Chọn lối đi riêng

.

Từ những món ăn đơn giản như trong căn bếp ngày xưa mẹ từng nấu, nhiều người trẻ đã phát triển lên thành câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình.

Chị Nguyện hướng dẫn khách hàng chọn thực phẩm tươi, ngon. Ảnh: Q.T
Chị Nguyện hướng dẫn khách hàng chọn thực phẩm tươi, ngon. Ảnh: Q.T

Từ căn bếp của mẹ

Nguyễn Thanh Nhàn, chủ quán Xinh (đường An Thượng 18, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) vừa là quản lý kiêm bếp chính của quán. Nhàn sinh năm 1991, quê gốc ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đứng trong bếp chế biến đồ ăn nhưng cứ nghe khách kêu thiếu thứ gì là cô vội vã giục nhân viên đi lấy, không để khách phải đợi lâu.

Trong bếp, Nhàn tỉ mỉ đơm xôi, đổ trứng chả, nêm nếm nồi nước súp… - tất cả đều nhanh gọn, thuần thục và “đúng bài”, mới thấy tình yêu rất lớn của cô gái nhỏ này dành cho ẩm thực.

Nhàn bảo, các món ăn cô nấu đều đi ra từ căn bếp của mẹ. Thực đơn của quán là những món mẹ đã nấu cho anh em cô ăn từ ngày thơ bé. Đó là súp lươn, là xôi nếp, xáo gà, bánh canh… “Ngày xưa, anh trai tôi đi học xa nhà. Mỗi lần anh về là mẹ lại đãi cả nhà món súp lươn.

Những con lươn đồng nâu bóng, mình thuôn, thịt chắc được mẹ nhấc ra khỏi giỏ tre sau một đêm “ngủ đồng”, được làm sạch nhớt bằng muối hạt. Thịt lươn để khúc dài, ướp kỹ rồi xào nhanh tay với hành tím, nén, nghệ, ớt…

Hành và nghệ được mẹ nhổ vội trong vườn nhà còn tươi rói, chốc lát đảo đũa đã dậy lừng hương thơm ngọt đậm đà. Nghe tiếng mẹ khua đũa dưới bếp, mùi lươn um thơm nồng đưa lên nhà trên là anh em chúng tôi… hết làm gì nổi. Chỉ đi xuống đi lên hỏi mẹ rằng “chín chưa mẹ?” để ngồi vào ăn thôi.

Món súp lươn vì thế luôn gợi lại cho tôi không khí sum họp gia đình ngày ấy. Khi vào Đà Nẵng lập nghiệp, món đầu tiên tôi nghĩ đến cũng là súp lươn. Tôi muốn thông qua món ăn bình dị này để mỗi ngày đều gặp những người đồng hương mình. Và, để những cháu bé gốc Nghệ An nhưng được sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng cũng được ăn món ăn đặc sản của quê nhà”, Nhàn chia sẻ.

Từ nhỏ mẹ đã chỉ cho Nhàn cách nấu các món ăn. Mới 9, 10 tuổi đầu, Nhàn đã “phụ trách” việc nấu ăn cho cả gia đình. Bất cứ món nào dù khó, chỉ cần nhìn mẹ nấu qua một lần là Nhàn có thể nấu lại y như vậy. Vì có năng khiếu nấu ăn nên sau khi tốt nghiệp đại học, cô không chọn một công việc Nhà nước ổn định mà khởi nghiệp với quán ăn.

Hiện tại, ngoài quán Xinh, Nhàn còn có một quán ăn vặt tại Hà Nội. Cô cho biết: “Mình tự tin có thể nấu được các món ngon của cả 3 miền. Những món ăn thuần Việt, không cao sang, đơn giản nhưng vừa miệng với hầu hết mọi người. Ví như khi mình ở Hà Nội thì mình mở quán bán các món ngon miền Trung như bánh bèo, bánh đập, bánh xèo, nem lụi… Còn khi mình vào Đà Nẵng thì mình lại mở bán các món miền Bắc như phở chiên phồng, phở chiên giòn, bánh tôm hồ Tây và các món Nghệ An quê mình”.

Để các món ăn giữ được hương vị gốc, Nhàn kỳ công đặt nguyên liệu từ vùng đất đó. Đơn cử như với súp lươn thì Nhàn nhập lươn đồng từ Vinh vào Đà Nẵng. Dẫu chi phí vận chuyển, bảo quản khiến giá thành đội lên nhiều nhưng cô chủ trẻ kiên quyết giữ vững lập trường: “Đã không làm thì thôi, đã làm phải làm cho tới”.

Với những món ngon từ căn bếp của mẹ, Nhàn chia sẻ ước mơ giản dị: Mong mọi người đều được ăn ngon!

