Suy dinh dưỡng ở Đông Nam Á

.

Suy dinh dưỡng diễn ra khắp thế giới. Tình trạng này nặng nề hơn ở châu Á và nghiêm trọng hơn ở Đông Nam Á.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết có 821 triệu người trên toàn cầu thuộc diện đói nghèo. Hơn một nửa số trẻ em bị còi cọc, gần một nửa số trẻ em dư cân và 2/3 trẻ em béo phì sống ở châu Á. WHO xác định mức độ còi cọc nghĩa là thất bại trong việc phát triển thể chất và nhận thức do suy dinh dưỡng mãn tính hay tái phát. Với những trẻ em còi cọc thì chiều cao thấp hơn bạn cùng tuổi.

Trong khi đó, những trẻ em dư cân hay béo phì lại có nguy cơ tử vong cao. Số liệu thống kê ở Đông Nam Á không quá bất ngờ: 25,8% trẻ em dưới 5 tuổi còi cọc; 8,4% béo phì; 7,2% dư cân. Tỷ số trẻ em còi cọc cao nhất ở Campuchia, Lào, Myanmar. Ngay cả những nền kinh tế tăng trưởng tốt như Indonesia hay Philippines thì tỷ lệ này vẫn cao.

Ngoài đói nghèo thì các yếu tố khác dẫn tới suy dinh dưỡng trầm trọng là chế độ ăn uống truyền thống thiếu thực phẩm đủ chất dinh dưỡng, trẻ em ăn kém, thiếu nước sạch, vệ sinh không đầy đủ và cây trồng nông nghiệp hạn chế. Số liệu do Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) công bố trong tuần này cho thấy có sự gia tăng đáng kể về lượng người thiếu an ninh lương thực sau khi tổ chức quan sát 3 năm liên tiếp (2014 tới 2017), tăng từ 7,3% tương đương 46 triệu người lên 10,1% tương đương 65,8 triệu người.

Suy dinh dưỡng đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những trẻ em đó nhưng gián tiếp và lâu dài là nền kinh tế quốc gia. Trẻ em suy dinh dưỡng sẽ học hành kém, sức lao động thấp dẫn tới thị trường việc làm hạn hẹp và lúc đó sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Cha mẹ của những trẻ em suy dinh dưỡng cũng bị tác động và dẫn tới giảm năng suất lao động, tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia vì khuyết tật hay các bệnh không lây nhiễm. UNICEF cho biết chỉ riêng khoản chi phí điều trị các bệnh không lây nhiễm ở Indonesia đã tốn 248 tỷ USD mỗi năm.

UNICEF khuyến cáo tình trạng này cần phải được giải quyết một cách đồng bộ từ an ninh lương thực, y tế, nước sạch – vệ sinh, giáo dục về lối sống và giảm nghèo. Ngoài ra, trẻ em cần hạn chế sử dụng các thực phẩm không bổ dưỡng như đồ ăn vặt, đồ uống có đường; đồng thời hạn chế bán trong trường học. Các tác giả của báo cáo còn nói rằng các nước cần thích nghi với nông nghiệp trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại về mùa màng.

Anh Thư  (Theo ASEAN Post)

;
.
.
.
.
.
.