Không còn tư tưởng phải vào đại học bằng mọi giá, xu hướng học sinh chọn học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông ngày càng phổ biến.
Học thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. (Ảnh: Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cung cấp) |
Chọn nghề yêu thích và phù hợp điều kiện
Là một trong những thí sinh không chọn xét tuyển vào đại học năm ngoái, Nguyễn Lê Hoài Thương (hiện đang theo học nghề quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng) cho biết cô chọn học nghề này vì yêu thích và vì muốn rút ngắn thời gian học, sớm đi làm giúp đỡ gia đình. Để đưa ra quyết định này, Thương và ba mẹ đã tính toán khá kỹ lưỡng.
Theo Thương, mức học phí đại học ở trường công trung bình 5 triệu đồng mỗi học kỳ, ở trường tư gấp đôi. Ngoài ra, chi phí ăn ở mỗi tháng cũng khoảng 3 triệu đồng. Nếu học xong 4 năm đại học, gia đình cũng phải tốn cho Thương hàng trăm triệu đồng.
Chi phí đó là quá sức so với điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình Thương. Trong khi đó, chọn học nghề, khoản chi phí này rút xuống đáng kể, thời gian học cũng rút ngắn, ba mẹ sẽ tiết kiệm được khoản tiền lớn.
“Theo thông tin em nhận được từ nhiều kênh, hiện nhà tuyển dụng không còn quá coi trọng bằng cấp mà chú trọng vào hiệu quả công việc. Em sẽ dùng hơn hai năm học cao đẳng ở đây để học, thực hành nghề chăm chỉ để ra làm việc thật tốt”, Hoài Thương phân tích thêm về lựa chọn của mình.
Q.Tr (25 tuổi, hiện đang là lập trình viên của một công ty công nghệ thông tin) cho rằng một trong những quyết định đúng đắn nhất của bản thân đến thời điểm này chính là việc mấy năm trước, bạn đã mạnh dạn bỏ ngang chương trình đại học vốn không yêu thích để đi học nghề công nghệ thông tin.
“Tôi cho rằng học ở đâu không quan trọng bằng việc mình học những gì. Suốt ngày cứ phải học và làm những việc mình không thích thật khó. Lúc đầu để thuyết phục được cha mẹ tôi rất nan giải, nhưng giờ thì ổn rồi vì công việc hiện tại của tôi rất tốt. Đến bây giờ, tôi vẫn không cảm thấy chút hối tiếc nào khi đã rời giảng đường đại học”, Tr. nói.
Ông Võ Hồng Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng cho rằng, việc ngày càng nhiều người học lựa chọn học nghề theo sở thích, lợi thế, điều kiện kinh tế gia đình là một xu hướng tất yếu của xã hội.
Riêng Trường Cao đẳng Thương mại năm học 2018-2019 tuyển sinh được 1.400 học sinh, trong khi năm học trước đó chỉ 1.100 em. Các ngành học thuộc lĩnh vực du lịch như quản trị nhà hàng, quản trị khách sạn, hướng dẫn viên... những năm trở lại đây thu hút nhiều học viên nhất, chiếm trên 50% tổng số học sinh đang theo học tại trường.
Khảo sát tại một số trường nghề trên địa bàn thành phố cho thấy, chừng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tuyển sinh tại nhiều trường nghề tăng liên tục qua các năm, trung bình mỗi năm tăng chừng 10%. Thậm chí, có trường, có ngành học như công nghệ ô-tô, cơ điện tử, công nghệ thông tin, hàn, điện công nghiệp, quản trị khách sạn, nhà hàng..., trường nghề phải từ chối nhận thêm hồ sơ của người học để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Yêu cầu học lực không quá cao, thời gian học ngắn, được thực hành đến 70% thời lượng học; thực hành tại trường, thực hành tại doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu thực tiễn… chính là những ưu thế các trường nghề đang tạo ra thu hút người học.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện không chỉ học sinh được tạo điều kiện đến doanh nghiệp thực tế, tại nhiều trường nghề hiện nay, giáo viên cũng được cử đến các doanh nghiệp “học hỏi” để nâng cao hiệu quả thực tiễn, thực hành trong các bài giảng của mình.
Định hướng nghề nghiệp từ trường phổ thông
Tính cấp thiết của vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ trường phổ thông không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết, câu chuyện định hướng nghề nghiệp cho học sinh luôn được nhà trường coi trọng, nhất là đối với đặc thù chất lượng đầu vào khá thấp của phần lớn học sinh đang theo học tại trường.
“Qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp ngoài giờ, vấn đề nhiều học sinh quan tâm hiện nay là học nghề gì để ra trường xin được việc làm, mức học phí ra sao”, cô Vân cho biết.
Năm học vừa qua, trên 99% học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng đậu tốt nghiệp, nhưng chỉ tầm 20 - 30% trong số đó chọn gửi nguyện vọng vào các trường đại học. Trong 60 - 70% học sinh chọn học nghề, cô Vân cho biết nhiều em đủ điểm xét tuyển vào học các trường đại học dân lập như Trường Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á, nhưng các em đã không chọn. “Tôi nghĩ đây là một xu hướng lựa chọn rất tích cực, chống lãng phí và rất hiệu quả”, cô Vân nhìn nhận.
Tuy nhiên, cũng bà Kim Vân, hiện Trường THPT Tôn Thất Tùng dù rất nỗ lực sắp xếp bố trí các tiết dạy, trao đổi hướng nghiệp cho học sinh nhưng tính đến tính hiệu quả của các hoạt động này thì còn khá hạn chế.
“Mọi thứ sẽ cho kết quả tốt hơn nếu giáo viên được tạo điều kiện và cố gắng hơn nữa trong việc cập nhật các thông tin về nghề nghiệp mới, những nghề đáp ứng yêu cầu xã hội. Bên cạnh đó cũng cần tăng “sự trải nghiệm” thực sự cho học sinh để các em biết mình cần gì, đâu là năng khiếu, thế mạnh thực sự của bản thân, từ đó đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp đích xác”, cô Vân nói.
Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn tùy thuộc nhiều yếu tố tác động như gia đình, tâm lý lứa tuổi, tâm lý nghề nghiệp xã hội.
Hơn ai hết, các em phải tự quyết định tương lai của mình. Đây cũng là một tiêu chí để xét năng lực học sinh thay vì chỉ chăm chăm vào những kiến thức trong sách vở. “Các em cần phải nhận thức được giá trị bản thân, đồng thời không ngừng cập nhật những thông tin, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp, nắm bắt cơ hội từ xã hội, khi đó mới có thể thành công”, thầy Nguyễn Quang Hưng nói.
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 20 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Lấy mốc từ 2016 đến nay, số lượng tuyển sinh ở các trình độ nhìn chung có xu hướng tăng qua các năm. Trong đó, hệ cao đẳng có sự tăng vọt từ 2.702 học viên (năm 2016) lên 8.126 học viên (năm 2017) và 8.948 học viên (năm 2018); hệ trung cấp tăng từ 1.668 học viên (năm 2016) đến 3.209 học viên (năm 2017); hệ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có tổng số học viên đang theo học tăng từ 42.500 học viên (năm 2016) đến 48.173 (năm 2017) và 54.300 (năm 2018). Trong 3 năm 2016, 2017, 2018, chia theo cấp trình độ, học viên học trong các nhóm ngành thương mại, dịch vụ luôn chiếm tỷ lệ cao (từ 66, 67% đến trên 80%); ngành công nghiệp, xây dựng chiếm từ trên 18% đến trên 30%; còn lại các ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm trên 1%. |
Thanh Tân