Bác sĩ - nào đâu phải thiên thần!

.

Chồng con/chị/bạn làm nghề gì? Dạ, bác sĩ. Ô! Sướng hè, sướng nhất rồi!... Đó là mẩu đối thoại tôi thường gặp trong những cuộc giao tiếp thường ngày. Một mẩu hỏi đáp lặp lại nhiều lần và giống  nhau đến kinh ngạc. Là vợ của một bác sĩ, lúc đầu, tôi thấy mình hồ hởi; về sau, tôi thấy chút hậm hực. Sao người ta lại đem nghề nghiệp ra làm thước đo chất lượng cuộc sống của mình-cho dẫu họ chưa từng biết chồng mình cao, thấp, mập, gầy ra sao chứ! Tôi cảm thấy tủi thân, nhiều lần. Nhưng rồi, tôi cũng kịp nhận ra, bác sĩ, định danh nghề nghiệp ấy luôn được nhắc tới với một thái độ kính nể, một ánh nhìn ưu ái, một sự thiện cảm khôn tả của đa số mọi người trong xã hội. Bác sĩ được gọi là những thiên thần giữa cuộc đời đấy thôi!

Thử tưởng tượng, một sớm mai thức dậy, cái đầu bạn bỗng váng vất đau nhức nửa bên, cái răng khôn mọc lệch đột nhiên âm ỉ buốt hay cái đầu gối trở chứng không sao cử động  được… Cơ thể bạn “biểu tình”! Bạn nghĩ đến ai đầu tiên? Bạn sẽ tức tốc đến bệnh viện gặp bác sĩ với ao ước được uống một viên thuốc “thần kỳ” để cơn đau tan biến. Những thời khắc bất hạnh nhất trong cuộc đời, nhất là khi rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh, bạn cũng cần nương tựa vào ai? Bác sĩ!

Thế nhưng thực tế lại quá khắc nghiệt. Đồng lương hạn hẹp! Đó là thực tế chung của hầu hết các ngành nghề ở những tổ chức công lập nước ta. Đồng lương của bác sĩ ở những bệnh viện công không nằm ngoài quy định chi tiêu đó. Theo quy định mới, từ ngày 1-1-2019, mức lương cơ bản được tính 1.390.000 đồng/tháng. Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung) có hệ số 1 là 2,34.

Cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67)…; tối đa có 9 bậc lương với hệ số 9 là 4,98. Như vậy, trung bình mỗi bác sĩ mới ra trường may mắn được ký hợp đồng làm việc sẽ được nhận 85% của hệ số lương 2,34, tức là 2,34 x 1.390.000 x 0,85 = 2.764.710 đồng; trừ bảo hiểm và các khoản bắt buộc phải đóng, còn khoảng hơn  2,5 triệu đồng/tháng. Kể cả các khoản thu nhập từ viện phí, tiền trực, tiền phụ mổ, tiền làm ngoài giờ…, tổng cộng lương của các bác sĩ mới ra trường làm trong bệnh viện công trung bình 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Con số đó, sau 3 năm, mới “từ tốn” nhích dần.

Cởi bỏ chiếc áo blouse trắng, thầy thuốc trở về với đời thường, là một người con, người chồng/vợ, người cha/mẹ với một cuộc đời rất thực không phải “thiên thần”. Đã có nhiều thầy thuốc giàu kinh nghiệm, giỏi nghề ngậm ngùi lựa chọn cách rời bỏ môi trường làm việc công để tìm đến các bệnh viện tư hoặc phải căng mình làm thêm ở phòng khám tư. Nhiều bác sĩ còn lặn lội đến tận nhà thăm khám theo yêu cầu của bệnh nhân. Hành trình mưu sinh ấy, ướt đẫm mồ hôi và nỗi niềm…

Những ai sống trong nghề y, hoặc những người có cái nhìn sâu sắc về nghề sẽ nhận thấy danh hiệu mà người thầy thuốc được nhận - chiến sĩ áo trắng, xứng đáng biết bao! Thầy thuốc phải gánh gồng bao áp lực từ công việc đặc thù. Trước hết, đó là quỹ thời gian dành cho việc trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Trung bình, mỗi bác sĩ phải trải qua 6 năm học đại học, 6-9 tháng học định hướng, 2-4 năm hoàn thành chương trình sau đại học.

