Lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống tới người trẻ

.

Với đề tài “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái”, Lê Văn Thắng, sinh viên năm cuối khoa Khoa học xã hội và nhân văn (Trường ĐH Duy Tân) xuất sắc giành giải ba chung kết trong lĩnh vực Xã hội và Nhân văn tại giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018 vừa diễn ra tại T.P Hồ Chí Minh.

Lê Văn Thắng (giữa) cùng giảng viên hướng dẫn (ngoài cùng bên phải) nhận bằng khen tại buổi lễ trao giải.
Lê Văn Thắng (giữa) cùng giảng viên hướng dẫn (ngoài cùng bên phải) nhận bằng khen tại buổi lễ trao giải.

Khi được gợi ý và chọn đề tài “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái”, Thắng chưa biết nhiều về văn hóa dân gian cũng như dân ca xứ Quảng. Sau đó, Thắng đã đọc rất nhiều sách về thể loại này để khảo sát từng lời thơ, nghe từng bài hát để hiểu về giai điệu.

Ban đầu, đây vốn là đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của Lê Văn Thắng, sau đó được phát triển thành khóa luận tốt nghiệp và được hội đồng nhà trường lựa chọn dự thi Euréka 2018. Tiêu chí của Euréka là ưu tiên tính ứng dụng và tính mới của đề tài, vì vậy, Thắng đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, gia công thêm cho sản phẩm của mình.

Thắng và giảng viên hướng dẫn, TS Trần Thị Ánh Nguyệt đều không phải là người chuyên sâu trong lĩnh vực này. Thế nên, Thắng không nhớ đã đọc bao nhiêu cuốn sách, tuyển tập văn hóa dân gian của rất nhiều các tác giả khác nhau, phải mất hơn một năm để khảo sát xong các hình ảnh sông biển trong các tác phẩm dân ca.

“Vì đề tài này sử dụng lý thuyết phê bình sinh thái là một lý thuyết mới trên nền chất liệu dân ca, là hướng nghiên cứu chưa ai làm nên em phải đọc hết để lựa chọn các hình ảnh có trong các tác phẩm dân ca. Ngay khi viết cũng gặp khó, phải lựa chọn xem viết cái gì, viết xong phải sửa liên tục”, Thắng chia sẻ.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhưng may mắn là trong 3 năm làm đề tài, Thắng đã được TS Ánh Nguyệt hướng dẫn và hỗ trợ rất nhiều trong nghiên cứu và phát triển đề tài; được nghệ sĩ Trịnh Công Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố và các chuyên gia nghiên cứu về xứ Quảng giúp đỡ trong việc khai thác và làm rõ phần giai điệu, cũng như lời thơ trong dân ca xứ Quảng.

Tại vòng chung kết Euréka, đề tài nghiên cứu của Lê Văn Thắng đã xuất sắc vượt qua 14 đề tài cùng lĩnh vực để vào vòng chung kết, xếp ngang hàng với các đội thi đến từ các trường đại học uy tín như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh), ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH An Ninh, ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn… và được hội đồng giám khảo đánh giá cao, bởi tuy khảo sát trên một chất liệu truyền thống là dân ca, nhưng có được cái nhìn hoàn toàn mới mẻ dựa trên lý thuyết phê bình sinh thái (ecocriticism).

Với đề tài nghiên cứu này, Thắng đã chỉ ra được 3 ứng dụng, đó là có thể khảo sát được những thể loại khác tiểu thể loại trong dân ca; nghiên cứu văn hóa vùng khác nhau (xứ Quảng, dân ca Thanh Nghệ Tĩnh, dân ca Nam Bộ…); khơi gợi tình yêu âm nhạc truyền thống, giúp người trẻ hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống.

“Đà Nẵng đang là một thành phố phát triển mạnh về du lịch, để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm văn hóa địa phương thì cần quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa, trong đó có các hình thức diễn xướng dân ca để du khách được nghe, được thấy, được trải nghiệm về cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này.

Thời gian tới, em sẽ tiếp tục nghiên cứu về dân ca xứ Quảng, với mong muốn có thể truyền tải được thông điệp, tình yêu những môn nghệ thuật truyền thống không chỉ tới du khách gần xa mà còn mong muốn nghệ thuật truyền thống này sẽ tới gần hơn những người trẻ”, Thắng cho hay.

NHẬT HẠ
 

;
;
.
.
.
.
.