Tấm bằng Anh hùng cất trong ống tre

.

Không lễ lạt, đón tiếp trọng thể, Anh hùng LLVT Phan Công Kháng (quê Hòa Khương, huyện Hòa Vang) nhận danh hiệu cao quý của mình khá hy hữu. Đó là khi ông từ chiến trường K trở về, nhận từ tay cha tấm bằng anh hùng được cuốn trong ống tre và giắt mái nhà…

Anh hùng LLVTND Phan Công Kháng (bìa trái) cùng đồng đội đặc công năm xưa thăm lại chiến trường xưa ở Khánh Hòa (2006). (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh hùng LLVTND Phan Công Kháng (bìa trái) cùng đồng đội đặc công năm xưa thăm lại chiến trường xưa ở Khánh Hòa (2006). (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nỗi khiếp vía của quân cảng Cam Ranh

Trong căn nhà số 10 Lê Duẩn (Đà Nẵng), ở tuổi 75, Anh hùng LLVT Phan Công Kháng đang phải chiến đấu với nhiều căn bệnh dai dẳng. Di chứng chiến tranh không làm khó ông thời trẻ lại quật ông khi về già.

Ngày ấy, dáng dấp nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi và chắc khỏe, đặc biệt là bơi rất giỏi, Kháng đã được các chú chỉ huy ở Quảng Đà chọn làm trinh sát ở tuổi 16. Khi Tiểu đoàn Đặc công 407 chọn người huấn luyện vào chiến trường thì chàng trai Hòa Vang được chú ý ngay. Khó có thể kể hết nỗi vất vả của người lính Đặc công thời chiến. Ông Kháng kể: “Đôi chân chính là vũ khí của chúng tôi. Với đôi chân trần, người lính mới biết cảm giác mối nguy hiểm dưới đất, quan trọng nữa là không để lại dấu vết, tiếng động.

Có lần buổi tối đi ngủ, vị chỉ huy lặng lẽ kiểm tra và phát hiện một số học viên có dép dưới sạp tre, thế là ông thu hết”. Huấn luyện đến đâu, thực hành đánh trận đến đó, Tiểu đoàn Đặc công 407 đã dần lớn mạnh và chính thức có mặt ở Tây Nguyên khi Mỹ rải quân tại đây. Lệ Thanh, Đức Cơ, Pleiku, An Khê…, những trận đánh xuất quỷ nhập thần của Trung đội trưởng Phan Công Kháng và đồng đội khiến kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên.

Cuối năm 1968, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tiểu đoàn hành quân vào đánh quân cảng Cam Ranh. Đây là căn cứ lớn nhất mà Mỹ tập trung nhiều vũ khí cung cấp cho chiến tranh ở Việt Nam. Rèn thể lực cho những đợt đánh lớn, đơn vị huấn luyện gắt gao ở huyện Khánh Sơn. Chiến sĩ phải chịu lạnh khi ngâm nhiều giờ dưới nước. Từ 2 giờ sáng hằng ngày, tất cả luyện bơi đến 5 tiếng đồng hồ với vũ khí mang theo xấp xỉ 15kg. Chuẩn bị đánh Cam Ranh, Phan Công Kháng lúc này là đại đội trưởng đại đội 2 dẫn trinh sát đi điều nghiên nhiều đợt, bám sát địa bàn, theo dõi, nắm chắc từng vị trí tác chiến sau đó về lại đơn vị tập cho chiến sĩ trên sa bàn và thao trường.

Quân cảng Cam Ranh được địch bảo vệ gắt gao vòng ngoài, nhất là khu vực biển bao quanh. Ngoài lính canh còn có đàn chó béc-giê thường xuyên lùng sục. Trước đây, các chiến sĩ thường xuất phát từ quốc lộ 1, bơi chính diện chừng 5 tiếng thì ra bán đảo. Sau này, địch phát hiện, đơn vị không còn cách nào khác là phải bơi vòng với chiều dài khoảng 6km nước chảy xiết. Trước các trận đánh, từ chập tối, đại đội trưởng Kháng phụ trách một trung đội đặc công 15 người tập kết ở phía núi tỉnh Ninh Thuận từ đó bơi đến tầm

3 giờ sáng thì đến đảo Bình Ba. Tất cả trú trong hang đá suốt cả ngày, chờ đêm đến tiếp tục bơi qua Cam Ranh. Lương thực mang theo là bột bắp rang giã nhỏ vừa gọn nhẹ vừa để lâu dài, nước uống đổ vào ruột xe đạp quấn quanh người. Lại một hành trình mới trên biển đêm với 7 giờ bơi thì đến Cam Ranh.

