Đưa sản vật biển vươn xa

.

Gia tăng giá trị, chất lượng, đưa sản vật biển vươn cao, vươn xa chính là câu chuyện của những cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản tại thành phố biển giàu tiềm năng, lợi thế như Đà Nẵng.

Để nâng cao năng lực ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản cần quan tâm cùng lúc nhiều vấn đề nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, công nghệ chế biến, lao động và mở rộng thị trường.  Trong ảnh: Cân, đóng gói chả mực - sản phẩm mới của Công ty TNHH MTV Thanh Hồng Phúc.Ảnh: T.T
Để nâng cao năng lực ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản cần quan tâm cùng lúc nhiều vấn đề nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, công nghệ chế biến, lao động và mở rộng thị trường. Trong ảnh: Cân, đóng gói chả mực - sản phẩm mới của Công ty TNHH MTV Thanh Hồng Phúc.Ảnh: T.T

Đó là ý kiến của ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu) về vai trò của hoạt động sơ, chế biến thủy, hải sản. Ông Vinh dẫn một ví dụ đơn giản, cùng là cá chỉ vàng nhưng cá chỉ vàng phơi khô có giá khác cá tươi. Cá chỉ vàng tẩm gia vị lúc nào cũng có giá bán cao gấp đôi, thậm chí gấp ba giá cá khô bình thường. Chưa kể, so với cá tươi, cá khô và cá khô tẩm gia vị rất tiện lợi trong việc đóng gói, di chuyển từ nơi này đến nơi khác.  

Con cá của ngư dân có thể đi xa hơn

Trong hành trình của “con cá” tại làng nghề này, không thể không nhắc đến đặc sản nước mắm Nam Ô. Ông Trần Ngọc Vinh cho biết, hiện làng nghề có tổng cộng 53 hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm với chất lượng, quy mô sản xuất ngày càng phát triển. Nếu như các năm 2015, 2016, mỗi năm làng nghề chỉ sản xuất chừng 70.000 lít nước mắm, tương ứng với 140 tấn cá cơm nguyên liệu/năm; thì năm 2017, thành phẩm nước mắm tăng lên 100.000 lít, tiêu thụ 200 tấn cá cơm nguyên liệu.

Năm 2018 này ước tính làng nghề sản xuất trên 125.000 lít nước mắm, tiêu thụ trên 250 tấn cá cơm nguyên liệu. Một tín hiệu vui đối với làng nghề truyền thống Nam Ô là những năm gần đây, lượng người trẻ tham gia sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống địa phương ngày càng tăng.

Ông Vinh thống kê cho đến nay làng nghề có chừng 10 cặp vợ chồng trẻ tham gia hoạt động làng nghề, với sự mạnh dạn, xông xáo đầu tư sản xuất hơn hẳn các thế hệ trước. Họ chỉ chiếm 1/5 tổng số hộ sản xuất nước mắm của làng nghề, nhưng chỉ tính riêng năm 2017, 10 hộ kinh doanh trẻ này sản xuất khoảng 100.000 lít nước mắm, chiếm một nửa tổng sản lượng nước mắm sản xuất trong năm của cả làng nghề.

 Vào nhà xưởng của doanh nghiệp chuyên sản xuất mực mai sấy khô, chả mực của Công ty TNHH MTV Thanh Hồng Phúc có thể thấy sự tất bật, khẩn trương của các nhân công đang làm việc tại đây, mùi thơm nồng của sản vật biển phả ra đến tận cổng. Ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Hồng Phúc cho biết, mỗi năm doanh nghiệp thu mua chừng 250 tấn mực để phục vụ sản xuất, chế biến hai sản phẩm chính là mực mai sấy khô và chả mực.

Riêng chả mực là sản phẩm mới được công ty đưa vào sản xuất từ đầu năm 2017, theo gợi ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Với sản phẩm mới này, công ty được Nhà nước hỗ trợ 50% máy móc, thiết bị làm chả, được hỗ trợ về mặt nhãn mác, bao bì.

