Những mùa xuân không có mẹ

.

Đã sáu mùa xuân trôi qua mẹ đi vắng. Con không muốn đếm ngày tháng, vì như thế sẽ càng nhớ mẹ. Không như những ngày con còn nhỏ, mẹ đi về quê cấy gặt chừng dăm bữa nửa tháng mẹ về. Lần này mẹ đi vắng cả những ngày Tết. Và cũng từ dạo đó, con không còn cảm giác háo hức những ngày gần Tết đi mua khăn, mua dép, mua vải về may áo dài cho mẹ. Và bực mình khi mẹ càm ràm, mua chi mua hoài, mẹ có đi đâu mà mặc. Áo dài cũ mặc được rồi, mua chi tốn tiền. Mẹ tiếc không mặc đồ mới, cứ cất mãi trong tủ. Đến ngày đưa mẹ đi xa, con sắp đồ đem theo cho mẹ vẫn còn những bộ thơm mùi vải mới.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những ngày ba mươi Tết, con không còn giục các cháu nhanh nhanh lên về với bà ngoại để bà trông. Không còn cảnh tay xách nách mang những đòn bánh tét, mớ rau mẹ nhặt riêng để dành cho con mang về phố. Và từ ngày mẹ đi xa đến nay, sáng ba mươi Tết, con và hai cháu vẫn về nhà ngoại, nhưng không còn cảm giác quen thuộc như khi có mẹ. Ba mẹ con thắp hương lạy ngoại, nhìn ảnh mẹ qua làn khói hương, thấy ánh mắt mẹ cười, con thèm được kêu hai tiếng “Mẹ ơi!” nhưng tiếng kêu như mắc trong cổ, chỉ thấy nghèn nghẹn. Con thèm cảm giác được mẹ càm ràm, la mắng. Lúc ấy thì bực mình hay cãi lại, nhưng giờ không có thì lại ước gì được mẹ bắt nằm xuống lấy roi mây đánh đòn mà vẫn không thấy đau, chỉ thấy tiếc nuối.

Những ngày Tết có mẹ như mới hôm qua, hôm kia. Nồi bánh tét mẹ nấu bao giờ cũng nhiều vì chia cho đứa nọ, đứa kia ít đòn đem về để dành ăn. Con bao giờ cũng được mẹ cho nhiều hơn. Hũ dưa món mẹ làm cho con cũng to hơn các anh chị khác. Và mẹ luôn dành những thứ ngon nhất chờ con về ăn. Cả những tờ tiền mới mà mẹ cắc củm để dành cả năm cũng chờ đến Tết lì xì cho hai đứa cháu ngoại. Không còn mẹ ngồi ở bậc cửa chờ đợi, bước chân con khi về đến cổng nhà như nặng hơn và lòng thì trống trải. Thèm biết bao được nhìn lại mẹ cười khi thấy con và các cháu về nhà ngày cúng rước ông bà về ăn Tết.

Trong ký ức tuổi thơ con, những cái Tết có mẹ luôn đủ đầy mọi thứ. Nhớ những ngày giáp Tết theo mẹ về ngoại cắt lá chuối, chẻ lạt, hái rau trong vườn nhà ngoại, rồi ngâm nếp, hông đậu xanh gói bánh tét. Xong nồi bánh tét, mẹ thức đêm nhồi bột làm bánh in, con ngủ một mình sợ ma nên ngồi gà gật ngủ dưới chân mẹ. Mẹ vốn hay lam hay làm, và rất khéo tay nên hễ cái gì làm được đều tự tay làm cho các con ăn, chớ ít khi mua ngoài chợ. Bánh tét mẹ gói chặt tay và hông đậu khéo nên để lâu vẫn dẻo, vẫn ngon. Mấy trái đu đủ mẹ hái ở nhà ngoại đem về, chỉ trong một đêm, sáng mai đã có đủ thứ món ngon từ dưa chua đến đu đủ dầm mắm cái, rồi nồi canh đu đủ hầm giò heo mềm rục, ăn bao nhiêu vẫn không thấy ngán.

Mấy hũ dưa món của mẹ làm để trong góc chạn, cả nhà ăn hết tháng giêng vẫn còn giòn tan, thơm nức. Món bánh lăn, con chưa thấy ai làm ngon hơn bánh mẹ làm ngày xưa. Cũng bột nếp rang rồi giã mịn, cũng đậu phụng rang, cũng nước đường thắng chín thêm chút gừng giã nhỏ.  Công thức làm bánh thì vậy, nhưng để có khúc bánh dẻo có vị ngọt thanh, vừa bùi của đậu phụng và thơm lừng mùi gừng, như cách của mẹ làm thì con không tìm thấy, dù mỗi lần Tết về nhớ mẹ, con cũng mua bánh lăn.
Những năm con còn nhỏ, nhà mình khó khăn, con vẫn nhớ mỗi lần hết Tết, mẹ giặt giũ rồi cất bộ đồ mới của con vào trong rương để dành cho Tết sang năm. Con trông chờ Tết để lại được mặc đồ mới.

Có năm gần đến Tết, mẹ soạn đồ trong rương và đưa con ướm thử bộ đồ mà con thích nhất, thì cả quần và áo đã ngắn cũn cỡn vì con cao vổng lên. Mẹ nói thôi để bộ đồ đó cho con út mặc. Con nghe mẹ nói mà nước mắt rơi lã chã vì tiếc bộ đồ còn mới và lo không có đồ để mặc Tết. Mẹ dỗ, thôi để mai mẹ bán mấy ang lúa cho hàng xáo rồi dắt con ra chợ mua đồ khác. Để có bộ đồ mới mà con mặc Tết năm đó, mẹ đã phải gánh một gánh đầy lúa đi bán. Giờ ngồi nhớ lại, con thấy như mình có lỗi.
Chiều nay đi chợ, thấy một cụ già đi mua rau, nhìn dáng đi của bà, con nhớ mẹ quay quắt. Thèm được ôm chầm lấy bà cụ đó mà kêu hai tiếng “Mẹ ơi!”.

Kim Em
 

;
;
.
.
.
.
.