Lại ẩn nấp dưới những nỗng cát hay bụi cây dại um tùm ở bờ biển chờ bóng tối buông xuống mới hành động. Mối nguy hiểm chực chờ khi nhiều lần suýt đụng độ với lực lượng địch đi tuần tra chỉ cách vài mét. Sau khi vượt biển, Phan Công Kháng và đồng đội lợi dụng sơ hở của địch, cắt rào, tiếp cận các kho xăng, đạn dược, đánh cuốn chiếu từ trong đánh ra. Thủ pháo được đặt hẹn giờ ba chế độ theo thời gian rút lui và mục tiêu xa hoặc gần. Có trường hợp, anh em công kênh nhau, đặt bộc phá ngay trên đầu đạn quả bom khổng lồ. Nhiều lần đột nhập đánh quân cảng với các trận Lỗ Đất, Quảng Cơ, Núi Ké, Suối Mốc, Ô Vũ… từ đầu 1969 đến 1972, Tiểu đoàn Đặc công 407 đã khiến địch kinh hoàng khiếp vía.

Hàng trăm tên lính Mỹ bị tiêu diệt, hàng chục kho xăng và kho đạn bị phá hủy. Chỉ riêng trận tập kích kho Núi Ké đêm 21-9-1971, đại đội trưởng Phan Công Kháng đã cùng đại đội 2 và đại đội 5 phá hủy 32 kho đạn gồm 55 vạn tấn, trong đó có một kho bom loại 7 tấn, một hầm tên lửa, 55 giàn tên lửa… Thiệt hại to lớn này đã cắt nguồn tiếp viện, góp phần làm cho Mỹ-ngụy mau tan rã ở các chiến trường.

Anh hùng đang mải trồng bông

Đại tá Nguyễn Quang Thiềm, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 407 chia sẻ: “Gần gũi Phan Công Kháng suốt nhiều năm, tôi khẳng định cậu ấy chính là “linh hồn” của đại đội 2 nên đã cùng các cơ quan hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước có phần thưởng xứng đáng sau khi đại đội 2 và Tiểu đoàn 407 đã được tuyên dương anh hùng. Tiếc là do đơn vị thay đổi chức năng, lại di chuyển xa nên không tổ chức đón anh hùng cho cậu ấy thật chu toàn”.

Tháng 1-1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông Phan Công Kháng. Điều thú vị là nhân vật chính không hề biết mình được nhận danh hiệu cao quý. Lúc này, ông cùng Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ trồng bông ở Thuận Hải. Một buổi chiều, cán bộ và chiến sĩ ông phụ trách thông báo là nghe trên radio tin tiểu đoàn phó của mình được tuyên dương anh hùng. Họ xúm lại tung hứng ông lên xuống cứ như nhồi một quả dưa.

Vậy thôi, không quá bận tâm danh hiệu. Sau đó ông cùng đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1980 khi nghỉ phép, Phan Công Kháng về quê Hòa Khương thăm cha mẹ. Bất ngờ, cha ông lấy chiếc ống tre đã khô giắt trên mái bếp xuống và nói: “Sau giải phóng hơn một năm, có hai cậu bộ đội làm chính sách đến đưa tờ giấy này. Cha không biết chữ nên cất luôn từ đó đến nay”.

Lau nhẹ chiếc ống tre ám khói, ông Kháng rút ra tấm bằng Anh hùng LLVT đã bị ố vàng, một đầu góc nhỏ còn bị mối gặm. Cũng không có điều kiện làm tiệc ăn mừng với xóm làng, ông cầm bằng về báo cáo với Bộ CHQS tỉnh, nơi ông đang công tác ở Phòng Tham mưu. Mọi người bất ngờ và còn gọi điện hỏi cấp trên thực hư sự việc.

Chỉ tay tấm bằng treo trang trọng trên tường nhà, ông Phan Công Kháng tâm sự: “Nếu tôi là anh hùng ở quê hương thì chắc nhiều người biết. Đằng này đánh nhau tận Cam Ranh, mà đặc thù nhiệm vụ bí mật nên những gì tôi làm không phải ai cũng tỏ tường. Thôi thì so với anh em đã hy sinh, mình như vậy là hạnh phúc lắm rồi”.

Ông kể một câu chuyện khác như để chứng minh số phận anh hùng đặc biệt của mình. Năm 2015, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông cùng một số đồng đội được mời vào Khánh Hòa. Đoàn được bố trí ăn nghỉ chu đáo nhưng đến ngày có mít-tinh thì các ông bị bỏ quên, không được đón dự lễ và chuyến thăm lại quân cảng Cam Ranh như mơ ước cũng không thành khi doanh trại không cho người lạ vào.

Giã từ quân ngũ đã 28 năm nhưng Anh hùng LLVT Phan Công Kháng luôn tự hào về tuổi thanh xuân rực rỡ mà ông và đồng đội đã hiến dâng cho Tổ quốc.

Hồng Vân
 


 

;
;
.
.
.
.
.