“Mong mọi người đều được ăn ngon” có lẽ là ước muốn chung của những người kinh doanh ẩm thực. Không mở quán ăn như Nhàn, phương châm kinh doanh ban đầu của chị Lê Nguyễn Thị Như Nguyện (chủ cửa hàng Thực phẩm sạch NôngPro đường Ngô Quyền) lại đi theo hướng cung cấp thực phẩm sạch cho mọi nhà.

Sau 2 năm vừa bán vừa quan sát nhu cầu khách hàng, chị Nguyện nhận ra rằng, cuộc sống hiện tại quá bận rộn, người nội trợ đang phát sinh nhu cầu mua những thực phẩm được chế biến sẵn, thậm chí nấu sẵn. Vậy là chị cùng cộng sự lên thực đơn một số món thân quen nhà làm như bún chả Hà Nội, nem lụi, bánh xèo, gà quay, ram…

Sắp tới, chị dự định làm mô hình “Mời bạn ăn cơm nhà mình”, nhận nấu sẵn mâm cơm cho khoảng 5-7 gia đình mỗi ngày, hôm đó, gia đình chị ăn món gì chị sẽ nấu cho các nhà khác như vậy. “Hiện tại, các món ăn được chế biến sẵn ở cửa hàng mình vẫn chỉ mới triển khai theo đợt (nhiều khách đặt một lúc-PV) chứ chưa thể làm thường xuyên do chưa có đủ nguồn nhân lực, chưa có sản phẩm đặc trưng riêng…

Thời gian tới, mình sẽ đẩy mạnh phát triển mảng chế biến thức ăn sẵn như này. Vẫn trên tinh thần nguồn thực phẩm được lấy từ nguồn an toàn, có kiểm định”, chị Nguyện nói.

Khao khát đưa sản vật quê nhà đi xa

Khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng. Khởi nghiệp với món ăn đã thành… ký ức lại càng khó. Mới đây, từ món bánh tráng nhúng đường Quế Sơn được một số bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, người viết đã tìm gặp người bắc cầu cho món bánh tráng một thời là đặc sản này.

Anh là Lê Nguyễn Quốc Việt (người xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, hiện sống tại phường Phước Mỹ, Sơn Trà). Anh Việt kể, cách đây hàng chục năm, khi chưa có nhà máy đường thì nghề chính của người dân Quế Sơn là nghề làm mía đường (ép nước từ cây mía để làm đường bát-PV).

Món bánh tráng nhúng đường Quế Sơn.  Ảnh: Q.T
Món bánh tráng nhúng đường Quế Sơn. Ảnh: Q.T

Nghề nấu đường đầy gian truân và khắc nghiệt cùng rủi ro luôn rình rập. Những người thợ nấu đường thường bắt đầu công việc vào lúc gà gáy canh ba. Khi chảo đường đang sôi sùng sục, lò bên dưới đốt nóng cả vài trăm độ C.

Bánh tráng được nướng rồi luồn dây lạt tre qua đầu chồng bánh. Người nhúng đường phải là thợ đường chứ không ai khác. Nhúng bánh phải có nghề thì chồng bánh mới được lớp đường chín tới tráng bám hết lên 2 mặt. Không có nghề thì nhúng xuống xách lên đường tụt xuống hết chứ không bám lên mặt bánh làm bánh không ngon không giòn. Cái bánh tráng đường đơn giản nhưng để làm ra nó lại rất nhọc nhằn.

Bẵng đi gần 20 năm vắng bóng, vài năm trở lại đây, một vài hộ dân ở các xã Quế Minh, Quế An lại dựng chòi làm đường, đường này là đường thủ công (phân biệt với đường trắng tinh luyện).

Từ sự phục dựng này, nhiều bạn trẻ ở Quế Sơn mong muốn món bánh tráng nhúng đường “huyền thoại” ngày ấy cũng sẽ trở lại. Họ đem bánh tráng đã nướng đến nhúng đường và thưởng thức hương vị ngày xưa.

Nhờ đó, bánh tráng nhúng đường lại có mặt khắp Quảng Nam, Đà Nẵng. Và anh Việt là một trong những người góp phần quảng bá món bánh dân dã ấy:

“Không chỉ là bánh tráng nhúng đường, tôi mơ ước sẽ phục dựng lại các lò bánh ngày xưa như bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh da… Bước đầu tiên là trước Tết Kỷ Hợi, tôi sẽ về quê đặt hàng các bà, các thím làm các món bánh này và chào hàng trước. Tôi tin giữa muôn vàn bánh kẹo ngoại nhập, món bánh truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng”.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.