Người truyền cảm hứng đọc

.

Những người làm thủ thư không chỉ lưu trữ, sắp xếp hồ sơ, phân loại, sắp xếp sách báo, hướng dẫn tra cứu thông tin, họ còn là cầu nối giữa sách và bạn đọc.

Cô Phượng bảo, học trò gọi cô là “cô Phượng Văn” hay “Cô Phượng thư viện”, cô cũng đều vui như nhau. Ảnh: Q.T
Cô Phượng bảo, học trò gọi cô là “cô Phượng Văn” hay “Cô Phượng thư viện”, cô cũng đều vui như nhau. Ảnh: Q.T

1. Sân Trường THPT Trần Phú vào sáng thứ 5 khá im ắng. Học sinh chỉ học 2 tiết buổi sáng rồi về. Riêng phòng thư viện trường còn mở cửa. Bạn đọc vắng bóng, chỉ có cô thủ thư Trúc Linh đang cần mẫn đánh bút lục lên mỗi cuốn sách. Cô Linh đã gắn bó với thư viện Trường THPT Trần Phú được 16 năm.

Từ xưa, mọi người luôn có quan điểm rằng làm thư viện nhàn hạ, buồn chán, không có mục tiêu phấn đấu. Nghĩ ra thì cũng đúng nếu như ai đó chỉ biết quẩn quanh với những việc là cho mượn sách, thu sách, đếm sách.

Cô Linh không thuộc mô-típ đó. Thay vì ngồi chờ học sinh đến phòng thư viện mượn sách, cô chủ động tiếp cận và trò chuyện với học trò để biết các em thường thích những thể loại sách gì. Sau đó, cô chọn lọc đọc và viết bài giới thiệu để phổ biến trong toàn trường. Những cuốn sách được cô Linh giới thiệu bao giờ cũng được mượn “cháy” hàng.

Trong năm học, cô tổ chức nhiều hoạt động như thi viết bài giới thiệu sách, tổ chức ngày hội đọc sách. Đồng thời, Trường THPT Trần Phú cũng là một trong những trường tiên phong “mở cửa thư viện” để học sinh tự do chọn sách, tự mượn, tự trả. Mùa hè vừa qua, cô Linh tổ chức chương trình “Ly cà-phê sách” kéo dài cả 3 tháng hè.

Theo đó, một tủ sách thân thiện được đặt ngay giữa sân trường. Phụ huynh, học sinh đến trường đọc sách còn được phục vụ nước uống do tổ bảo vệ quản lý. Họ vừa giúp nhà trường quản lý sách, vừa kiếm thêm thu nhập.

Cô Linh tâm sự: “Làm bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần đam mê thì sẽ tìm thấy điều thú vị trong mọi việc ta làm. Nếu chỉ coi đây là một việc “làm công ăn lương” hoặc “làm cho có, cho qua chuyện” thì sẽ không nhìn ra được cái hay của nghề. Thực ra tôi đến với ngành thư viện là vì thiếu một chút may mắn với ngành Sư phạm Văn.

Nhưng dần dà, tôi nhận ra cái hay của việc đọc sách và cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với sách, với những người viết ra sách và với con người, cuộc sống xung quanh mình. Sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là nguồn lực tinh thần to lớn, hướng con người đến cái đích tốt đẹp của cuộc đời”.

Đam mê ấy của cô cũng được nhiều thế hệ học trò sẻ chia bằng tình cảm chân thành. Có lần, khi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp trôi qua, cô lại nhận được tin nhắn từ đứa học trò phương xa: “Em chúc cô có một ngày Tết nhà giáo thật ý nghĩa.

Với em, tuy cô không phải là cô giáo đứng trên bục giảng nhưng cô là người truyền cho em tình yêu với con chữ, với sách vở. Để giờ đây, chính tình yêu đó chắp cánh cho em bay vào đời với biết bao ước mơ”.

Chỉ cần một tin nhắn ấy thôi là hôm sau cô lại hăm hở bắt tay vào làm việc với biết bao sáng kiến. Cô chia sẻ: “Tôi còn nhớ khi còn ngồi trên giảng đường, thầy cô tôi luôn nói, ngành thư viện không phải là một ngành kiếm ra lợi nhuận như kinh tế mà lợi nhuận thư viện kiếm được ở đây là làm sao thu hút được càng nhiều bạn đọc đến thư viện. Đó là lý do tôi luôn cố gắng tìm tòi cách làm mới mỗi ngày để số lượng học sinh đến với thư viện đạt con số thực 100%”.

2. Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner bảo rằng, đến nay, sau gần 2 năm giao trách nhiệm quản lý thư viện cho cô giáo Võ Thị Thủy Phượng (giáo viên dạy Văn) cô vẫn còn nhớ như in phản ứng của cô Thủy ngày hôm đó: “Ôi, được “ăn dầm nằm dề” giữa một kho tri thức thì còn gì bằng! Em xin nhận nhiệm vụ này ạ!”. Vậy là, trừ những khi có tiết dạy Văn trên lớp, hầu hết thời gian còn lại, cô Phượng đều ở thư viện.

Buổi sáng, cô mở căn phòng nơi từng ô cửa gỗ cũ màu nâu đã lên nước thời gian và kê gọn bàn ghế, lau bụi, sắp xếp giá sách cho ngay ngắn trước khi đón những bạn đọc đầu tiên. Nhận nhiệm vụ mới khi “tình yêu dành cho nó là 100 nhưng kiến thức chỉ là con số 0”, cô Phượng chăm chỉ làm quen với những từ ngữ chuyên ngành, với các khái niệm về bảo quản, biên mục, phích mục lục, tra cứu...

Mỗi ngày, cô lại tự làm dày kiến thức cho mình bằng cách “ghé thăm” thư viện trường bạn, học hỏi từ những anh chị đi trước, tiếp cận với những công nghệ mới trong công tác phục vụ. “Tôi nghĩ làm công tác thư viện đó là phải giúp bạn đọc tận dụng hết vốn sách. Với vai trò là giáo viên dạy Văn, tôi dễ dàng hướng dẫn học trò đọc những cuốn sách hữu ích”, cô Phượng nói.

Em Kim Hằng, học sinh lớp 12/1 thổ lộ: “Em vốn là một cô bé yêu sách. Từ nhỏ, em đã tìm được sợi dây liên hệ thân thương giữa sách và cuộc sống đời thực. Mỗi khi vui hay buồn, em đều tìm đến sách. Dù vậy, gia đình cũng có một chút băn khoăn khi em lựa chọn khối thi chuyên về xã hội cho kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.

Trong năm học cuối này, em hay đến thư viện hơn vì có cô Phượng ở đó. Cô sẽ giúp em chọn đọc những cuốn sách bổ ích cho kỳ thi. Em tin lời cô nói, đó là học các ngành về xã hội sẽ rất vất vả nhưng chỉ cần có đam mê, có cố gắng thì sẽ thành công”. Sau 2 năm gắn bó với công việc, cô Thủy Phượng bảo rằng, cô yêu quý sách và yêu cả những gì thuộc về cái tên “cô thủ thư”. Cô tìm thấy niềm vui, sự nhẹ nhàng, tịnh tâm giữa bộn bề của cái ăn, cái mặc, tĩnh lặng trong mỗi dòng chữ, câu văn; trong mỗi câu chuyện…

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.