Đầu tư cho tương lai

.

Sự hưng thịnh hay suy vong của một dân tộc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tuổi trẻ là một trong những yếu tố quan trọng. Đầu tư cho trẻ em  không chỉ vì hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn là vì cả tương lai của đất nước.

Bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hằng ngày ở Trường mầm non Hồng Nhung luôn mang lại niềm thích thú cho trẻ. Ảnh: V.T.L
Bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hằng ngày ở Trường mầm non Hồng Nhung luôn mang lại niềm thích thú cho trẻ. Ảnh: V.T.L

Trẻ em như mầm non, nếu thiếu dinh dưỡng sẽ chậm phát triển dễ dẫn đến còi cọc, sụt cân; ngược lại, nếu thừa dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tim mạch, huyết áp… Vì vậy, dinh dưỡng hợp lý là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sức khỏe trẻ em.  

Từ “cuộc chiến” chống suy sinh dưỡng...

Trường mầm non (MN) Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang, hiện có 16 lớp với 385 học sinh ở hai khối Nhà trẻ (từ 24 – 36 tháng tuổi) và Mẫu giáo (trên 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi). Cô Nguyễn Thị Hòa, Phó hiệu trưởng cho biết, các bữa ăn của mỗi khối tuy có ít nhiều khác nhau nhưng tựu trung vẫn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, có thay đổi món ăn hằng tuần để tạo cho bé sự ngon miệng.

Mỗi tháng một lần trường tổ chức tiệc buffet (tiệc đứng) để tạo cơ hội cho các bé vùng nông thôn làm quen dần với loại hình ẩm thực thời hội nhập.

Bếp ăn một chiều từ công đoạn sơ chế đến chia thức ăn cho bé, có lắp đặt camera theo dõi. Trường nông thôn nên các cô cấp dưỡng chế biến món ăn có rau quả theo mùa, trong đó có những món dân dã như chè gấc, chè đậu ván... không chỉ bảo đảm sức khỏe dinh dưỡng mà còn mang đến cho bé hình ảnh, hương vị của văn hóa ẩm thực.

Đặc biệt, các cô giáo và phụ huynh cùng tranh thủ đất trống trong khuôn viên trường lập “Vườn rau sạch cho bé”, vừa có thêm thức ăn vừa có chỗ cho các bé thực hành trồng và chăm sóc cây.

Nỗi lo của phụ huynh (và cả giáo viên) là tình trạng trẻ rơi vào hai thái cực hoặc quá béo phì hoặc quá còi cọc. Hiệu trưởng Trường MN Hòa Tiến 1, cô Đỗ Nữ Lâm Thanh, lo nhất là tình trạng trẻ béo phì, vì “bệnh” này rất khó “điều trị”.

Đầu năm học 2018-2019, cả trường có 4 bé suy dinh dưỡng (SDD), 5 bé thấp còi độ 1 và 9 bé béo phì. Đầu tháng 12 vừa rồi, cân kiểm tra lại thì mỗi trường hợp giảm được 2 bé.

Đà Nẵng có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể cân nặng theo tuổi thấp nhất trong toàn quốc: 3,6% (kết quả điều tra năm 2017 do Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố). Tuy nhiên tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD chiều cao theo tuổi vẫn còn ở mức cao: 13,2%.

Trước con số không mấy “đẹp” này, BS Ngô Văn Quang, Trưởng khoa Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, cho biết đơn vị triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bị SDD. Tháng 10 hằng năm, nhân Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, trẻ bị SDD được kiểm tra cân nặng và cấp phát sản phẩm dinh dưỡng; người chăm sóc trẻ được tư vấn để cải thiện và phục hồi dinh dưỡng cho trẻ.

Đơn vị cũng phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế học đường của các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ cho các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng học đường chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng chống SDD và thừa cân - béo phì.

Ngành GD&ĐT thành phố cũng có nhiều hoạt động tham gia “cuộc chiến” chống SDD, trong đó có đề án “Sữa học đường”. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2017, với kinh phí 21 tỷ đồng, đề án đã cấp 3 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi cho 19.610 trẻ mầm non tại 5 quận, huyện (trừ 2 quận Thanh Khê và Hải Châu).

Theo nhận định của bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, sau thời gian cho trẻ thụ hưởng đề án Sữa học đường, kết hợp với chế độ dinh dưỡng của các cơ sở giáo dục mầm non, của gia đình, đa số trẻ được cải thiện về thể lực và trí tuệ; trẻ khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn và tập trung chú ý trong các hoạt động. Tỷ lệ trẻ SDD, trẻ thấp còi giảm đáng kể, tại một số cơ sở đã xóa được tỷ lệ thấp còi và SDD.

Tiếp nối sự thành công của đề án giai đoạn 2016-2017, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố phê duyệt đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020. Theo bà Thuận, trên địa bàn Đà Nẵng sẽ có 43.804 trẻ tham gia đề án, mỗi trẻ được uống 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi 180ml.

… đến giải quyết “bệnh” béo phì

Cũng theo công bố của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân - béo phì ở Đà Nẵng cũng đang tăng lên nhanh chóng với 12%. Trong những năm qua, các hoạt động can thiệp phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ em cũng đã được lồng ghép vào các hoạt động phòng chống SDD.

