Cúng xóm ngày nay

.

Qua Rằm tháng Chạp, thỉnh thoảng đi trên đường, vào từng khu dân cư, thấy bà con bày bàn ra đường tổ chức lễ cúng. Tục “cúng xóm” này hiện diện khắp nơi không chỉ riêng ở Đà Nẵng mà tồn tại ở nhiều địa phương, là nét văn hóa đặc trưng mỗi dịp Tết đến, xuân về; góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về sự biến tướng của tục lệ này trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế-xã hội…

Cúng xóm thời nay. (Ảnh Internet)
Cúng xóm thời nay. (Ảnh Internet)

Chiều 20 tháng Chạp, công việc cuối năm khá bộn bề, nhưng người dân khu dân cư Bình An 3, phường Thanh Bình, quận Hải Châu vẫn dành thời gian để lo cho việc xóm. Sau khi bàn bạc, các chị, các bà có nhiệm vụ lo việc đi chợ, bếp núc; các cụ, các bác và thanh niên lập bàn cúng, bưng dọn và phụ trách sắp xếp bàn ghế ăn tiệc. Nguồn kinh phí dựa trên tự nguyện, mỗi gia đình trong xóm đóng góp tùy theo điều kiện kinh tế, gia đình nào khá giả thì có thể đóng nhiều, nếu điều kiện không cho phép thì không phải đóng.

Ông Châu Anh Phương (vị cao niên của xóm) cho biết thêm, tại lễ cúng xóm, thông thường chủ bái thường là các cụ ông có uy tín trong xóm, mặc áo dài, khăn đóng đứng làm lễ. Nay thế hệ này đã cao tuổi thì cũng đơn giản hơn về “thủ tục”, người chủ lễ có khi là ông tổ trưởng tổ dân phố hay bà chi hội trưởng phụ nữ khu phố là được, không cần áo dài khăn đóng, không nghi thức trống, chiêng... Tuy nhiên, đó vẫn phải là người có uy tín trong làng xóm, khối phố. Địa điểm đặt bàn cúng thường ngoài trời và là trục đường chính của xóm đi qua. Khi lễ tế chấm dứt, mọi người thắp hương và cuối cùng là tiệc liên hoan vui vẻ.

“Tục cúng xóm có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Sau một năm, người dân làm lễ cúng để tạ ơn trời đất, cầu xin phù hộ cho gia đình, con cái được sức khỏe hạnh phúc; các hộ làm ăn phát đạt; ngoài ra còn cầu mong cho mọi gia đình trong xóm, thôn được bình an, đất nước thái bình, nhân dân no ấm”, ông Phương nói.

Trong khi đó, một số xóm còn miễu (miếu) thờ thì vẫn duy trì tục cúng xóm ở miếu. Người dân xóm Tây Phước, làng Phước Tường (thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) tổ chức cúng xóm vào ngày 21 tháng Chạp vừa rồi theo nghi thức truyền thống. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe, miễu của mỗi xóm, chỉ có ở phía Nam, ngoài Bắc không có. Ngày xưa, những người sa cơ thất thế vào Nam lập nghiệp, trong số họ có người chết đi vì nhiều lý do nên người ta lập miếu lên thờ vong linh đó, còn gọi là “cô bác”. Trong miễu còn thờ thổ địa, thổ công của xóm, ngoài ra còn có ông Tiêu diện đại sĩ là hóa thân thứ 8 của Bồ Tát Quán Thế Âm, có trách nhiệm cai quản các loại âm linh, cô hồn. Hằng năm, người dân tập trung về miếu xóm để cúng. Mâm cúng có khi là con heo quay, khi thì đầu heo đi kèm mâm hoa quả, bánh trái…; có bài văn tế nói về các vị thần trong miếu, những âm linh cô hồn và trường hợp họ mất…

Tục cúng xóm ngày nay đã khác xưa. Bây giờ chỗ nào cũng tổ chức cúng xóm, 5-10 nhà cũng làm cúng xóm. Chỗ họ cúng không phải là ở miếu xóm mà là ngoài đường. Cúng xóm ngày nay là sự vỡ ra của các thành tố dân gian cũ khi mà đô thị hóa lấn tới. Khi nó vỡ ra thì tham gia vào tái cấu trúc thành tục lệ mới đó là “cúng đường”. “Trong quá trình đô thị hóa, nhiều miễu xóm không còn, nên người dân tìm cách để giải tỏa phần tâm linh, thành ra họ kiếm chỗ cúng với quan niệm sau một năm làm ăn thì phải cúng cô bác phù hộ cho mình. Tâm linh đó dẫn dắt người ta đi tìm chỗ để cúng. Và đó là hiện tượng biến tướng. Vấn đề là chúng ta giải quyết điều này như thế nào”, ông Hòe nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho rằng phong tục tập quán luôn biến đổi với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Cúng xóm trong thời buổi hiện nay không phải và không hề là một hình thức mê tín. Nó không ép buộc ai phải tham gia, nhà nào thấy hình thức này là hay, là cần thiết thì tự động tìm đến, hoàn toàn tự nguyện, nhưng thường thì không vắng nhà nào. Việc “góp gạo” cho bữa cơm chung cũng tùy hỉ. Người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, nghèo khó không góp cũng chẳng sao. Ngày cúng xóm thật sự như một ngày hội của xóm.

“Ngày nay có thêm nhiều xóm mới, không có miếu. Hơn nữa, từng cộng đồng dân cư nhỏ nếu không có cúng xóm sẽ rất rời rạc, không đoàn kết, gắn bó. Vì thế, cúng xóm dù thể hiện tín ngưỡng thờ thần, mang sắc màu tâm linh nhưng mục tiêu hướng đến là cuộc sống thế tục rất đỗi bình dị, nhân văn. Cúng xóm như một bữa cơm thân mật, tạo cơ hội cho tất cả mọi người hàng xóm gặp nhau; giao lưu, hàn huyên, hóa giải những khúc mắc (nếu có) và bàn bạc cách làm sao để xóm được đoàn kết, bình yên, môi trường sạch đẹp… Tôi cho rằng việc cúng xóm hiện nay là rất tốt, tục này nên phát huy; chỉ cần điều chỉnh chút xíu ở việc làm ồn hoặc uống quá chén”, ông Tân chia sẻ.

Tục cúng xóm hiện vẫn đang nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Để bảo đảm hài hòa giữa phong tục tập quán truyền thống và tư duy đổi mới theo sự biến thiên của môi trường kinh tế - xã hội, vẫn rất cần các ngành chức năng liên quan có đánh giá, hướng dẫn đưa tục lệ cúng xóm trở thành nét văn hóa đẹp giữa lòng đô thị.

Ngọc Hà
 

;
;
.
.
.
.
.