Người lãng du đã dừng bước phiêu du

.

Nếu nói đi và sáng tạo là phẩm chất đặc biệt của nghệ sĩ thời hiện đại, thì nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là người đã thể hiện phẩm chất đó trong suốt cuộc đời của mình.

Anh đã đi dọc Trường Sơn thời chiến tranh để có những ca khúc kịp thời làm nức lòng người lính, những bài thơ rực lửa được người lính thuộc lòng trong những tháng năm trận mạc. Rồi đi dọc đường tàu Thống Nhất những năm đầu thanh bình.

Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (phải) và tác giả bài viết.  Ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh
Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (phải) và tác giả bài viết. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh

Cảm hứng vẫn tràn ứa, để lại ký ức của một thời không thể nào quên. Đến khi về Trại sáng tác Quân đội, anh lại bươn chải biên giới Tây Nam để viết ra xót xa của người dân Campuchia qua bài thơ Hát ru em bé Campuchia.

Khi ấy, tôi chưa quen Tạo, nhưng bài thơ đã khiến tôi rất xúc động. Nó đã được tôi phổ nhạc và được thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát Kim Oanh và được ghi hình để mở đầu cho cuốn băng ca nhạc gửi Liên Hiệp Quốc tố cáo về nạn diệt chủng ở đất nước Chùa Tháp.

Người lãng du đã dừng bước phiêu du

Suốt một đời giang hồ lang bạt

Thôi chào nhé bốn mươi năm gắn chặt

Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương

Nhờ nhân duyên này mà tôi và Tạo đã gặp nhau, chơi thân thiết với nhau suốt bốn thập kỷ qua.

Còn nhớ đêm 7-1-1979, tại nhà Nguyễn Đình Chính ở Trung Tự (Hà Nội), ngồi cùng nhau mừng Campuchia giải phóng, tôi đã ôm đàn hát bài này. Tạo đã khóc.

Đâu ngờ bốn mươi năm sau, cũng vào ngày 7-1-2019, vào lúc 19 giờ 50, tác giả bài thơ Hát ru em bé Campuchia đã “tạ mùa đi” ở tuổi 73. Âu cũng là một duyên kiếp mà trời đã định sẵn. Bốn mươi năm trước Tạo khóc vì xúc động. Bốn mươi năm sau, tôi và mọi người khóc Tạo vì tiếc thương. Người lãng du đã dừng bước phiêu du.

Từ biên giới Tây Nam, Tạo lên biên giới phía Bắc, mang theo những bài thơ người lính và ca khúc Làng quan họ quê tôi phổ thơ Nguyễn Phan Hách vừa duyên dáng vừa đầy chất nghệ thuật để mãi mãi trở thành một “Bắc Ninh ca”. Vài năm sau, cuộc lãng du lại đưa Tạo đi khắp miền Trung - Tây Nguyên rồi trở lại Hà Nội. Vừa là để chữa bệnh cho em gái, nhưng cũng vừa là để thăng hoa cái năng lượng sáng tạo căng tràn.

Từ năm 1984, tôi và Tạo liên tục có những cuộc lãng du sáng tạo xuyên Việt, năm 1985 còn có Văn Cao. Cứ như thế cặp bài trùng chúng tôi lang thang khắp các miền Tổ quốc để mang đến cho đời những tập thơ, những ca khúc mang chứa tư tưởng cách tân ngay từ thời quan liêu bao cấp khốn khó.

Những tập thơ của Tạo như Sóng thủy tinh , Thư gửi trên máy chữ, Tản mạn thời tôi sống và đặc biệt là Đồng dao cho người lớn được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1994. Giữa những nhịp thơ mới mẻ là những giai điệu mang nặng chất riêng của Nguyễn Trọng Tạo. Ca khúc Đường về Thạch Nham Tạo viết năm 1984 trong chuyến lãng du cùng tôi đã được giải thưởng ca khúc toàn quốc 1985.

Ca khúc Đôi mắt đò ngang thì được nhiều thí sinh giải Sao Mai chọn làm ca khúc dự thi. Đặc biệt là Khúc hát sông quê phổ thơ Lê Huy Mậu thì chiếm một vị trí đáng kể trong lòng công chúng suốt hơn một thập kỷ qua.

Ca khúc được Tạo viết ở trại sáng tác Vũng Tàu hồi đầu thế kỷ mới. Hành trình lãng du mê mải này đã đưa Nguyễn Trọng Tạo đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2007. Nhờ những thành công và sự nồng nhiệt với cái mới, Tạo như một thủ lĩnh của lớp nghệ sĩ trẻ, phát hiện ra nhiều tài năng trẻ như Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Trịnh Sơn…

Chuyến lãng du sáng tạo cuối cùng của Tạo là về sáng tác cho Vĩnh Bảo (Hải Phòng) quê tôi. Đêm ấy, chúng tôi ngồi uống rượu xuyên đêm như đã từng uống thế ở bao nhiêu miền đất nước. Không ngờ cuối năm 2017, Tạo bị đột quỵ trong ngày khánh thành nhà. Có lẽ vì đã tiềm ẩn từ khi viết trường ca Biển mặn quá mất sức.

Cũng vì sức khỏe yếu đi nên mầm K phổi bắt đầu nhú ra và phát triển nhanh trong mấy tháng qua. Tạo và tôi từ lâu đã rất thích câu thơ: Cứ sống, cứ sống, cứ sống đến cùng của B. Pasternak nên chàng lãng tử đón nhận bệnh tật rất bình thản.

Bình thản cho đến phút cuối cùng. Tối 7-1-2019, trong khi cả dân tộc Campuchia tưng bừng kỷ niệm ngày giải phóng, tác giả bài thơ Hát ru em bé Campuchia đã bước sang cõi bên kia, dừng lại cuộc lãng du ở dương thế.

Hát ru em bé Campuchia

Đừng khóc nào, bé ơi
Anh ru bằng tiếng Việt
Em làm sao hiểu được
Vậy mà anh cứ ru

Đừng khóc nào… tháng Tư
Trời xanh sang ngọn gió
Nhìn dừa em có nhớ
Hàng thốt nốt quê em?

Ôi tay anh tay anh
Có giống bàn tay bố
Lần bố về vội vã
Ôm con rồi ra đi?

Thôi nhắc lại làm chi
Cái lần chia tay ấy
Bố em đi không về
Xác nằm bên lửa cháy!

Ôi tay anh tay anh
Có giống bàn tay mẹ
Ôm con khi mẹ ngã
Đạn xuyên từ sau lưng?

Gửi em lại cho anh
Mắt mẹ khép trời xanh
Tay anh bồng tiếng khóc
Đạn bay vèo sém tóc!...

Đừng khóc nào đừng khóc
Nín rồi em đừng quên
Kẻ nào xui bố em
Nổ súng vào lẽ phải

Kẻ nào giết mẹ em
Khi tránh vùng máu chảy!
Chúng nó đang hủy hoại
Tổ quốc Campuchia

Ngủ say, em ngủ say
Mặc tiếng gầm đại bác
Mai rồi em hiểu hết
Những gì anh ru em.

Mai rồi em lớn lên
Rửa hờn cho tổ quốc
Cho những vòm thốt nốt
Ru xanh trời Tự Do.

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nguyễn Thụy Kha
 

;
;
.
.
.
.
.