Stress

.

Bạn hẹn tôi lê la vỉa hè nhân chuyến ra Đà Nẵng du lịch theo đoàn của công ty. Tôi tấm tắc: “Mi sướng thiệt! Có một công việc ổn định, lương cao từ khi ra trường đến nay, chồng con đầy đủ, còn sắm được vài căn nhà vừa để ở vừa cho thuê”. Nghe tôi khen, bạn cười khúc khích rồi tự nhiên nhỏ giọng: “Tao đi chơi chuyến này với công ty về là nghỉ việc.

Chưa ai biết ý đồ này. Tao bị cảm giác chán nản kéo dài 4 năm nay rồi, lên văn phòng là không muốn thấy mặt ai, không hứng thú gì với công việc nữa. Ban đầu tao nghĩ do mình không biết bằng lòng nên cố gắng điều chỉnh nhưng vẫn không thay đổi được. Có đợt bị chán nặng suýt phải đi điều trị. Hết “pin” thiệt rồi, sau đợt này tao sẽ lên chùa một thời gian để bình tâm suy nghĩ mình muốn gì”…

Tôi không hình dung câu chuyện lại lèo lái sang hướng này, bởi trang cá nhân của bạn lúc nào cũng ngập tràn hình ảnh đang vi vu ở đâu đó. Tôi thắc mắc lý do chính khiến bạn muốn dừng lại, bạn bảo vì nhìn thấy nhiều người xung quanh từng rơi vào cảm giác đó nhưng họ cố phớt lờ tiếp tục sống như không có chuyện gì xảy ra với nội tại của mình, để đến một ngày bị trầm cảm nặng…

Không biết vô tình hay thực tế diễn ra quá nhiều mà trước và sau cuộc gặp bạn không bao lâu, tôi lại chứng kiến đến mấy câu chuyện tương tự. Ở phòng khám da liễu, cô gái chừng hơn hai mươi tuổi đến điều trị bệnh ngoài da. Trước khi bác sĩ kê toa, cô đưa ra một toa thuốc khác đang uống thường xuyên để trị bệnh mất ngủ. Cô gái có đôi mắt rất đẹp ấy tâm sự với bác sĩ khá lâu về những rắc rối đang gặp phải và giãi bày nỗi bế tắc: “Em phải đi ra đi vào chữa bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh 2 năm nay vì làm đủ cách ở Đà Nẵng vẫn không trị được chứng mất ngủ”. Nhìn đến 6 loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng, bác sĩ chỉ còn biết khuyên cô ra về cố gắng cải thiện giấc ngủ, chuyện làn da từ từ hẵng tính.

Trầm cảm, mất ngủ, lo âu quá mức…, là những điều trước đây tôi thường nghe nhiều ở người lớn tuổi - những người đã trải qua thăng trầm, biến cố của cuộc đời; nhưng dạo gần đây, hiện tượng này được nhắc nhiều hơn với người trẻ tuổi. Điểm chung ở họ là có cuộc sống bên ngoài bình thường, thậm chí vui vẻ, nhưng “bên trong” bệnh diễn tiến ngày càng phức tạp, thậm chí từ stress chuyển sang chứng tự ngược đãi bản thân và những phản ứng tồi tệ khác. Trước đây tôi từng lầm tưởng người mắc bệnh tâm thần là người điên. Họ chắc đã trải qua cú sốc lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh và cảm xúc, nhưng những gì diễn ra xung quanh đã cho thấy căn bệnh này ghê gớm hơn nhiều, có thể xảy ra với mọi đối tượng, lứa tuổi và diễn tiến âm thầm. Người trẻ càng có xu hướng gia tăng bệnh tâm thần dù chẳng cần qua cú va vấp nào gọi là để đời, mà khi cuộc sống càng hiện đại, vội vã, sự kỳ vọng bản thân càng lớn cũng đủ dẫn đến sự thất vọng, đổ vỡ niềm tin hoặc đuối sức trước áp lực.

Báo cáo của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) về sức khỏe tâm thần thanh-thiếu niên Việt Nam năm 2018 cũng đưa ra con số có đến 12% thanh-thiếu niên Việt Nam- tương đương 3 triệu người trong lứa tuổi này, gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần. Nhiều thanh-thiếu niên bị trục trặc về sức khỏe tâm thần đã dùng đến thuốc lá, rượu, trò chơi điện tử hay ma túy để xoa dịu cảm xúc của mình. Thế mới thấy, đau tâm trí đâu thể giải quyết đơn giản như đau bụng, nhức mỏi chân tay.

Phải đến khi nghe nhiều những chuyện này tôi mới giật mình nhận ra mình cũng không là trường hợp ngoại lệ. Một khoảng thời gian rất dài, cứ làm việc đúng 6 tháng là tôi lại bị sợ nghe tiếng chuông điện thoại, sợ gặp người lạ, sợ giao tiếp. Sợ thì… dừng. Tôi tắt điện thoại, không bước ra khỏi nhà, không nói chuyện, việc duy nhất tôi muốn làm lúc đó là ngồi một mình để cảm nhận sự an toàn, bình yên quanh mình. 3 ngày yên lặng như thế, tự nhiên tôi cảm thấy chẳng sợ nhiều nữa và tiếp tục bước ra ngoài cho đến 6 tháng sau vòng tròn lặp lại. Qua nhiều lần “chạy” và “dừng” vô tình giúp tôi nhận ra đó không chỉ là sự chiều chuộng cảm xúc của bản thân mà còn là cách trị liệu cho tâm hồn. Khi quá tải, người ta chỉ còn cách buông bỏ bớt, nhưng buông bỏ cũng có nhiều loại, hoặc buông xuôi, hoặc dừng lại để lấy sức đi tiếp.

Nếu nói chỉ cần biết “dừng” là có thể chữa được bệnh tâm thần thì ngành y học không còn vất vả nữa, nhưng trong những cách giải quyết căng thẳng của bản thân, có lẽ việc… chẳng làm gì trước sự thúc ép của áp lực là cách dễ thực hiện nhất với tất cả mọi người. Có bao giờ bạn ngồi yên một mình và “trò chuyện” với cảm xúc của chính mình chưa? Thử tưởng tượng bạn quá mệt mỏi, chán nản, không thiết làm gì, hãy nhẹ nhàng ngồi xuống nhưng không phải để gặm nhấm sự buồn chán ấy mà cảm nhận mình đang hít thở sâu và bình an, rồi bạn nở một nụ cười trước những khó khăn, áp lực đang bủa vây mình.

Bạn mở tất cả các giác quan nhưng không phải để “nhìn ra” đón nhận thêm những phiền nhiễu, mà thử “nhìn vào” trái tim mình đang đập, có thể bạn sẽ khóc vì tự hào thấy mình còn mạnh mẽ quá và lòng bạn chợt như mặt biển vừa qua mùa giông bão, vẫn đục ngầu, lăn tăn nhưng không còn sức mạnh nào có thể quật ngã bạn lúc đó nếu không phải bạn tự gục ngã, đúng không? Biết đâu sau khi “nhìn vào”, dù đó chỉ là khoảng thời gian ít ỏi trong ngày, trong tuần cũng khiến lúc “nhìn ra”, bạn thấy biết ơn những gì mình đang có hơn là muốn trốn chạy, chối bỏ.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.