Từ bỏ một thói quen…

.

Mỗi người đều sở hữu hàng trăm thói quen khác nhau, trong đó có thói quen tốt lẫn thói quen xấu. Nhưng, để loại bỏ một thói quen xấu là rất khó đối với nhiều người, thậm chí có khi phải vật lộn với nó mà không thể nào bỏ được. Từ bỏ hút thuốc lá cũng vậy!

Dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn không bỏ được. Ảnh: Internet
Dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn không bỏ được. Ảnh: Internet

Nghiện thuốc lá do căng thẳng

Tình cờ, tôi gặp Sóc (sinh năm 1990, ở đường Nguyễn Hoàng, Hải Châu) trong một buổi gặp mặt với bạn bè. Không rõ Sóc tên thật là gì, chỉ biết bạn bè đều gọi cô gái ấy với cái tên thân thiện “Bé Sóc”.

Tôi có ấn tượng với Sóc ngay từ khi gặp bởi đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cô gái trẻ ngồi châm điếu liên tục và hút một mình giữa bàn nhậu toàn con trai. Sóc cho biết, lần đầu tiên em biết hút thuốc là sau khi chia tay với bạn trai lúc còn ở TP. Hồ Chí Minh. Đó là cú sốc lớn khiến cô luôn cảm thấy cô đơn và trống trải.

Từ đó, cô thường xuyên đi quán bar hoặc tụ tập với bạn bè thâu đêm, suốt sáng. “Lúc đầu thấy trời khuya lạnh thì em chỉ làm một điếu cho ấm, rồi từ từ trở thành thói quen khi nào không hay. Và ngay cả sau khi trở về Đà Nẵng sinh sống, em vẫn không thể bỏ được thói quen này”, Sóc chia sẻ.

Dù vẫn biết hút thuốc là có hại đối với sức khỏe và làm cho mọi người không có thiện cảm với mình, nhưng Sóc vẫn chưa thể bỏ được thuốc lá. Tuy nhiên, Sóc chỉ hút vào lúc đi nhậu với bạn bè, còn ở nhà thì em không dám hút vì sợ ba mẹ.   

Tuy không nghiện đến mức như Sóc nhưng chị L.C (sinh năm 1983, quận Cẩm Lệ) vẫn không có thể kiểm soát được hành vi hút thuốc lá của mình. Chị L.C cho biết, chị biết hút thuốc cách đây hơn 10 năm, nguyên nhân đến với thuốc lá là do “ngày xưa em chơi bời hơi quá”.

“Chắc do chơi với bạn xấu, chứ bạn tốt thì họ đã khuyên nhủ em rồi. Khi còn con gái thì lâu lâu em mới hút. Có gia đình rồi thì em bỏ hẳn. Gần đây em bắt đầu hút lại, có khi hút liên tục 10 điếu một lúc. Thậm chí, có ngày hút hơn 1 gói”, chị L.C kể.

Vì nhà có con nhỏ nên ban ngày, chị L.C thường ngồi hút ở trong vườn lúc con đi học. Còn ban đêm, chị vào phòng riêng hút thuốc. Chị L.C cho biết: Hiện nay tâm trạng em không được ổn nên tạm thời em cho mình phiêu chút xíu. Khi hút em cảm thấy thoải mái hơn!?

Khi được hỏi “Phụ nữ hút thuốc thì sẽ bị đánh giá không tốt, chị có e ngại điều này không?”. Chị L.C cho biết: Em là người sống rất thật, không màu mè nên em không quan trọng chuyện người ta nghĩ gì. Em cũng không phô trương chuyện mình hút thuốc lá…

Phải có nghị lực mới bỏ được!

Chia sẻ về kinh nghiệm bỏ thuốc lá, anh N.V.C (một cán bộ làm việc tại Trung tâm Hành chính thành phố) cho biết, anh nghiện thuốc lá từ năm 1978 đến năm 1980 thì bỏ hẳn đến bây giờ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn “bập bập” vài điếu cho vui chứ không nghiện.

“Do hồi đó đi bộ đội, hay trực đêm và đi học ban đêm, trời rất lạnh mà đặc công học thì chỉ mặc mỗi cái quần lót binh chủng, mùa đông rét tê cả người nên hút tí cho tỉnh ngủ và đỡ lạnh, rồi nghiện khi nào không hay. Lúc đó, mỗi người được phân phối mỗi tháng mấy gói thuốc lá nhưng cũng không đủ hút, phải hút thuốc rê. Trong đơn vị, anh nào cũng hút nên chẳng ai ngăn cản”.

Lý do bỏ thuốc của anh N.V.C cũng rất đơn giản. “Nhục quá thì bỏ. Hồi đó phải đi gom từng “dế” - tức đầu thuốc người ta hút xong bỏ đi thì mình đi lượm. Mình có thằng bạn, mỗi lần có thuốc, sợ mình xin nên trùm mền hút. Mình nằm bên cạnh tức quá, thức cả đêm. Sáng hôm sau chửi thằng bạn một hồi, rồi chính thức bỏ thuốc từ sáng hôm đó.

Cuối cùng, mình vẫn cảm ơn vì nhờ nó cho mình quyết tâm bỏ thuốc. Nói thì đơn giản vậy, chứ bỏ được thuốc cũng mất đến tận 2 tháng mới hết cơn thèm. Mỗi lần thấy bạn bè hút, thì mình tránh đi xa xa cho đỡ nhớ”, anh N.V.C chia sẻ.

Theo anh N.V.C, muốn bỏ được thuốc lá phải có nghị lực và quyết tâm. Trong 2 tháng đầu cảm thấy rất khổ sở vì phải đấu tranh tư tưởng với cơn thèm, rồi sau đó dần dần bớt thèm và đến tháng thứ 6 thì dứt hẳn.

“Tháng thứ 6 thì thấy thuốc chả thèm muốn gì nữa! Anh chả biết sức khỏe có tốt lên hơn hay không, nhưng ít nhất là người bớt hôi. Hút thuốc lá không những quần áo hôi mà người cũng hôi, nhất là bây giờ ngồi máy lạnh, phòng lạnh. Ở tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố mà cứ phải đi xuống tầng 4, tầng 1 để hút thì quá khổ!”, anh N.V.C thừa nhận.

Thực tế cũng cho thấy, việc từ bỏ một thói quen không hề đơn giản-nhất là thói quen xấu, nếu không có quyết tâm và mục tiêu rõ ràng. Ngoài việc xác lập sự toàn tâm toàn ý, thì đôi khi cũng cần phải chọn biện pháp hợp lý. Theo các chuyên gia tâm lý, từ bỏ một thói quen cũng giống như chặt một cái cây cổ thụ xum xuê, trước khi đốn được gốc thì cần phải tỉa dần cành lá.

Charles Duhigg, tác giả cuốn Power of Habit (tạm dịch: Sức mạnh của thói quen - Nhà Xuất bản Lao động-Xã hội) cũng khuyên rằng, việc cố gắng thay đổi hoàn toàn, cùng một lúc sẽ rất khó khăn và cho kết quả thiếu ổn định.

Thay vào đó, con người nên coi sự thay đổi là mục tiêu lâu dài. Đôi khi, chỉ cần loại bỏ được hoàn toàn một thói quen xấu thôi thì chất lượng cuộc sống của bạn cũng đã tốt lên rất nhiều rồi. Do đó, bạn không nên quá ép buộc bản thân mà chỉ cần quyết tâm thay đổi mỗi lần một thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình mà thôi.

Đoàn Hạo Lương

;
.
.
.
.
.
.