Câu chuyện văn hóa ứng xử

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về cuốn sổ tay “Văn hóa người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” (gọi tắt là Sổ tay Văn hóa) tái bản gần một năm nay, ông Bùi Xuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy (đơn vị biên soạn) cho rằng, đó chính là một bước đi quan trọng trong câu chuyện xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh - mục tiêu lâu dài, chiều sâu của thành phố đáng sống.

Theo ông Bùi Xuân (ảnh trái), Sổ tay Văn hóa người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị (ảnh phải) chính là sự rút ra từ cuộc sống con người Đà Nẵng, là sự tập hợp, truyền bá, giáo dục, phát huy tính cách người Đà Nẵng trong văn hóa Việt Nam.
Theo ông Bùi Xuân (ảnh trái), Sổ tay Văn hóa người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị (ảnh phải) chính là sự rút ra từ cuộc sống con người Đà Nẵng, là sự tập hợp, truyền bá, giáo dục, phát huy tính cách người Đà Nẵng trong văn hóa Việt Nam.

Ông Bùi Xuân cho biết:

- So với lần phát hành đầu tiên vào năm 2015 (500 cuốn), Sổ tay Văn hóa vừa được tái bản hồi đầu năm nay có nhiều bổ sung, chỉnh sửa phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt, cuốn sổ tay rất thiết thực này đã được phát hành đến tận tổ dân phố, với số lượng lên đến 6.500 cuốn.

* Thưa ông, Sổ tay Văn hóa như ông nói trong lần tái bản này có nhiều chỉnh sửa, bổ sung so với bản 2015, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- Sau đợt phát hành đầu tiên đến nhiều cơ quan, ban, ngành, Ban biên tập nhận được nhiều góp ý nên đã chỉnh sửa bổ sung trên cơ sở các góp ý đó, đồng thời biên tập lại câu chữ cho ngắn gọn, rõ ràng hơn. Sổ tay lần tái bản này vẫn nhỏ gọn (gần 70 trang), một phần dành để nêu ngắn gọn, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; đánh giá tổng quan về quá trình thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị những năm qua và phương hướng, nhiệm vụ sắp tới. Phần chính của cuốn sổ tay là những nội dung rất sâu sát, những nguyên tắc dễ hiểu, dễ thuộc về văn hóa ứng xử trong gia đình; văn hóa học đường; văn hóa ứng xử với mạng xã hội; nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng và ở khu dân cư; văn hóa công sở; văn hóa du lịch; văn hóa giao thông; văn minh thương mại; một số nội dung về quản lý vỉa hè; quy định về quảng cáo, rao vặt, đánh giày, bán sách, báo, vé số dạo và bán hàng rong... Có thể nói, đây là cuốn sổ tay xâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội đô thị và đi sâu câu chuyện văn hóa ứng xử của con người Đà Nẵng.

* Những cơ sở quan trọng để xây dựng cuốn sổ tay này là gì?

- Từ thực tiễn sinh động của đời sống, trong đó, một cơ sở trực tiếp, quan trọng chính là Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị từ năm 2015. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc đến một cơ sở rất thú vị đó chính là những đặc tính rất đặc trưng, đặc biệt của người Đà Nẵng, bởi đây là sổ tay văn hóa ứng xử của người dân thành phố này. Tôi có điều kiện nghiên cứu tính cách người Đà Nẵng trong một số công trình, sách văn hóa, lịch sử và nhận thấy, người Đà Nẵng có những phần tính chung với người Quảng Nam, không nằm ngoài cốt cách người Việt song vẫn rất riêng. Và, tựu trung lại, có thể nói, người Đà Nẵng có 4 đặc trưng tính cách nổi bật sau: Đầu tiên, đó là tính mạnh về lý luận mà người xưa đúc kết trong câu gọn mà hay “Quảng Nam hay cãi”.

