển của cả xã hội nhưng đồng thời cũng là người bị ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề tài nguyên và môi trường đối với sự phát triển sau này. Do đó, giáo dục cho học sinh tình yêu môi trường, trách nhiệm đối với môi trường sống là nền tảng của sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, giáo dục để các em phát triển toàn diện không chỉ là nói cho các em nghe, chỉ cho các em làm, mà còn là tạo điều kiện để các em tự tìm hiểu, tự khám phá, để các em nói, để các em tự đề xuất việc cần làm và tự làm.

Giáo dục để các em phát triển toàn diện không chỉ là dạy qua sách vở mà còn qua thực hành, không chỉ biết mà còn làm, thực hành kỹ năng sống, tìm hiểu cuộc sống thực và trải nghiệm.

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho rằng, giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp bằng hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm giúp học sinh có được sự hiểu biết, kỹ năng và giá trị tạo điều kiện cho các em  tham gia vào phát triển xã hội bền vững về sinh thái.

Mục đích của giáo dục môi trường nhằm vận dụng những kiến thức và kỹ năng vào gìn giữ, bảo tồn, sử dụng môi trường theo cách thức bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai. Trường THCS Nguyễn Huệ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả như: trồng cây xanh trên sân trường, làm vệ sinh trường lớp, phát huy phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”…

Trong năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức cuộc thi “Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường” dành cho học sinh THCS, THPT. Cuộc thi dù mới phát động được vài tháng nhưng đã nhận được sự ủng hộ, sự tham gia của nhiều nhóm học sinh trên địa bàn thành phố.

Trong đó, có nhiều đề tài, ý tưởng bảo vệ môi trường là các sản phẩm, mô hình hướng đến các nội dung về tiết kiệm năng lượng; xử lý rác thải, nước thải, khí thải, tái chế; bảo tồn đa dạng sinh học và các giải pháp sinh học trong bảo vệ môi trường…

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình

Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có một câu lạc bộ (CLB) hoạt động thuần về môi trường mang tên “Greenie Environmental Club”. Dù chỉ là một CLB cấp trường nhưng các bạn hoạt động rất bài bản, từ lập ra ban chủ nhiệm đến lên kế hoạch thực hiện các chương trình dài hơi.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Năm 2016, Greenie Environmental Club được thành lập cùng sự tham gia của rất nhiều bạn. Khi một anh trong ban chủ nhiệm phát biểu lý do thành lập CLB, cả hội trường lặng im như tờ.

Mọi người đang thấy có lỗi, hoặc thấy xót xa cho người bạn mang tên “môi trường sống” của mình. Và đấy cũng là lúc sứ mệnh mang tên Greenie được xướng lên. Chúng em không hy vọng sẽ làm được những điều lớn lao; mà nghĩ rằng sẽ thuyết phục hoặc truyền tải đến mọi người thông điệp: Hãy yêu thương môi trường như là bản thân thứ hai của chúng ta”.

Thanh Nhàn và các bạn trong CLB thể hiện tình yêu với môi trường từ những điều rất nhỏ. Cả nhóm quyết tâm hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng ống hút nhựa, chai nhựa, túi ni-lông. Mỗi khi hội họp, các bạn đều chọn những quán cà-phê sử dụng ly thủy tinh, ống hút tre.

Một dự án thường niên của CLB đó là vào mỗi dịp trước Tết Nguyên đán, khi kỳ thi học kỳ 1 vừa kết thúc, các thành viên trong CLB sẽ về nhà “tổng dọn kho”. Những vật dụng có thể tái chế được, những bộ quần áo không còn mặc đến nữa… sẽ được tận dụng để làm ra những món đồ trang trí, những chiếc túi vải, những cuốn vở đóng gáy… để bán gây quỹ từ thiện.

Mới đây, CLB đã tổ chức triển lãm “Ngày hội môi trường” tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Để có được triển lãm này, các học sinh đã chia nhóm đi khảo sát số lượng ly nhựa được sử dụng mỗi ngày trên toàn thành phố; đến các nhà máy sản xuất đồ nhựa để biết quy trình sản xuất ra một chiếc ly nhựa như thế nào; làm các video clip phỏng vấn người dân về quan điểm sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống hằng ngày…

Trong buổi triển lãm ấy, các bạn đã đưa ra được những con số thống kê - những con số biết nói, khiến người xem phải giật mình vì tình trạng sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa hằng ngày. Sau triển lãm, nhiều bạn tham gia đã đồng tình: “Từ đây chỉ sử dụng chai thủy tinh để đựng nước uống đi học”. 

