Đà Nẵng cuối tuần

Lưu giữ văn hóa Phật giáo

07:41, 20/01/2019 (GMT+7)

Bên cạnh nghi lễ tôn nghiêm, câu chuyện văn hóa Phật giáo tại những ngôi chùa ở danh thắng Ngũ Hành Sơn còn được lưu giữ qua các hiện vật độc đáo.

Tôn tượng Ngọc Bồ Tát Quán Thế Âm vừa được an vị tại chùa Quán Thế Âm.
Tôn tượng Ngọc Bồ Tát Quán Thế Âm vừa được an vị tại chùa Quán Thế Âm.

Ai đã từng có mặt tại Triển lãm tinh hoa cổ vật Phật giáo tại Bảo tàng Đà Nẵng (hồi năm 2013) thì hẳn chưa thể quên ấn tượng đặc biệt về chiếc kim bài có hình “quả tim lửa” đến từ chùa Tam Thai. Đây được coi là “báu vật” của ngôi chùa cổ vào hàng bậc nhất của thánh địa Phật giáo Ngũ Hành Sơn.

Tấm kim bài hình “quả tim lửa” bao năm nay vẫn được đặt trang trọng ở gian thờ tổ và “không phải ai cũng được vào xem”, Hòa thượng Thích Hạnh Mãn, trụ trì chùa Tam Thai cẩn trọng nói.

Mặt trước của “quả tim lửa” có thủ bút của vua Minh Mạng bằng chữ Hán được dịch là: “Đức Như Lai của chúng ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”.

Mặt sau quả tim lửa đề: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo” có nghĩa là “làm vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ sáu” - năm chùa Tam Thai được trùng tu xong, được vua Minh Mạng ban tấm kim bài. Tấm kim bài từ đó được dân gian truyền gọi là “quả tim lửa” có hình chiếc lá bồ đề cao khoảng 45cm, rộng 35cm.

Theo sử cũ còn lưu lại, tên gọi Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng  (ở ngôi từ 1820 - 1841) xác nhận bằng một văn bản hành chính. Kể từ đó, vua Minh Mạng đã cho mở mang, trùng tu, tôn tạo, đúc chuông và dựng tượng trên Ngũ Hành Sơn.

Thế nhưng chỉ có chùa Tam Thai được vua Minh Mạng ban cho “quả tim lửa”, với mong muốn nơi đây sẽ trở thành trung tâm Phật học, một điểm đến cho Phật tử bốn phương. Tấm kim bài cũng có ý nghĩa sẽ mang lại điều may mắn cho những vị thiền sư đến tu tập tại chùa.

Trên đất Ngũ Hành Sơn, bên cạnh chùa Tam Thai, chùa Thái Bình được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1496) cũng được xem là ngôi chùa cổ lưu dấu nhiều giá trị văn hóa Phật giáo.

Theo Đại Đức Thích Thông Đạt, trụ trì ngôi chùa cổ này, hiện vật có giá trị đáng kể hiện chùa còn lưu giữ được chính là những pho tượng Phật bằng đá hiện hữu tại chùa từ thuở sơ khai. Không ai biết niên đại chính xác của những pho tượng vì người xưa không để lại dấu tích, nhưng có một điều kỳ diệu là trải qua bao cuộc chiến tranh, chùa đã bị sụp đổ nhiều lần nhưng các pho tượng Phật này vẫn nguyên vẹn.

“Trong chiến tranh chống Pháp, để tránh bom đạn tàn phá, Phật tử địa phương đã thỉnh các pho tượng lên ngọn Thủy Sơn phụng thờ tại Tổ đình Tam Thai.

Sau năm 1954, chùa được xây dựng lại, các pho tượng được cung thỉnh về chùa. Trong kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa các phật tử lại cung thỉnh các pho tượng và pháp khí về tôn thờ tại đoàn quán Gia đình phật tử Non Nước, còn gọi là Khuôn hội Phật giáo Tứ Hòa (gồm bốn xã: Hòa Long, Hòa Lân, Hòa Hải, Hòa Phụng).

Đất nước thống nhất, trên khuôn viên nền đất chùa cũ, các đạo hữu, phật tử đã dựng tạm nơi thờ phụng. Năm 2009, phục vụ dự án mở rộng nâng cấp đường Lê Văn Hiến, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã bố trí di dời chùa đến địa điểm mới ở tổ 18, khu phố chợ phường Hòa Hải hiện nay”, Đại đức Thích Thông Đạt truyền đạt lại chuyện về những pho tượng đá gắn với những biến cố thăng trầm của ngôi chùa.

Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm. Ảnh: T.T
Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm. Ảnh: T.T

Trong khi đó, vài năm trở lại đây, đến chùa Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Phật tử, du khách bốn phương đều háo hức muốn được một lần tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật Phật giáo giá trị đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo do nhà chùa dốc lòng xây dựng. Đây cũng là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam.

Trong không gian ngôi chánh điện của chùa, tượng Bồ Tát Quan Âm tống tử, Bồ Tát Quan Âm cưỡi long ngư, nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Dược Sư, Di Lặc, Phật Bồ tát Mật Tông, Quán Âm, Di Đà, các chuông đồng, bộ trượng tám thế,… thu hút mọi ánh nhìn.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa cho biết, bộ sưu tập được sưu tầm, liên tục bổ sung qua ba đời trụ trì; là những tác phẩm phản ánh di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á. Niên đại chủ yếu của các hiện vật tập trung chừng vài ba thế kỷ gần đây, nhưng cũng có những hiện vật có niên đại khá sớm.

“Có nhiều câu chuyện mà các tác phẩm mang theo từ huyền thoại, truyền thuyết với rất nhiều chủ đề, đề tài cũng như cách thể hiện. Song, tất cả đều mang tư tưởng khuyến thiện của văn hóa Phật giáo, mang đến cho du khách tham quan cảm giác an bình”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh tiếp.

Mới đây, chùa vừa tác pháp cử hành đại lễ an vị “Tôn tượng Ngọc Bồ Tát Quán Thế Âm” cao 4,99m, nặng 14,7 tấn làm từ ngọc nguyên khối và được kiến tạo tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Đây được coi là biểu tượng tâm linh hướng người ta làm điều thiện, cũng như Tôn tượng “Phật ngọc cho tình thương nhân loại”, nhà chùa cung thỉnh về cách đây 3 năm. Vì nhà chùa đang trong giai đoạn xây dựng nên hiện Tôn tượng Ngọc Bồ Tát Quán Thế Âm chưa được công khai rộng rãi cho du khách đến chiêm bái.

Thanh Tân

.