Vì một cuộc sống không khói thuốc lá

.

Một trong những giải pháp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị để giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng - đặc biệt với những người không hút thuốc lá, là xây dựng các mô hình “không khói thuốc” ở bệnh viện, trường học, công sở, khách sạn, nhà hàng…

Đó chính là hành động bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Biển cấm hút thuốc lá được đặt to, rõ tại các bệnh viện, cơ sở y tế .Ảnh: T.T
Biển cấm hút thuốc lá được đặt to, rõ tại các bệnh viện, cơ sở y tế .Ảnh: T.T

700 cơ quan không có khói thuốc lá

Mặc dù công tác sơn sửa, chỉnh trang lại trụ sở UBND phường Nại Hiên Đông còn vài công đoạn mới hoàn tất, song mấy hôm nay, Phó Chủ tịch UBND phường Đặng Ngọc Tài đã xăm xăm đích thân đi dán lại các biển cấm hành vi hút thuốc tại các cửa ra vào của đơn vị này.

“Gì chứ việc tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá, cấm hút thuốc lá trong khuôn viên UBND phường là phải thường xuyên, liên tục. Các tranh ảnh, áp-phích đang được dán dù nhỏ thôi nhưng khi nhìn vào chắc chắn người hút thuốc lá cũng sẽ e ngại phần nào”, ông Tài nói.

Cũng theo ông Tài, chừng vài năm trở lại đây, tại cơ quan này gần như không tồn tại khói thuốc lá. Cán bộ, công chức, người lao động làm việc cố định tại trụ sở phường tuyệt nhiên không còn ai hút thuốc lá trong cơ quan. Người dân ra vào trụ sở phường làm thủ tục cũng được nhắc nhở, theo dõi sát sao; bất kỳ hành động hay ý định hút thuốc nào bị phát hiện đều được nhắc nhở kịp thời và hầu hết ai cũng tuân thủ.

Nhiều năm nay, không đợi hoạt động của tổ phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của phường, mỗi cá nhân, người lao động đang làm việc tại phường cũng đều là tuyên truyền viên, có trách nhiệm nhắc nhở, khuyến cáo khi phát hiện hành động hút thuốc lá trong khuôn viên trụ sở.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Cơ, Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn, Thư ký thường trực của Ban PCTHTL Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, trung tâm y tế, bệnh viện là những môi trường đặc biệt cần tuyệt đối “nói không” với khói thuốc lá.

“Khói thuốc lá có tác hại như thế nào với người hít phải (người hút thuốc lá thụ động) đã được tuyên truyền rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại nhiều cơ quan, đơn vị, nơi công cộng... Với người khỏe mạnh, khói thuốc lá đã gây tác hại, thì với bệnh nhân sẽ nguy hại đến mức nào. Vì vậy, ở đâu chứ bệnh viện, cơ sở y tế là những nơi tuyệt nhiên không thể tồn tại khói thuốc lá”, ông Cơ khảng khái.

Đối với các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, theo ông Cơ, chuyện “nói không” với hành vi hút thuốc lá là điều đương nhiên, không cần phải nói cấm hay không cấm, xử phạt nặng hay nhẹ. Đó là mặc định, là tiêu chí bắt buộc, tối thiểu tương tự như một trong 12 điều y đức đối với ngành y.

Riêng đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngoài các pa-nô, áp-phích tuyên truyền khắp trong và ngoài khuôn viên Trung tâm Y tế quận, mỗi tháng trung tâm còn tiến hành họp hội đồng bệnh nhân và người nhà một lần để tuyên truyền, nhắc nhở họ không được hút thuốc lá tại bệnh viện, thậm chí sẽ bị xử phạt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế thành phố) cho biết, việc nhận thức, tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá đã được ngành quan tâm từ rất lâu.

Song, năm 2010 chính là thời điểm Đà Nẵng cụ thể hóa “cuộc chiến” chống tác hại của thuốc lá bằng việc triển khai xây dựng mô hình những đơn vị, cơ quan, trường học, bệnh viện... không có khói thuốc. Các đơn vị đã yêu cầu cán bộ, nhân viên ký cam kết không hút thuốc nơi làm việc.