Nguyễn Tùng Chi, học sinh lớp 12C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói: “Từ ngày tham gia Greenie Environmental Club, em nhận ra nhiệm vụ, tầm quan trọng của một tổ chức môi trường trong cộng đồng và xã hội.

Greenie là nơi thúc đẩy cho em những nhận thức sâu hơn về môi trường, từ đó thôi thúc bản thân phải hành động, phải giúp mọi người nhận ra những điều tưởng chừng như vô hại của họ nhưng lại mang đến một tác động vô cùng kinh khủng đối với tự nhiên. Đồng thời, em cũng muốn truyền ngọn lửa tình yêu thiên nhiên, động vật, cây cỏ đến với mọi người xung quanh”.

Chung tay vì Đà Nẵng tốt đẹp hơn

Nhiều tháng nay, người dân sống chung quanh khu vực đường Nguyễn Tất Thành đã quen với sự có mặt của một nhóm bạn trẻ vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Các bạn đến bờ biển từ sớm, chia nhóm ra để nhặt rác dọc bờ kè.

Đây là hoạt động thường niên của nhóm Flywheel - một nhóm hoạt động vì môi trường, mới được thành lập từ đầu năm 2018. Võ Hồng Long, sinh năm 1994, trưởng nhóm, chia sẻ:

“Flywheel ban đầu tập hợp các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố yêu thích công việc thiện nguyện. Từ lần tham gia bữa tiệc đếm ngược tại Quảng trường 2 Tháng 9, sau những giây phút tưng bừng đón chào năm mới, dòng người vội vã ra về, để lại “bãi chiến trường” đầy bọc ni-lông, hộp thức ăn, giấy báo..., em cùng với các bạn trong nhóm nán lại nhặt rác. Sau đó, nhóm quyết định sẽ cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tại khu vực đường biển Nguyễn Tất Thành”.

Nhóm bạn của Long không ngại dậy từ 4 giờ sáng để nhặt rác dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Q.T
Nhóm bạn của Long không ngại dậy từ 4 giờ sáng để nhặt rác dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Q.T

Hiện tại, nhóm thu hút được hơn 50 bạn trẻ nòng cốt. Có những lần hoạt động thu hút gần 100 bạn tham gia nhặt rác, chủ yếu là các bạn sinh viên đến từ các Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng)…

“Em nhận ra hầu hết các sự kiện được tổ chức ngoài trời với đa phần là giới trẻ tham gia thì sau đó luôn là… bãi rác. Em hy vọng, hành động nhỏ của nhóm sẽ lan tỏa đến các bạn sinh viên - những người trẻ để họ ý thức hơn về môi trường sống của chính bản thân, gia đình mình”, Long trăn trở. Long cũng đề xuất, trước mỗi sự kiện, ban tổ chức nên dành một vài phút để phát đi thông điệp “bỏ rác đúng nơi quy định”.

Lời nhắc nhở kịp thời này sẽ giúp hạn chế lượng rác thải sau chương trình. Sắp tới, nhóm của Long sẽ mở rộng địa bàn hoạt động lên bán đảo Sơn Trà. Dù vậy, sau khi đi khảo sát, Long nhận thấy đa số rác thải trên bán đảo Sơn Trà đều nằm nơi kẽ đá, vực sâu, rìa núi cheo leo. Du khách đến nơi này thường tiện tay vứt rác xuống các khu vực này. Việc thu dọn rác thải vì thế sẽ gian nan hơn. Long cùng các bạn đang nghiên cứu tìm phương án phù hợp để giảm thiểu rủi ro.

Việc giáo dục và tạo môi trường cho học sinh, sinh viên và các bạn trẻ tổ chức tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường chính là cách góp phần lan tỏa lối sống xanh, tích cực trong cộng đồng, hướng tới bảo vệ môi trường bền vững trong tương lai.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.