Cấp bách tạo nguồn nước sinh hoạt mùa khô

.

Mới đầu mùa khô, dòng chảy trên các sông, suối đổ về hạ du còn nhiều mà Đà Nẵng đã trải qua 20 ngày nhiễm mặn nặng làm gần 1 triệu dân của thành phố phải sử dụng nước lợ liên tục suốt mấy ngày qua, một số khu vực thiếu nước để sử dụng. Mặt khác, do lượng mưa của mùa lũ cuối năm 2018 không làm “ướt đẫm” các cánh rừng ở lưu vực sông Vu Gia nên lưu lượng dòng chảy về các hồ thủy điện rất thấp, báo hiệu nguy cơ thiếu nước gay gắt vào mùa nắng nóng. Thực tế trên đòi hỏi phải triển khai các giải pháp cấp bách để chống thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Mực nước trong hồ thủy điện A Vương đang ở mức rất thấp, dung tích nước hữu ích chỉ đạt 39% hồ chứa. 	Ảnh: H.H
Mực nước trong hồ thủy điện A Vương đang ở mức rất thấp, dung tích nước hữu ích chỉ đạt 39% hồ chứa. Ảnh: H.H

Nguy cơ thiếu nước gay gắt

Như mọi năm, vào mùa mưa lũ, các hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 phải xả lũ nhiều đợt. Nhưng đến cuối mùa mưa 2018 và đầu mùa khô 2019, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở mức rất thấp, thậm chí lưu lượng dòng chảy về hồ thủy điện A Vương thường xuyên ở mức 16m3/s và về hồ Sông Bung 4 ở mức 36m3/s, đều thấp hơn lưu lượng nước về các hồ này vào thời điểm cuối mùa khô của mọi năm.

Hiện nay, ngoại trừ hồ thủy điện Sông Bung 4 đã đủ cao trình mực nước theo quy định sau 2 tháng liền tích nước, thì trữ lượng nước hữu ích ở hồ thủy điện A Vương chỉ đạt 106 triệu m3, tương đương 39% dung tích hữu ích của hồ chứa, còn thiếu 115 triệu m3 nước.

Đáng lo là theo các chủ hồ thủy điện, do gần như không có dòng chảy về hồ tự nhiên ổn định từ các cánh rừng “ướt đẫm” nước mưa như mọi năm nên nguy cơ thiếu nước vào mùa nắng nóng là rất lớn.

“Như mọi năm thì hồ thủy điện A Vương tích nước đầy hồ vào cuối mùa mưa (tương đương dung tích nước hữu ích 266 triệu m3) và có thêm khoảng 1 tỷ m3 nước là dòng chảy tự nhiên từ các cánh rừng chảy về hồ thủy điện. Tổng trữ lượng nước từ trong hồ và trong rừng “ướt đẫm” mới đủ dùng cho cả mùa khô. Riêng năm nay, do không có mưa lớn trên lưu vực hồ nên trữ lượng nước tích được trong hồ chứa rất thấp, dòng chảy về hồ cũng cạn kiệt. Vì thế, chắc chắn tình hình thiếu nước ở hạ du sẽ gay gắt”, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho hay.

Mực nước ở các hồ chứa thủy điện thấp, dòng chảy về các sông cạn kiệt, đặc biệt, mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trong tháng 12-2018 chỉ ở mức trung bình 3,5m, thấp hơn mực nước trung bình của tháng 12-2017 đến 0,78m. Đặc biệt, trong hơn 20 ngày qua, mực nước sông Vu Gia tại đây thường xuyên thấp hơn 2,34m, thậm chí có lúc chỉ còn 2,1m, làm rất nhiều đoạn sông gần như trơ đáy.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đà Nẵng, từ sau ngày 31-8-2018 đến nay, mực nước trung bình của sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa chỉ ở mức 2,52m, thấp hơn mực nước trung bình cùng kỳ nhiều năm đến 1m nên tình hình nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ trong thời gian qua và sắp tới có khả năng kéo dài.

“Hiện nay, mực nước trong hồ thủy điện A Vương - một trong 2 hồ chứa cung cấp nước chính cho hạ du sông Vu Gia đang ở mức rất thấp, nguy cơ nhiễm mặn, thiếu nước gay gắt trong mùa khô năm 2019 là rất lớn”, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết thêm.

Sông Vu Gia là nguồn nước chính cấp cho 11.000ha lúa/vụ, 4.000ha rau màu/vụ và cấp nước sinh hoạt cho huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, sông Vu Gia cung cấp nguồn nước tưới cho 2.000ha lúa/vụ của huyện Hòa Vang và cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho thành phố Đà Nẵng với công suất 280.000m3/ngày.

“Vào giữa tháng 12-2018 có đợt mưa làm đầy 2 hồ thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4, nhưng lại không có mưa lớn ở lưu vực 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4. Đến thời điểm này thì có thể khẳng định không còn có mưa lớn trên các lưu vực các hồ thủy điện trong mùa khô, vì thế, cần phải có giải pháp điều tiết xả nước của 4 hồ thủy điện nói trên một cách hợp lý, nếu không thì khu vực hạ du sông Vu Gia của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ phải bỏ ruộng, không sản xuất vụ hè thu, chịu mất mùa vụ đông xuân và thiếu nước sinh hoạt cấp cho người dân”, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam nói.

