Lạc quan nhưng vẫn lo ngại

.

Cứ vào dịp cuối năm, nền kinh tế Mỹ luôn được các chuyên gia kinh tế và báo chí quan tâm bởi nó có tác động rất lớn đến kinh tế thế giới. Đặc biệt, năm nay, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Dù bức tranh kinh tế Mỹ trong năm qua vẫn được tô thêm nhiều màu sáng nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế nước này sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm tới do lãi suất tăng cao khi những ảnh hưởng của gói kích cầu của chính phủ không còn và những hạn chế về nguồn lao động cũng như năng lực bộc lộ rõ.

Tăng trưởng kinh tế khả quan giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong 10 tháng qua đạt ngưỡng 3,7% - mức thấp nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Ảnh: AP
Tăng trưởng kinh tế khả quan giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong 10 tháng qua đạt ngưỡng 3,7% - mức thấp nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Ảnh: AP

Tăng trưởng khá vững chắc

Theo TTXVN, hôm 5-12, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố “Beige Book” về tình hình các khu vực kinh tế trọng điểm ở Mỹ. Theo đó, tính đến cuối tháng 11, các hoạt động kinh tế tiếp tục được mở rộng trên khắp nước Mỹ, trong khi thị trường việc làm duy trì được đà cải thiện tích cực và lạm phát ghi nhận xu thế tăng. Đa phần 12 khu vực kinh tế trọng điểm nằm trong “Beige Book” đều ghi nhận mức tăng trưởng “khiêm tốn” hoặc “vừa phải” trong những tuần trở lại đây. Thị trường lao động tiếp tục có xu hướng “khát” nhân công ở hầu hết các lĩnh vực của ngành kinh tế.

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, trong 10 tháng qua đã có 250.000 việc làm được tạo ra, cao hơn mức trung bình tháng những năm gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng 3,7% - mức thấp nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Thu nhập của người lao động tăng 3,1% so với tháng 9-2017 và năm 2018 ghi nhận tiền công tính theo giờ có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009. Nguyên nhân là do giới chủ cạnh tranh thu hút nguồn lao động tay nghề vốn đang khan hiếm. Tại hầu hết 12 vùng kinh tế trọng điểm ghi nhận xu thế chính là thu nhập tăng từ “khiêm tốn tới trung bình”. Lạm phát cũng tăng ở mức độ “khiêm tốn” tại hầu hết các vùng, một số ít có mức tăng trung bình. Tính đến tháng 10 vừa qua, chỉ số chi tiêu dùng cá nhân tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngưỡng lạm phát mà FED đánh giá là “lành mạnh” đối với nền kinh tế và cũng là mức lạm phát mục tiêu 2% mà cơ quan này đưa ra cho từng tháng, tính từ tháng 2 năm nay.

Trả lời phỏng vấn đài CNBC của Mỹ, ngày 6-12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng cho rằng, vẫn còn nhiều nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng của Mỹ, song mối quan ngại rằng kinh tế Mỹ sẽ suy giảm đang “bị phóng đại”. Bà Lagarde khẳng định không thấy yếu tố dẫn tới tình trạng suy thoái trong ngắn hạn.

Trong khi đó, Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 3-12 cho biết, mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phải đối mặt với một số thách thức từ vấn đề tiền lương cho người lao động, năng suất trì trệ và dân số già hóa mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức thấp nhất trong gần 5 thập niên và hệ thống tài chính đã được củng cố kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Chủ tịch FED cũng lưu ý rằng, sự suy giảm về tính cơ động của nền kinh tế kéo dài hàng thập niên đã khiến những người Mỹ thuộc nhóm thu nhập thấp gặp khó khăn hơn trong việc cải thiện tình hình kinh tế của họ.

Liệu Mỹ tránh được rủi ro suy thoái kinh tế?