Thực tế cho thấy có những gia đình kinh tế khá mà con vẫn bị SDD, ngược lại có một số gia đình kinh tế khó khăn mà con lại... béo phì. Cô Vương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường MN Hồng Nhung (quận Thanh Khê) đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời bằng cách đề ra nhiều biện pháp để thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tại trường, xem đây là một công tác quan trọng hàng đầu.

Trẻ có được chăm sóc nuôi dưỡng đạt hiệu quả hay không, không chỉ tùy thuộc vào việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn ở đội ngũ cấp dưỡng có phẩm chất đạo đức tốt và vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ.

Ở Trường MN Hồng Nhung, việc cung cấp bữa ăn hằng ngày cho trên 600 trẻ đã trở nên “bài bản” hơn nhờ sử dụng phần mềm chuyên dụng để tính định lượng dinh dưỡng sao cho cân đối, hài hòa để trẻ hấp thu và phát triển tốt. Với trẻ suy dinh dưỡng thì cho ăn thêm bữa phụ, với trẻ hấp thụ tốt thì cải thiện dinh dưỡng để tránh béo phì...

Các món ăn của trẻ ở trường không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn được trau chuốt về hình thức nhằm tạo hứng thú cho trẻ khi ăn. Đặc biệt, theo cô Nguyệt, tất cả các bữa ăn đều cân đối một cách hài hòa theo yêu cầu của Viện Dinh dưỡng quốc gia đề ra.

Cụ thể, khẩu phần ăn cho trẻ hằng ngày cần phải bảo đảm các loại thực phẩm có chứa đủ 3 chất P-L-G (Protit - chất đạm; Lipit - chất béo; Gluxit - chất bột đường) với tỷ lệ theo thứ tự: 12%, 18%, 70%. Nhờ đó, mỗi cuối năm học, trường có 100% số trẻ đạt kênh A (đạt về chiều cao, cân nặng), không còn trẻ SDD, thấp còi hoặc béo phì.

“Vườn rau sạch cho bé” góp phần làm nên bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở Trường mầm non Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L
“Vườn rau sạch cho bé” góp phần làm nên bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở Trường mầm non Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

Với Trường MN Hòa Tiến 1, thời gian qua, mỗi khi kết thúc năm học là không còn bé suy sinh dưỡng và thấp còi, nhưng số bé bị thừa cân chỉ giảm xuống còn dưới 2%. “Năm nay, nhằm giải quyết triệt để hơn tình trạng bé béo phì, ngoài việc phân công giáo viên đứng lớp phối hợp bộ phận cấp dưỡng tiếp tục cho các bé ăn theo chế độ giảm Protit và Lipit, tăng cường rau xanh, chúng tôi cho các bé tập thêm aerobic để phấn đấu giảm số bé béo phì xuống dưới 1% vào cuối năm học này”, cô Thanh hy vọng.

Đối với thừa cân - béo phì (TC-BP), phòng ngừa là chiến lược quan trọng hàng đầu. Để phòng ngừa sự gia tăng TC-BP, BS Ngô Văn Quang nhận định, một mình ngành y tế khó có thể thực hiện thành công mà cần một sự tiếp cận tổng thể và đa ngành.

Tổ chức Y tế thế giới nhận thấy rằng mặc dù TC-BP liên quan chính đến thói quen ăn uống không lành mạnh, đặc biệt liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính phủ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, quy hoạch đô thị, môi trường, chế biến - phân phối - tiếp thị thực phẩm, và giáo dục.

“Các chiến lược tiếp cận toàn diện của chính phủ trong đó các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe và vận động quy mô toàn dân, cổ vũ cho các thói quen ăn uống lành mạnh như duy trì bữa ăn truyền thống cân đối của người Việt, xóa bỏ quan niệm béo - tốt, tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất,… sẽ đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát và phòng ngừa TC-BP ở trẻ em”, BS Quang khuyến cáo.

Hiện tượng trẻ bị SDD hoặc béo phì đang gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng dân số. Hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Bởi đầu tư cho trẻ em không chỉ vì hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn là vì cả tương lai của đất nước.

Trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều cơ sở giáo dục mầm non làm tốt công tác bán trú trong nhà trường, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ, đặc biệt là trẻ thừa cân, béo phì nhằm góp phần nâng cao thể trạng cho trẻ mầm non. Tiêu biểu có các trường mầm non như: 20 Tháng 10, ABC, Dạ Lan Hương, Đức Trí, Bồ Công Anh, Minh Đức, Trúc Đào, Ngọc Lan, Tiên Sa, Hoa Phượng Đỏ, Bình Minh... (quận Hải Châu); Hồng Nhung, Cẩm Nhung... (quận Thanh Khê); Bạch Dương, Ngọc Lan (quận Ngũ Hành Sơn); Vành Khuyên, Họa Mi, ABC 2 (quận Sơn Trà); Hướng Dương, Ngọc Lan... (quận Cẩm Lệ); Hòa Tiến 1, Hòa Phong 2... (huyện Hòa Vang); MN Nốt nhạc xanh, Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky Đà Nẵng... (quận Liên Chiểu)…

(Nguồn: Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.