Lưu lại "dấu tích"

Hiện nay, tại những khu vực có các di tích, danh lam, thắng cảnh, không gian nghệ thuật công cộng… du khách trong nước và quốc tế hay bắt gặp những “dấu tích”  xấu xí. Đây là hệ quả thói quen xấu của một bộ phận người Việt khi muốn lưu lại “dấu tích” tại những nơi mình đến.

Chỉ cần đi dọc bờ sông Hàn phía đường Bạch Đằng, nhìn kỹ vào các bức tượng được trưng bày ở vườn tượng khu vực trước chợ Hàn sẽ dễ dàng bắt gặp những dòng chữ, ký hiệu được vẽ lên trên đó. Hay tại bán đảo Sơn Trà, hình ảnh cây đa ngàn năm sừng sững, uy nghiêm là thế nhưng trên thân cây cũng xuất hiện những dòng chữ, những cái tên được khắc vội để lại những vết thương. Cùng với thời gian, những vết thương cũ và mới vẫn xuất hiện và tồn tại, dù phía Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã gắn biển “Không khắc, vẽ bậy lên thân cây”.

Năm 2016, hai bức tranh phong cảnh, mỗi bức có kích thước 35,6x2,1m, với tên “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá” do nhóm họa sĩ Trường Cao đẳng Văn hóa- Nghệ thuật Đà Nẵng thực hiện và trưng bày tại hầm đi bộ phía tây cầu Rồng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Cặp tranh phong cảnh chủ đề về biển vẽ bằng sơn acrylic trên toan lớn nhất Việt Nam”. Nhưng, ngay sau khi trưng bày được ít hôm, hai bức tranh này bị một vài người thiếu ý thức vẽ bậy lên đó. Trước tình trạng đó, nhóm họa sĩ của Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Đà Nẵng cũng có những buổi đến để “xóa” đi những vết tích xấu xí trên hai bức tranh, nhưng theo thời gian, những nét vẽ xấu xí bằng thứ mực khó xóa như bút dạ, bút xóa… cứ nhiều lên, nhiều lên mãi… Để rồi tháng 10 vừa qua, hai bức tranh này bị tháo dỡ vì không thể phục hồi lại được do những nét vẽ bậy thiếu ý thức của nhiều người trong sự xót xa của các tác giả và nhiều người dân.

Ngạn ngữ có câu “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”, những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng khi nó xuất hiện thường xuyên nó sẽ không còn đẹp nữa. Những thói quen vô thức này đã làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè, du khách quốc tế…

Còn nhớ, trong sách giáo khoa lớp 1 có bài học “Đẹp mà không đẹp” kể về câu chuyện cậu bé Toàn vẽ con ngựa bằng những nét than đen trên bức tường trắng. Bức vẽ của cậu bé được bác Thành khen là vẽ đẹp nhưng vẫn còn có cái không đẹp. Đó là bức tường trắng của nhà trường đã bị Toàn vẽ bẩn. Bài học này có lẽ nhiều người không thuộc nên mới có chuyện đi đến đâu họ cũng cố ý “đánh dấu” lên gốc cây, lên tranh, lên tường, lên các di tích, tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng....

Có những thứ, khi bạn thể hiện đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ trở thành nét đẹp, thành tài năng. Nhưng có những thứ khi bạn thể hiện không đúng sẽ trở thành những hành vi phá hoại. Và lưu lại dấu tích bằng cách vẽ bẩn lên các di tích, không gian công cộng… là một trong những hành vi đáng lên án, cần xử phạt  nghiêm khắc để giáo dục, răn đe với những người cố tình vi phạm.

HÀ KHUÊ

 

;
;
.
.
.
.
.