Đó là chưa kể những đợt tập huấn hoặc tự đăng ký đi học để nâng cao kiến thức nghề thường xuyên. Việc học, đối với những người làm nghề y, thực sự đúng với tinh thần học suốt đời. Hành trình hoàn thiện và nâng cao kiến thức, kỹ thuật y khoa đâu chỉ lấy đi quỹ thời gian hạn hẹp, mà còn vô tình “đánh cắp” một phần đời sống tinh thần của thầy thuốc. Họ phải ở bên bệnh nhân, túc trực với những ca bệnh nặng dù đó là ngày lễ, Tết, ngày những người thân trong gia đình quây quần đoàn viên. Họ phải trong ca mổ yêu cầu khẩn cấp, mặc mẹ sốt cao hay con ốm nặng ở nhà. Bữa cơm gia đình, đôi khi cũng thật hiếm hoi khi nhà có… bác sĩ.

Nhưng áp lực lớn hơn đối với bác sĩ lại đến từ chính là môi trường làm việc. Tôi đọc trong một bài báo khoa học và bị ám ảnh bởi con số: ở Mỹ, hằng năm, có hơn 400 bác sĩ tìm đến cái chết vì áp lực của nghề! (cho dù theo thống kê năm 2018, 10 nghề lương cao nhất ở Mỹ đều thuộc ngành y). Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê cụ thể về những gánh nặng người làm trong ngành y phải đối mặt mỗi giờ, mỗi ngày; tuy nhiên, cơ sở khám bệnh chật hẹp, trang thiết bị y khoa đa phần lạc hậu, cơ chế quản lý ngành còn lắm bất cập…, là cái bóng hữu hình oằn lên vai người thầy thuốc. Áp lực từ quản lý cấp trên, từ yêu cầu chuyên môn, từ người bệnh và người nhà bệnh nhân… Họ liệu còn tâm trạng và sức lực để mãi là “thiên thần”? Và khi đối diện với tai nạn nghề nghiệp, trong đó có cả những tai biến y khoa bất khả kháng ập đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào, họ biết tựa vào đâu để không bị xã hội quay lưng?

Tôi nhớ mãi hình ảnh của chồng tôi vào một buổi chiều, năm anh mới ra nghề. Trở về từ bệnh viện, khuôn mặt anh thất thần, chẳng nói gì và cứ nằm nhìn trơ lên trần nhà. Một cô bé sinh viên vừa qua đời trên tay anh vì sốt xuất huyết do chủ quan không vào viện. Mấy ngày liền, chẳng thấy anh cười, lúc nào cũng đăm chiêu. Lúc đó, tôi mới hiểu, áp lực lớn nhất người thầy thuốc phải chịu chính là những góc khuất xúc cảm thẳm sâu trước cảnh sinh tử, ly biệt.

Tôi chỉ muốn hiểu từ thiên thần trong ý nghĩa thực hiện sứ mệnh thiêng liêng và cao quý. Nhưng bác sĩ là những con người cụ thể trong cuộc sống rất thực. Họ cũng phải đứng giữa kiếp nhân sinh hỉ nộ ái ố. Vậy nên, xin đừng khoác lên nghề nghiệp cao quý của họ đôi cánh của thiên thần, để ngưỡng vọng và ảo tưởng về những giá trị, hành động, cách sống lớn lao hão huyền mang danh y đức. Để yên cho bác sĩ “hiền”! (cách nói của bác sĩ Ngô Đức Hùng). Để yên cho bác sĩ được là từ mẫu trên hành trình y đạo vốn nhiều nỗi gian truân!

Bác sĩ, họ không phải những thiên thần

TRẦN THỊ HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.