Dù mới ra mắt thị trường chưa lâu, song chả mực của Thanh Hồng Phúc đã có mặt ở hầu hết các cửa hàng, chi nhánh của hệ thống siêu thị Coop Mart, sân bay, các cửa hàng thực phẩm sạch của thành phố và bắt đầu vươn ra các tỉnh thành như: Quảng Nam, Quy Nhơn, thành phố Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, tới đây, sản phẩm chả mực của Thanh Hồng Phúc sẽ được đưa vào chuỗi thực phẩm sạch theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện công ty đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục), được coi là bước đệm quan trọng trong việc phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đi xa hơn.

Thành phẩm của hoạt động sơ, chế biến sản vật biển có thể nhìn thấy ở các siêu thị, cửa hàng, chợ phục vụ khách dụ lịch. Và chợ Hàn là một trong những địa chỉ điển hình như thế. Các mặt hàng tôm, cá, mực sấy khô, hoặc rim tẩm gia vị, các loại nước mắm, mắm, ruốc... được bày bán từ ngoài cổng đến khu trung tâm của ngôi chợ du lịch này, với chất lượng, giá cả vô cùng phong phú, có thể chiều lòng những vị khách khó tính nhất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn cho biết, chợ có 60 quầy đặc sản là hải sản khô, đồ rim sẵn; 12 quầy bán các loại mắm cá. Xu hướng chuyển qua kinh doanh chuyên hải sản khô, hải sản rim, tẩm ướp gia vị xuất hiện tại nhiều cửa hàng tổng hợp trước đó.

Đơn cử như 30 hộ kinh doanh ở lối vào giữa chợ chuyên bán bánh kẹo và một ít đồ rim thì nay họ chuyển hẳn sang chuyên bán hải sản khô và rim. Hỏi các tiểu thương kinh doanh những món ăn hấp dẫn từ biển này mới biết, trước đây, họ chủ yếu bán đồ khô, nhưng sau thấy khách du lịch ngày càng yêu chuộng các sản phẩm rim, tẩm gia vị, họ liền đem nhu cầu này chia sẻ với các cơ sở sản xuất. Từ đó, cá rim, mực rim, cá mực tẩm gia vị mới “phủ” chợ như hiện nay.

Vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Theo đánh giá của TS Đỗ Văn Tính, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân, người có nhiều tâm huyết đối với câu chuyện chế biến thủy hải sản Đà Nẵng, ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản thành phố những năm qua có nhiều bước tiến, sự phát triển đáng ghi nhận, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Cụ thể, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ chiếm phần lớn, chất lượng sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao... TS Tính cho rằng, có 5 vấn đề căn bản cần được quan tâm để nâng cao năng lực ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản này là: nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, công nghệ chế biến, lao động và mở rộng thị trường.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tứ, Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm, câu chuyện chế biến thủy, hải sản có ý nghĩa hơn, cần đặc biệt quan tâm tính liên kết, thống nhất từ khâu khai thác đến nhà máy chế biến. Cụ thể, phải làm sao để nâng giá thành thu mua của nguyên liệu, nâng cao thu nhập cho ngư dân trực tiếp bám biển, thay vì qua quá nhiều đầu nậu trung gian như hiện nay.

Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô Trần Ngọc Vinh rất vui mừng vì sản phẩm nước mắm của làng nghề từ “thương hiệu uy tín” (do Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận năm 2007) đến “thương hiệu nổi tiếng” (năm 2018), hiện đã có mặt ở hầu khắp các hội chợ, cửa hàng, siêu thị trong nước.

Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là làm sao giúp những hộ đã dời đi đến chỗ ở mới (sau giải tỏa) có thể trở lại với nghề truyền thống. Như thế, câu chuyện nghề biển của làng Nam Ô từ bao đời nay sẽ trọn vẹn hơn.


Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 15 công ty chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, 14 cơ sở chế biến thủy, hải sản nội địa và 65 cơ sở chế biến thủy, hải sản hộ gia đình. Nguồn nguyên liệu tiêu thụ mỗi năm ước tính 135.000 tấn cho các hoạt động sơ, chế biến thủy, hải sản. Các sản phẩm chủ yếu là hải sản khô, hải sản rim, tẩm ướp gia vị, các loại mắm, ruốc, nước mắm,
chả cá, chả mực...

THANH TÂN

;
;
.
.
.
.
.