Từ đó đến nay, thành phố đã triển khai chương trình xây dựng mô hình nơi làm việc không khói thuốc lá tại gần 700 đơn vị, trong đó có 162 cơ quan hành chính sự nghiệp, 100 cơ sở y tế, 332 cơ sở giáo dục và hơn 100 nơi làm việc/công cộng khác như khách sạn, nhà hàng, nhà máy, xí nghiệp, bến xe, khu vui chơi, giải trí...

Đồng thời, các đơn vị xây dựng chương trình hành động nơi làm việc, sinh hoạt “không có khói thuốc”. Mục tiêu ban đầu của mô hình là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức xã hội về tác hại của thuốc lá, sau đó “nói không” với thuốc lá.

Nhiều đơn vị đã xây dựng được nội quy cơ quan không thuốc lá và đưa nội dung thực hiện Luật PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm; treo biển cấm hút thuốc tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Tại nhiều đơn vị, không chỉ lãnh đạo, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở thành tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong gia đình và tại cộng đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động là chính

Có thể nói, công tác tuyên truyền, vận động “nói không” với thuốc lá tại các đơn vị, cơ quan, công sở thời gian qua đã đạt được những kết quả ban đầu.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây, đặc biệt tại các bệnh viện, cơ quan, công sở, trường học.

Đến nay, đã có đến hàng trăm đơn vị bệnh viện, trường học, công sở, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố được tập huấn, triển khai các hoạt động về phòng, chống tác hại thuốc lá; 100% các khách sạn từ 3 sao trở lên đã tham gia tập huấn được giám sát ít nhất 1 lần trong năm 2017 và 2018.

Tuy nhiên, mặc cho tuyên truyền, mặc quy định cấm, thực tế ghi nhận được vẫn tồn tại hành vi hút thuốc lá nhiều nơi. Hiện vẫn có một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng cán bộ, công chức và người dân hút thuốc lá tại nơi làm việc; hoạt động PCTHTL ở những nơi công cộng như nhà ga, bến xe, chợ, công viên chưa được triển khai mạnh...

Thậm chí, tại các bệnh viện, trung tâm y tế, khi cấm hút trong phòng bệnh, hành lang, khuôn viên hay những nơi dễ thấy, người nghiện thuốc lá (chủ yếu là người nhà bệnh nhân) sẽ ra cổng, chui vào nhà vệ sinh, những góc khuất để hút.

Hoặc khi thấy cán bộ, nhân viên y tế đi qua họ giấu thuốc lá đi, khi vắng người lại đem ra hút. Vì vậy, vấn đề là phải làm sao để người nghiện thuốc lá tự ý thức được tác hại của thuốc lá và môi trường chứa khói thuốc lá đối với những người chung quanh và tự nguyện bỏ, chứ không phải cấm hay phạt.

Bàn về giải pháp, bác sĩ Nguyễn Cơ cho rằng quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, vận động. Ông Cơ đề xuất, để tuyên truyền vận động hiệu quả hơn nữa thì người tuyên truyền mà trước hết là các cán bộ, nhân viên y tế phải được tập huấn một cách chuyên nghiệp, bài bản, “làm sao để người nghiện thuốc khi được tuyên truyền sẽ tự động, quyết tâm bỏ ngay”.  

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Quý cho biết, thời gian tới, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe sẽ tham mưu cho Sở Y tế tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá; đồng thời cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm thực thi nghiêm Luật PCTHTL.

Các giải pháp tuyên truyền hay thực thi Luật PCTHTL trước hết sẽ tập trung vào các đối tượng quan trọng như: Công nhân ở các khu công nghiệp; học sinh, sinh viên, người dân tại cộng đồng dân cư; tập trung các nguồn lực để triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng, đặc biệt là cơ sở vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em...

Bên cạnh đó, theo ông Quý, cần kiểm soát hiện trạng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, nhái; kiểm soát xử lý nghiêm việc tiếp thị, quảng cáo thuốc lá sai quy định...

Thanh Tân

;
.
.
.
.
.
.