Cần dự trữ nước trong hồ thủy điện Đăk Mi 4

Ông Hoàng Thanh Hòa cho hay, vào ngày 3-1-2019, tại cuộc họp của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã thống nhất chủ trương xây đập điều tiết sông Quảng Huế và Vĩnh Điện để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 2 tỉnh, thành phố.

Trong những năm đến sẽ xây dựng 2 công trình nói trên với kết cấu đập cứng và có cửa van điều tiết. Riêng trong mùa khô năm nay sẽ tiến hành đắp đập tạm tại cửa sông Quảng Huế với cao trình 3,2m nhằm tăng lượng nước từ sông Vu Gia chảy về sông Ái Nghĩa và sông Yên. Sở NN&PTNT cùng Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn theo hướng điều phối nguồn nước xả, phát điện hợp lý trong mùa cạn và trong mùa lũ nhằm tăng cường nước về hạ du sông Vu Gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.

Hai ngày sau, ngày 5-1, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng có công văn đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần nghiên cứu để bổ sung quy định vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4 theo hướng khi các hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 phát điện mà đã bảo đảm việc cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng và các nhu cầu sử dụng nước khác ở hạ lưu thì không cần thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về hạ lưu sông Vu Gia.

Bù lại, vào các thời điểm các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 không phát điện thì sẽ huy động thủy điện Đăk Mi 4 xả nước để duy trì dòng chảy ổn định trên sông. Cần điều chỉnh tăng gấp đôi lưu lượng xả nước về sông Vu Gia theo yêu cầu của thành phố Đà Nẵng từ 12,5m3/s lên 25m3/s đối với thủy điện Đăk Mi 4 để bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng trước diễn biến bất thường của thời tiết có thể dẫn đến xâm nhập mặn gây thiếu nước.

Cần nghiên cứu, tính toán để quy định mực nước tối thiểu cho phép huy động các hồ phát điện nhằm ưu tiên hàng đầu cho việc cấp nước sinh hoạt, tích nước dự trữ để bảo đảm nhu cầu dùng nước hạ du. Khi mực nước trong các hồ A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 nhỏ hơn mực nước tối thiểu cho phép huy động các hồ phát điện, cần  giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng điều hành để bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du. Cần nghiên cứu, xem xét vận hành các hồ thủy điện hợp lý hơn theo giờ trong ngày và theo mùa. Đồng thời, cần quy định việc phát điện, xả nước về hạ lưu của các nhà máy lệch pha nhau để bảo đảm dòng chảy ổn định trên sông Vu Gia…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Hải, các giải pháp nói trên là chưa đủ. Trong mùa khô năm nay, cần thiết phải hy sinh phát điện của hồ thủy điện Đăk Mi 4, chỉ phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hạ du sông Vu Gia.

“Nên huy động hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả nước phát điện phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở hạ du sông Thu Bồn. UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ giữ nước trong hồ thủy điện Đăk Mi 4 lại chỉ để phục vụ cấp nước cho sông Vu Gia từ khi triển khai sản xuất vụ hè thu của năm 2019; giữ hồ thủy điện Đăk Mi 4 lại để còn có nước dự trữ phục vụ cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng và huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam”, ông Nguyễn Đình Hải nhấn mạnh.

Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), để bảo đảm nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động khi nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, Dawaco phải kết hợp lấy nước thô từ sông Cầu Đỏ và bơm nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch về. Tuy nhiên, công suất của trạm bơm phòng mặn An Trạch hiện tại chỉ đáp ứng được 70% công suất cấp nước hiện tại, dẫn đến tình trạng không đủ nguồn nước thô để xử lý. Do đó, trữ lượng nước sạch cấp vào mạng lưới sụt giảm từ 50.000-70.000m3/ngày, làm nhiều khu vực ở cuối nguồn thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Liên Chiểu có nước rất yếu…

Trước tình hình đó, vào ngày 11-1, UBND thành phố có công văn giao Dawaco xây dựng mới một tuyến ống có đường kính 1,2m chuyển tải nước thô qua sông Cầu Đỏ nhằm bảo đảm công suất bơm nước tối thiểu 240.000m3/ngày từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Công trình có kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 30-5-2019 nhằm bảo đảm cấp nước thô an toàn cho thành phố trong trường hợp nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không thể khai thác được.

Hiện nay, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo phối hợp với tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để thi công đập tạm khẩn cấp tại cửa sông Quảng Huế; làm việc với các chủ hồ thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, đặc biệt là chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4, để phối hợp xả nước chống nhiễm mặn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố…

“Tuy nhiên, cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quyết liệt kiến nghị giữ nước trong hồ Đăk Mi 4 để có nguồn nước dự trữ và sẵn sàng xả về cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hạ du sông Vu Gia nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Vào các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 6, 7 và 8), hằng ngày, hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả về sông Vu Gia đến 25m3/s sẽ bảo đảm cao trình mực nước tại đập dâng An Trạch đủ để vận hành trạm bơm phòng mặn, đưa nước thô về nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay”, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.