Theo báo cáo công bố cuối năm của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), các doanh nghiệp dự báo tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh lạc quan hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019 với giá trị tài sản gia tăng, lợi nhuận biên cao hơn, đầu tư và tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng. Tuy vậy, tình hình hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 của các doanh nghiệp Mỹ được dự báo sẽ không mạnh như năm 2018 khi hoạt động thương mại chịu tác động bất lợi do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc và đồng USD mạnh lên. Công bố trên của ISM cũng cho thấy, các mức thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đã và có thể áp dụng sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực chế tạo của Mỹ, thậm chí dù một số doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoạt động để tồn tại trước những ảnh hưởng bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ông Anthony Nieves, phụ trách lĩnh vực phi chế tạo của ISM cho rằng, trong lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp vẫn “lạc quan dù không bằng năm 2018”. Số lượng doanh nghiệp dự kiến tăng giá bán sản phẩm giảm, song nhiều công ty chế tạo đang cân nhắc sắp xếp lại những chuỗi cung cấp và vị trí đặt nhà máy của họ do tác động tiêu cực của cuộc chiến thuế quan giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu của ISM, các doanh nghiệp dự kiến tăng đầu tư vào hoạt động kinh doanh thêm 6% trong năm 2019, thấp hơn mức tăng 13,4% năm 2018. Các doanh nghiệp chế tạo dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ giảm mạnh trong năm 2019 và đồng USD tiếp tục tăng giá.

Trong năm 2019, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2%, cao hơn một chút so với 3,1% năm 2018 và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần xuống ngưỡng khoảng hơn 2%. Tăng trưởng ngắn hạn duy trì ở mức khá mạnh do tác dụng kích cầu của chính phủ và chỉ số niềm tin doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng khá cao. Tuy nhiên, sang năm 2019, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ khó duy trì được ở mức này do lãi suất tăng cao khi những ảnh hưởng của gói kích cầu của chính phủ sẽ không còn và những hạn chế về nguồn lao động cũng như năng lực bộc lộ rõ.

Các chuyên gia kinh tế của tổ chức nghiên cứu độc lập The Conference Board cho rằng, chỉ số tăng trưởng năng suất lao động của Mỹ phải đạt được mức cao hơn hiện nay mới có thể giúp nước Mỹ tránh được rủi ro rơi vào suy thoái kinh tế. Ông Ken Goldstein, chuyên gia kinh tế của The Conference Board, cho biết tăng trưởng năng suất 2 hay 3% như hiện nay đã là rất cao và xu hướng tăng trưởng chỉ số này sẽ phải thấp hơn, chỉ khoảng 1,5%. Trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng năng suất của Mỹ không thể tăng hơn thế và sẽ chỉ ở mức 1,5% trong hai năm tiếp theo. Để tăng năng suất lao động trong thời gian tới, nước Mỹ cần tăng đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề và phương tiện làm việc để người lao động làm việc hiệu quả hơn.

Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal và Financial Times số ra ngày 9-12, ông Maurice Obstfeld, nhà kinh tế của IMF, cũng đưa ra nhận định rằng, năm 2019, người Mỹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc mà chưa đến ngưỡng cửa suy thoái. Theo ông Maurice Obstfeld, căn cứ vào số liệu tổng quan ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giảm sâu hơn trong năm 2020. Tình trạng kinh tế trở nên yếu kém hơn cũng sẽ được ghi nhận ở cả châu Á và châu Âu. Điều này một lần nữa sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế Mỹ. 

Các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Washington với các đối tác thương mại khác, bao gồm châu Âu, chính là yếu tố đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì các hoạt động đầu tư và sản xuất toàn cầu gắn kết với nhau ở quy mô lớn. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,8% đến năm 2020. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này bác bỏ nguy cơ thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc đại suy thoái như những năm 30 của thế kỷ 20 - thời điểm giao thương hoàn toàn đứt đoạn do sức ép từ các biện pháp siết chặt thương mại.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)
 

;
;
.
.
.
.
.