Thứ hai, người Quảng Nam-Đà Nẵng mạnh về trực giác, nhạy cảm chính trị, về những vấn đề thời cuộc cũng như trong mọi mặt đời sống, tình cảm, ứng xử. Thứ ba, một đặc điểm rất quan trọng chính là ý thức gánh vác, trách nhiệm với xã hội, quê hương, đất nước; nhờ đó tạo ra sự đồng thuận rất lớn để bảo vệ, xây dựng thành phố Đà Nẵng từ trong khói lửa chiến tranh đến hòa bình, đổi mới như hôm nay. Thứ tư, chính là sự hiền hòa, thân thiện - một đặc tính không phải người Đà Nẵng tự nói về mình mà chính là nhận xét của người địa phương khác, của bạn bè quốc tế khi họ có dịp đi qua, lưu lại thành phố này.

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hữu tình, đầy đủ núi, sông, đồng bằng, đất liền lẫn hải đảo đều có vẻ đẹp thu hút hồn người. Tuy nhiên, dù dư địa Đà Nẵng có hấp dẫn đến đâu, thì theo tôi điều căn bản, cốt lõi làm nên “đất lành chim đậu” chính là con người Đà Nẵng chan hòa, thân thiện. Cuốn sổ tay chính là sự đúc rút từ cuộc sống con người Đà Nẵng, là sự tập hợp, truyền bá, giáo dục, phát huy cao độ tính cách người Đà Nẵng trong văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày thêm văn minh, tươi đẹp, đáng sống!

* Ông có thể phân tích rõ hơn về vai trò của cuốn sổ tay này với việc xây dựng “Thành phố đáng sống”?

- Từ năm 2012, thành phố đã có chủ trương giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố xây dựng bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống”. Nhưng, như tôi nói ở trên, thực tiễn đời sống thành phố quá sinh động, thay đổi từng ngày, vì vậy, tháng 8 vừa qua, theo đề xuất của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực Thành ủy vừa thông qua việc thực hiện đề án “Bộ tiêu chí thành phố đáng sống đến năm 2020, hướng đến mục tiêu năm 2030 và tầm nhìn năm 2045”, giao Sở Văn hóa-Thể thao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố xây dựng bộ tiêu chí. Bộ tiêu chí được khởi phát từ một đề tài khoa học mang tên “Lối sống Đà Nẵng” (do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì thực hiện) nhằm xây dựng một Đà Nẵng có lối sống hiện đại, văn hóa, văn minh.

Điều này thực sự rất quan trọng nhất là trong cơn lốc đô thị hóa ngày càng đa dạng, biến đổi nhanh và hết sức phức tạp như hiện nay. Vì vậy, vấn đề lối sống, ứng xử của người Đà Nẵng sẽ là một trong những nội dung cốt lõi của bộ tiêu chí. Lúc này, cuốn sổ tay Văn hóa ứng xử người Đà Nẵng trên đà hoàn thiện thành những nguyên tắc ứng xử cơ bản chính là một trong những tài liệu quan trọng để triển khai rộng ra Bộ tiêu chí thành phố đáng sống. Và khi bộ tiêu chí thành phố đáng sống hoàn thành sẽ quay trở lại làm cơ sở tư liệu để hoàn thiện Sổ tay Văn hóa, và có thể nâng lên thành Bộ quy tắc ứng xử chung của người dân thành phố. 

* Từ Sổ tay Văn hóa đến Bộ quy tắc ứng xử của người Đà Nẵng có còn xa không, thưa ông?

- Để những tài liệu như thế này nâng lên thành một bộ quy tắc ứng xử cần phải có thời gian. Vì bộ quy tắc ứng xử mang tính khoa học và đòi hỏi có sự thảo luận bàn bạc kỹ. Vì khi nó trở thành những quy tắc rồi thì tính pháp lệnh của nó rất cao, không phải chuyện một sớm một chiều. So với sổ tay, bộ quy tắc cần bảo đảm tính ngắn gọn, rõ ràng về nội dung và dễ thực hiện hơn nữa, và quan trọng cần nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điều cần thiết trước mắt là làm sao phổ biến cuốn Sổ tay Văn hóa sâu rộng hơn nữa trong nhân dân thành phố.

- Xin cảm ơn ông!

THANH TÂN (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.