Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân hải đảo

.

Cứ sau mỗi trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, cờ Tổ quốc được các cổ động viên mang theo xuống đường ăn mừng chiến thắng. Để mang tinh thần ấy đến với ngư dân vùng hải đảo, chị Bùi Thị Hồng, sinh viên Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mở chiến dịch “Góp cờ cho ngư dân vùng hải đảo”. Số cờ gom được sẽ trao cho ngư dân xã đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là vùng đảo đầu sóng ngọn gió nên cần những lá cờ như hơi thở.

Cổ động viên Đà Nẵng mang theo cờ Tổ quốc xuống đường “đi bão” mừng Đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng hôm 15-12. Ảnh: KHẢ THỊNH
Cổ động viên Đà Nẵng mang theo cờ Tổ quốc xuống đường “đi bão” mừng Đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng hôm 15-12. Ảnh: KHẢ THỊNH

Chiến dịch này đã được cộng đồng mạng quan tâm và hưởng ứng nhiều hơn khi trang facebook Waste It Not phát động và kêu gọi. Đến sáng 15-12 vừa qua, đã có 6 tỉnh, thành phố trên toàn quốc bao gồm Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh đặt điểm tiếp nhận cờ Tổ quốc cho chương trình và bắt đầu tiến hành nhận cờ kể từ khi trận đấu chung kết diễn ra ngày 15-12 đến hết ngày 22-12-2018.

Riêng tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Tư (FB Tư Nguyễn) tiếp nhận cờ Tổ quốc tại địa chỉ Tipi House, 14 Đào Duy Anh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê từ 8 đến 21 giờ hằng ngày, trừ chủ nhật. Đến nay, tổng số cờ thu được tại tất cả các điểm thu gom trên cả nước là hơn 300 lá cờ các loại.

Số cờ này sẽ được giặt giũ sạch sẽ và đóng gói gửi đi Cam Ranh vào ngày 24-12. Sau đó, vào ngày 31-12, chị Bùi Thị Hồng cùng anh Nguyễn Công Chung (Trạm trưởng Trạm Hải quân Hòn Chút, Tiểu đoàn 458, Vùng 4 Hải quân) và các thành viên trong chương trình sẽ đi thăm đảo Bình Hưng và trao tận tay cho các hộ dân.

Chị Nguyễn Thị Tư cho biết, chiến dịch này được thực hiện có sự tham gia của các bạn sinh viên khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Ban quản trị trang facebook Waste It Not và anh Nguyễn Công Chung. “Tụi em đăng ký làm điểm tiếp nhận đều ký vào bản cam kết sẽ sử dụng cờ nhận được theo đúng ý nghĩa và mục đích của chương trình”, chị Tư giải thích.

Nói về việc ra đời chương trình này, chị Bùi Thị Hồng cũng chia sẻ: “Tôi đã từng đọc bài báo “Cờ Tổ quốc trên Biển Đông” của nhà báo Mai Thanh Hải với những dòng thắt gan ruột: “Lá cờ đã tướp táp, đường may phía ngoài bị bung, xước từng xơ vải và ngôi sao vàng năm cánh, tuy bị dứt ra khỏi nền đỏ cờ, nhưng vẫn trung trinh bám đầu cánh”.

Và lời của thuyền phó Nguyễn Ngọc Viễn tàu HQ 571 ngày ấy như cất cao hơn bão: “Ngày mai vào đến lòng hồ đảo đá chìm Đá Tây tránh sóng gió khẩn cấp, phải thay cờ ngay. Không được để cờ rách trên vùng biển Trường Sa!”.

Vào mùa biển động cuối năm, không chỉ các đoàn Hải quân, mà cả các gia đình ngư dân cũng cần cờ Tổ quốc nhiều hơn gấp bội, bởi sóng to gió lớn thường làm hư hỏng cờ, việc thay cờ phải thường xuyên hơn, bảo đảm sắc cờ đỏ sao vàng luôn hiện diện trên nóc đài chỉ huy, trên nóc thuyền, nóc nhà ngư dân, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tâm Như

;
;
.
.
.
.
.