Điều chỉnh đập Sambor trên sông Mekong?

.

Đập thủy điện Sambor ở đông bắc Campuchia dự kiến sẽ khởi công sau năm 2020. Đó sẽ là thủy điện lớn nhất Campuchia và là đập thấp nhất trên dòng chính sông Mekông chạy từ cao nguyên Tây Tạng qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi ra Biển Đông. Đập Sambor do Công ty Điện lực miền Nam Trung Quốc thiết kế với hồ chứa rộng 620km2, công suất lắp máy dự kiến 2.600 MW với 40 tổ máy. Campuchia coi đập Sambor là nguồn thu nhập quan trọng vì sẽ bán 70% điện cho Việt Nam và 10% cho Thái Lan.

Hạ lưu đập Sambor.
Hạ lưu đập Sambor.

Tuy nhiên, thiết kế ban đầu khiến cho nhiều tổ chức phi chính phủ phản ứng vì chiều ngang của đập dài tới 18km, cao 56m và tích nước ở cao trình 40m so với mức nước biển. Chiều ngang của đập được ví như đường cao tốc chặng đường di chuyển của nửa triệu con cá mỗi giờ hướng về các nhánh sông thượng nguồn để sinh sản hoặc xuôi dòng tới môi trường quen thuộc ở hồ lớn Tonle Sap và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thomas Wild là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Atkinson (Mỹ) hợp tác với GS Patrick Reed thuộc Viện Di sản thiên nhiên (NHI) cũng ở Mỹ để nghiên cứu phương án điều chỉnh thiết kế đập Sambor. Những nhà khoa học nhận thức đây là điểm nóng về đa dạng sinh học. Khoảng 60 triệu người, phần lớn là người nghèo, phụ thuộc vào dòng sông Mekong, sẽ gặp khó khăn. Nghiêm trọng hơn, đập Sambor có thể đẩy lưu vực sông Mekong vào sự sụp đổ hệ sinh thái, cản trở dòng di cư của cá, chất dinh dưỡng, trầm tích nên cần có một thiết kế khả thi để thay thế.

Kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học này cùng với các nhà sinh vật học (chuyên về cá), kỹ sư đập, địa chất, địa lý học, luật sư và chuyên gia kinh tế đã được đăng trên tạp chí Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước (Mỹ). Kết quả cũng đã được trình bày với chính phủ Campuchia về những lựa chọn thay thế về thiết kế, vận hành, những số liệu khoa học về sự đánh đổi chi tiết nhằm cân bằng giữa sinh thái và năng lượng. Mỗi sự thay thế sẽ có những số liệu khoa học mang tới kết quả sinh thái, xã hội và kinh tế khác nhau.

Các giải pháp đưa ra, giải pháp nào cũng gây rủi ro lớn cho nghề cá sông Mekong nhưng ít nhiều hạn chế được vấn đề trầm tích và dòng di cư của cá song vẫn bảo đảm được công suất thiết kế ban đầu.  Dấu hiệu tích cực là chính phủ Campuchia lắng nghe những đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học Mỹ khi đang nghiên cứu những điều chỉnh thiết kế, trong đó có tính chuyện phát triển những tấm năng lượng mặt trời nổi trên đập. Hy vọng Campuchia sẽ thực sự lắng nghe và điều chỉnh để đập Sambor gây thiệt hại ít nhất có thể cho sự đa dạng sinh học trên dòng sông Mekong. Đây chính là niềm vui cho người dân đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hy vọng mọi thứ sẽ tích cực hơn trong tương lai.

ANH THƯ (theo Cornell)

;
;
.
.
.
.
.