Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai: Mưa dầm thấm lâu

.

Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản được xem là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường, một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội, tăng đầu tư, bảo đảm tính bền vững cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.

Bao cao su - một trong những phương tiện tránh thai được bày bán rộng rãi tại các quầy thuốc.  Ảnh: T.T
Bao cao su - một trong những phương tiện tránh thai được bày bán rộng rãi tại các quầy thuốc. Ảnh: T.T

Tại Đà Nẵng, đề án xã hội hóa cung ứng PTTT và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (gọi tắt là đề án) được triển khai từ năm 2015 trên toàn thành phố và hiện vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, Nhà nước chỉ còn hỗ trợ, cấp miễn phí các PTTT cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Những đối tượng còn lại sẽ chuyển đổi hành vi từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người sử dụng.

Vượt kế hoạch năm

Ông Nguyễn Công Tín, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận Hải Châu cho biết, với nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức, thực hiện, quận Hải Châu đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về phổ biến, cung ứng dịch vụ, PTTT trên giao.

Tính đến ngày 30-11-2018, đơn vị này đã đạt 101% kế hoạch năm đối với việc xã hội hóa, cung ứng tất cả các biện pháp tránh thai hiện hành. Trong đó, đặt vòng đạt 98,1%, triệt sản đạt 128%, thuốc tiêm tránh thai đạt 94,7%, thuốc cấy tránh thai đạt 130%, viên uống tránh thai đạt 107,5%, bao cao su đạt 100,4%.

Cụ thể, đối với việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ, Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hải Châu đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận cung cấp đầy đủ, kịp thời PTTT phục vụ đối tượng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trong đó cấp miễn phí: dụng cụ tử cung (130 chiếc), thuốc tiêm (19 lọ), cấy tránh thai (13 que), uống tránh thai (1.077 vỉ) và bao cao su (500 chiếc). Phân phối tiếp thị xã hội thông qua kênh xã hội hóa 5.763 chiếc bao cao su, 719 chai dung dịch vệ sinh, 138 vỉ viên uống tránh thai...

Tại quận Sơn Trà, năm 2018, những chỉ số về số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại cũng đều vượt kế hoạch năm như: triệt sản 24/18 (đạt 133,3% kế hoạch năm), đặt vòng 1.352/1.270 người (đạt 106,5% kế hoạch năm), tiêm tránh thai (đạt 103,9% kế hoạch năm), cấy tránh thai 65/56 người (đạt 116,1% kế hoạch năm), viên tránh thai 1.496/1.295 người, đạt 115,5% kế hoạch năm, bao cao su đạt 105,9% kế hoạch năm...

Bà Đoàn Thị Diễm Trinh, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Sơn Trà cho rằng, công tác dân số từ trước đến nay luôn đòi hỏi sự kiên trì, làm kiểu “mưa dầm thấm lâu” của những người làm công tác dân số từ quận đến cơ sở.

Đối với nhiệm vụ xã hội hóa PTTT này cũng vậy, cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số (CTV) đã phải nỗ lực rất nhiều. “Nhiều trường hợp, các CTV và người chuyên trách phải đến tận nhà, trực tiếp chở đối tượng cần vận động thực hiện biện pháp tránh thai đến cơ sở y tế, ngồi đợi chở về tận nhà, mới yên tâm.

Đối với những PTTT mới, giá thành khá đắt so với nhiều người dân như cấy que tránh thai lúc đầu rất khó khăn trong công tác tiếp cận người dùng, nhưng rồi bằng sự kiên trì, vận động thuyết phục, năm nay, đối với que cấy tránh thai, quận Sơn Trà cũng đã vượt chỉ tiêu trên giao”, bà Trinh cho hay.

Những năm gần đây, việc tiếp cận các nhà nghỉ, khách sạn trong cung ứng, tiếp thị PTTT được coi là một giải pháp quan trọng giúp các Trung tâm dân số hoàn thành các chỉ tiêu, góp phần giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, sự tiếp cận này mới ở dạng “len lỏi”, chỉ là số ít, “chúng tôi cần cố gắng nhiều hơn nữa đối với kênh tiếp cận quan trọng này”, bà Trinh thừa nhận.

Đáp ứng đa dạng các phương tiện tránh thai

Ông Huỳnh Tấn Bôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) cho biết, năm 2018 vừa qua, xã rất chật vật để hoàn thành kế hoạch về xã hội hóa các PTTT cũng như các chỉ tiêu về dịch vụ KHHGĐ. Theo ông Bôn, một trong những nguyên nhân là do một bộ phận người dân nơi đây chưa thoát khỏi tư tưởng “bao cấp” PTTT, một bộ phận khác thì vẫn còn quan niệm “đông con hơn đông của”.

Chị Trần Thị Yến Vy, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết: tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp tránh thai từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi, người còn khó khăn thì vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, người có điều kiện chút, vì nhiều lý do, họ tìm đến các tiệm thuốc tây hoặc kênh khác để mua, thay vì mua ở các CTV dân số.

“Nhiệm vụ cung ứng, tiếp thị PTTT chủ yếu giao cho các CTV dân số ở cơ sở. Những CTV này đòi hỏi phải là những người có uy tín, nên thường lớn tuổi và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ tại khu dân cư. Việc tiếp thị những sản phẩm PTTT hiện đại theo đó có phần hạn chế.

Mặt khác, do tâm lý e ngại, muốn kín đáo của đối tượng cần tránh thai vẫn còn nên họ chọn cách đến các tiệm thuốc tây thay vì mua ở những người quá “thân quen” như CTV”, ông Nguyễn Công Tín nhìn nhận.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Hương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ thành phố), đưa ra lời khuyên đối với những người thuộc trong vùng cần tránh thai nên tiếp cận các sản phẩm hàng tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT tại các Trung tâm DS-KHHGĐ bởi các sản phẩm này chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp. Đối với các sản phẩm không có tại các Trung tâm, người dùng mới nên tìm mua ở ngoài.

Có điều, hầu hết tất cả các mặt hàng đều nhận từ Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ - Tổng cục Dân số và Ban quản lý đề án nên hay gặp chậm trễ trong việc giao nhận hàng, một số chủng loại không có hoặc bị gián đoạn cũng một phần làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu tại các đơn vị. Một số sản phẩm cung ứng còn mới chưa được truyền thông, quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng chưa biết đến và còn e ngại khi sử dụng sản phẩm. Một số ít địa phương chưa thật sự tập trung triển khai cung ứng hàng tiếp thị xã hội và xã hội hóa các PTTT tại đơn vị, kết quả đạt được rất thấp so với chỉ tiêu được giao.

Bà Hạnh đề xuất thời gian tới cần tiếp tục duy trì tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phân phối sản phẩm tiếp thị xã hội, xã hội hóa nhằm thúc đẩy bán hàng ngày càng tốt hơn. Có chế độ khen thưởng đối với các đơn vị cung ứng tốt trong năm nhằm khuyến khích, động viên các đơn vị để duy trì và đạt kết quả cao hơn nữa trong công tác cung ứng hàng tiếp thị xã hội, xã hội hóa PTTT.

Đối với Trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện, giải pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động người dân từng bước tiếp cận kênh tiếp thị, xã hội hóa PTTT, hàng hóa dịch vụ sức khỏe sinh sản. “Các giải pháp đều tập trung mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản có chất lượng cho người dân nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 73%. Đa số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận thực hiện biện pháp TT để tránh mang thai ngoài ý muốn.

THANH TÂN

;
;
.
.
.
.
.