Hành trình đến với văn học của Nguyễn Minh Châu không dễ dàng, suôn sẻ mà là quá trình lao động cần mẫn, đầy kiên nhẫn và luôn tìm tòi tự đổi mới.
Sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An, năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn sôi động, người học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng vừa tròn hai mươi tuổi ấy, từ giã sách vở lên đường nhập ngũ, trở thành người lính chiến đấu ở vùng địch hậu thuộc đồng bằng sông Hồng và mười mấy năm sau ông mới trở thành nhà văn viết về người lính, tác giả của nhiều tác phẩm lần lượt xuất hiện được đông đảo bạn đọc chú ý: Cửa sông (1967), Những vùng trời khác nhau (1970), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Mảnh đất tình yêu (1987), Cỏ lau (1987) và nhiều truyện ngắn, trao đổi, tiểu luận in rải rác trên báo chí Trung ương và địa phương.
Chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989). Ảnh: Internet |
Có thể nói rằng, suốt 16 năm của chặng đầu con đường sáng tác của Nguyễn Minh Châu là quãng đường tìm tòi, kiên nhẫn và có cả những thất bại thầm lặng.
Một vài phóng sự, một vài truyện ngắn phác thảo về chân dung người lính được viết ra rồi chính tay tác giả hủy đi; một vài bài báo chìm nghỉm giữa những Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Thư nhà của Hồ Phương, Vùng trời của Hữu Mai… những đồng nghiệp mặc áo lính cùng thời.
Chỉ sau những chuyến đi vào khu Bốn và vào giữa những năm 1960, Nguyễn Minh Châu mới tìm ra lối về với biển cả văn chương.
Đó là đầu năm 1967, Nguyễn Minh Châu có mặt trong đoàn quân ra trận, băng rừng vào chiến trường Quảng Trị, ông mới bắt đầu thấu hiểu ít nhiều về gương mặt thật của chiến tranh và có bước chuẩn bị bằng các truyện ngắn Mùa hè năm ấy, Mảnh trăng cuối rừng, để bắt tay vào viết tiểu thuyết Dấu chân người lính, mở đầu cho hàng loạt các tiểu thuyết và truyện ngắn.
Lần theo những chuyến đi, những chuyến vào ra, lần theo “dấu chân người lính” Nguyễn Minh Châu, tôi muốn hình dung ra vóc dáng tâm hồn của một con người có một khát khao đến cháy bỏng “muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong một con người trong cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày và khắp các lĩnh vực đời sống”.
Giờ đây, ngồi đọc lại Nguyễn Minh Châu, lần tìm lại dấu vết đời văn chưa phải là đồ sộ, nhưng cũng đủ để nhận ra một chân dung văn học đặc sắc, với những phẩm chất văn chương của một tài năng độc đáo. Đó là năng lực quan sát tinh tế, là ngòi bút giàu chất thơ, là tấm lòng đôn hậu rộng mở và chiều sâu triết học về con người - tư tưởng nhân bản trong văn chương. Đó là cái chung, cái nhất quán trong Nguyễn Minh Châu. Nhưng đọc Nguyễn Minh Châu, tôi còn gặp nhiều con người trong một con người. Ít nhất có đến 3 Nguyễn Minh Châu.
Đó là người lính mang trong mình tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hòa nhập cái tôi riêng lẻ của mình trong cộng đồng, trong sản xuất và chiến đấu ở hậu phương (Cửa sông), hăng hái gia nhập đoàn quân ra trận đối mặt với kẻ thù trong trận chiến một mất một còn (Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính). Ở Nguyễn Minh Châu giai đoạn này dễ tìm thấy sự hòa nhập ý thức cá nhân để làm nên ý thức cộng đồng. Cái riêng của Nguyễn Minh Châu là khả năng am hiểu tường tận về đời sống người lính và người nông dân trên dải đất miền Trung.
Con người thứ hai hằn lên giữa trang văn Nguyễn Minh Châu là người lính trở về sau chiến tranh, mở ra tấm lòng bao dung, nhân hậu với mọi người, trong đó có cả ý nghĩa nhân văn trong hòa hợp hòa giải dân tộc và đang đứng trước bao lo toan của cuộc sống đời thường, bao hậu quả của chiến tranh cần giải quyết, người lính cách mạng trước hết phải là người mang bản chất văn hóa nhân văn, văn hóa thương người (Miền cháy), đồng thời còn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thời hậu chiến (Những người đi từ trong rừng ra).
Ở những trang viết trong giai đoạn chuyển tiếp này, về căn bản Nguyễn Minh Châu vẫn giữ quan niệm nghệ thuật về con người và thi pháp biểu hiện theo kiểu cũ, giống như những trang viết của ông trước năm 1975. Những yếu tố mới, sự đổi mới có tính tiên cảm, là cần thoát khỏi cái nhìn định kiến của chủ nghĩa lý lịch (Miền cháy) là sự dự báo về chủ nghĩa công thần, là những biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa thực dụng, nỗi ham muốn vật chất đang xâm chiếm làm tha hóa con người sau chiến tranh (Lửa từ những ngôi nhà).
Nguyễn Minh Châu đã từng có ý thức cựa quậy để thoát khỏi những ràng buộc. Thác lời nhân vật Lực trong Cỏ lau, ông đã nhiều lần thừa nhận: “Tôi chỉ là con người của chiến tranh”, nhưng những trải nghiệm qua cuộc chiến, chính nghĩa, cũng đã tạo cho ông một vài góc nhìn khác, một quan niệm/ nhận thức khác, hết sức chân thành. Điều đáng nói hơn, qua diễn ngôn mộc mạc, con người, không gian, thời gian trong truyện của ông bao giờ cũng cụ thể, nhưng lại có sức khai quát mang ý nghĩa của con người thời đại, đang sống trong nhiều miền quê khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Ấy là nhờ nhà văn có được khả năng am hiểu nhiều loại người trong đội ngũ những người ra trận - người lính.
Phạm Phú Phong