Giải thưởng cho sự sáng tạo

.

Trở về sau chuyến tham dự vòng chung kết Cuộc thi Go Green in The City 2018 diễn ra tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ) trung tuần tháng 11 vừa qua, hai cô gái Đoàn Thị Thu Hà, sinh viên năm cuối khoa Điện-Điện tử và Nguyễn Thị Thanh, sinh viên chương trình lấy bằng đại học Mỹ tại Việt Nam (viết tắt là chương trình ADP), bằng Keuka:4+0, Trường Đại học Duy Tân đã có những trải nghiệm tuyệt vời với khoa học trong lần đầu tiên đi ra thế giới.

Đoàn Thị Thu Hà (bên trái) và Nguyễn Thị Thanh (bên phải) cùng bạn bè quốc tế tại vòng chung kết thế giới tại Mỹ.
Đoàn Thị Thu Hà (bên trái) và Nguyễn Thị Thanh (bên phải) cùng bạn bè quốc tế tại vòng chung kết thế giới tại Mỹ.

Để đi tới vòng chung kết toàn thế giới này, Thanh và Hà đã mất hơn 7 tháng miệt mài với dự án “Hệ thống phanh tái tạo chuyển hóa lực ma sát thành điện năng dành cho xe máy”. Hà cho biết, đây vốn là đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của Hà, khi biết đến cuộc thi này, Hà và Thanh đã được thầy Hà Đắc Bình, Trưởng khoa Điện-Điện tử của Trường Đại học Duy Tân “cáp đôi”.

Từ hai cô gái chưa hề quen biết nhưng đều có chung niềm say mê với khoa học kỹ thuật, một người có lợi thế về ngoại ngữ và học chuyên sâu về quản trị kinh doanh, một bạn có kỹ thuật tốt, họ trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”.

Hà cho biết, cuộc thi này chủ yếu là ý tưởng dành cho các sinh viên kỹ thuật và áp dụng kinh doanh giống như một bước khởi nghiệp. Do đó, ngay sau khi gặp gỡ, hai bạn đã bắt tay vào thực hiện.

Ý tưởng của dự án là khi chạy xe máy, lúc phanh xe tạo ra một lực ma sát, bình thường sẽ dư thừa, ý tưởng tận dụng lượng ma sát dư thừa này chuyển hóa thành điện năng, tích vào pin dự phòng mà vẫn bảo đảm tiêu chí an toàn của phanh xe. Pin sau khi tích đầy có thể dùng sạc điện thoại, quạt mi-ni, tiện lợi cho những người chạy dịch vụ grab bike, những người đi du lịch ở vùng không có điện để sạc điện thoại, thắp đèn…

Sản phẩm được hình thành với 3 bộ phận chính gồm dây phanh, dynamo và pin tích trữ điện được áp vào má phanh của xe gắn máy. Khi di chuyển, mỗi lần sử dụng phanh, ma sát sẽ làm các dynamo hoạt động, qua đó tích tụ năng lượng tạo thành dòng điện. Dòng điện sau đó sẽ được tích trữ vào hệ thống pin, tạo ra nguồn năng lượng dự trữ hết sức thiết thực cho người đi trên những hành trình.

Để có mặt ở thành phố Atlanta tham dự vòng chung kết với 10 đội đến từ các quốc gia trên thế giới giữa tháng 11 vừa qua, hai bạn trẻ đã vượt qua rất nhiều vòng thi như: vòng thi trực tuyến, vòng thi phỏng vấn qua điện thoại, vòng thi trực tiếp toàn quốc (giải nhất quốc gia, từ 60 đội chọn 5 đội thi tại TP. Hồ Chí Minh); sau đó tiếp tục vòng thi khu vực châu Á-Thái Bình Dương và giành giải nhì chung cuộc.
May mắn của Hà và Thanh là ngoài 7 đội nhất của 7 khu vực trên toàn thế giới, hai cô gái là 3/7 đội nhì xuất sắc nhất được lựa chọn để tham gia vòng chung kết toàn thế giới.

 

Nguyễn Thị Thanh đã từng đoạt giải nhất quốc gia tại Go Green in the City 2017 với dự án Máy phát điện mini và pin bằng nước tiểu. Đoàn Thị Thu Hà từng có dự án “Tủ cấp phát bao cao su thông minh” đoạt giải 3 cấp quốc gia về nghiên cứu khoa học 2017 và dự án “Máy bán tự động các sản phẩm phòng the” giành giải 3 cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm 2017.

Thanh bày tỏ, đi ra ngoài, gặp gỡ các bạn mới thấy, các bạn đều rất trẻ và năng động, làm khoa học một cách nghiêm túc; đa phần các bạn của các đội thi đều đang học thạc sĩ, hoặc nghiên cứu sinh, chỉ có 4 người đang là sinh viên - trong đó có Hà và Thanh. “Vì các đề tài chủ yếu là ở dạng ý tưởng nên khi vào cuộc thi rồi mới thấy nhiều dự án của các đội bạn rất đơn giản nhưng quan trọng là ý tưởng đó có tác động, giải quyết một vấn đề nào đó về kinh tế, môi trường, con người…”, Thanh cho hay.

Tại vòng chung kết của cuộc thi, chỉ có 3 đội tuyển xuất sắc nhất được trao giải thưởng và hai đại diện nhỏ nhắn của Việt Nam được vinh danh giải thưởng Women in Business Global Award (tôn vinh phụ nữ kinh doanh toàn cầu). Giải thưởng này không chỉ ghi nhận tài năng của hai cô gái mà còn góp phần xướng danh nữ sinh Việt Nam trong sân chơi trí tuệ, sáng tạo toàn cầu. Những ngày tham dự vòng chung kết trên đất Mỹ, hai cô gái được sống trong môi trường của khoa học và kỹ thuật, được tham quan Viện Khoa học của bang Georgia, Atlanta, tận mắt thấy được môi trường làm việc khoa học chuyên nghiệp, hiện đại...

Hà và Thanh thấy rằng, đi và gặp gỡ bạn bè thế giới để thấy được rằng mình còn rất nhiều thứ phải học, để mở mang, tích lũy thêm kiến thức và trong hành trình sau này, chắc chắn hai cô gái vẫn tiếp tục nỗ lực tích lũy để viết tiếp những ước mơ, dự định của mình.

Cuộc thi Go Green in the City 2018 thu hút hơn 24.000 thí sinh trên toàn thế giới-lớn nhất trong 8 mùa vừa qua do Tập đoàn Năng lượng Scheneider Electric tổ chức. Thí sinh tham gia đến từ 3.190 trường đại học tại 163 quốc gia trên thế giới, trong đó 58% thí sinh tham gia là nữ.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Trường Đại học Duy Tân giành giải Vô địch quốc gia tại Cuộc thi Go Green in the City (2016, 2017 và 2018) và lần đầu tiên có mặt tại vòng chung kết thế giới cuộc thi này.

10 đội thi lọt vào vòng chung kết thế giới gồm: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Algeria, Indonesia, Brazil, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Úc và Việt Nam; trong đó đội đến từ Algeria giành giải nhất và đội đến từ Đức giành giải Social Star Award (Giải thưởng ngôi sao xã hội).

N.H
 

;
;
.
.
.
.
.