Chiếc xe yêu thương

.

“Me đừng bán chiếc xe ni nghe, chừ là xe cổ rồi đó.¨ Con gái tôi vừa dắt xe vào sân vừa nói đùa. Đó là chiếc Cup 79, vợ chồng tôi đã mua cách đây hơn hai mươi năm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm ấy, đứa con gái mười tuổi của tôi đột ngột sốt cao rồi liệt nửa người, chồng tôi phải mượn xe máy và cả người lái để chở con đi bệnh viện, nhờ kịp thời nên con tôi được chữa khỏi. Thế là chúng tôi quyết gom góp tiền dành dụm sau gần mười lăm năm lao động cật lực từ nhiều công việc: dạy học kết hợp làm nông, buôn bán nhỏ để mua bằng được một chiếc xe. Lúc ấy, chiếc xe của chúng tôi là chiếc xe thứ ba của một xã vùng trung du xa xôi này. Ngày dắt nó về, cả xóm đến trầm trồ về màu sơn mới, về tiếng nổ giòn, ngọt của nó, các con tôi xúm lại sờ vào yên, dè, cổ… rồi đòi ba chở đi mấy vòng quanh xóm, chúng thích thú và có vẻ hãnh diện lắm. Từ đó, nó trở thành thành viên của nhà tôi.

Tôi còn nhớ đã nhiều lần, chồng tôi chở tôi và cả ba chú nhóc con đi Đà Nẵng về thăm bố mẹ tôi (may mà thời ấy xe cộ còn thưa, giao thông còn yên ổn và chúng tôi ai cũng nhẹ cân!). Hơn thế, nó đã giúp chúng tôi những chuyến thồ nặng oằn: nào vở, sách giáo khoa chất cao quá đầu từ thành phố lên để bán vào mùa tựu trường; nào gà vịt từ quê xuống trong các dịp lễ, Tết;  thường xuyên hơn là những bao hàng cồng kềnh cho cái quán tạp hóa nhỏ của gia đình. Ngày ấy, nếu không có nó, muốn về phố phải đi đường sông bằng ca nô và mỗi chuyến phải mất vài ba ngày. Nhớ nhất khoảng thời gian mà đường sá giao thông đến xã tôi còn khó khăn, bùn lầy cả gần mười lăm cây số, có đoạn bùn lút đến gần nửa ống chân đến nỗi chồng tôi về số 1 rồ máy còn tôi thì xuống xe cố sức đẩy mà xe vẫn tua bánh không dễ gì nhích lên một chút, về đến nhà là mệt lả.

Thế mà nó vẫn không than thở gì, chỉ cần đủ nhớt, đủ xăng và được chăm sóc bu-gi, sên dĩa đúng kỳ là nổ máy và ngoan ngoãn làm việc. Suốt một thời gian dài, nó chưa lần nào trở tính làm khó vợ chồng tôi dọc đường cả, trừ đôi khi vô tình dẫm phải đinh lò cò dăm mười phút. Chúng tôi cũng chưa có lần “đại tu” tốn kém nào cho nó. Nhớ duy nhất một lần, đang thời điểm làm đường, vì đi lúc chạng vạng, nên chồng tôi đã leo xe lên đống sạn trên đường, ngã sóng soài, áo rách, trầy trụa tay chân nhưng chiếc xe vẫn bình an, chỉ bị sái tay lái một tí và… cổ xe bị nghiêng nhẹ đến bây giờ. Biết mình là một thành viên trong nhà nên nó rất dễ tính và ngoan hiền hết sức!

Cũng nhờ nó mà công việc làm ăn của vợ chồng tôi cũng khấm khá hơn nhiều. Rồi đường sá cũng dần thuận lợi. Chúng tôi lại mua một chiếc xe mới, dòng 110 phân khối, hiện đại hơn, hợp thời hơn. Thế là từ đó, nó chỉ dành để đi lại trong xã. Nhiều người ngắm nghé đến hỏi mua cũng để về thồ hàng, chở nặng nhưng vợ chồng tôi cứ ngần ngừ. Có nên bán nó để bù vào tiền mua xe kia? Có nên bán nó đi vì nó cũng đã cũ kỹ, “nhan sắc” đã tàn tạ rồi? Có nên bán nó đi cho có tiền thêm vào mua một chiếc xe mới nữa để mỗi người dùng một chiếc? Nhưng mỗi khi ngồi lên nó và nổ máy chạy, bao nhiêu kỷ niệm về sự gắn bó của nó cùng gia đình tôi hơn suốt mười mấy năm lại hiện về.

Những năm cực khổ, nó đã đỡ đần cho chúng tôi bao nhiêu việc. Bây giờ đến lúc thảnh thơi, đường sá đã được trải nhựa, bê-tông, láng xi-măng đến tận cửa nhà, nổ máy xe lên là chạy êm ru, không có đoạn nào phải về đến số 2, chứ đừng nói là số 1. Lẽ nào nó không được thảnh thơi và lúc hứng thì dạo chơi cùng gia đình tôi sao? Lẽ nào nó lại phải còn tiếp tục gồng mình để chở bao nhiêu thứ nặng oằn như chú ngựa già, và đến bao giờ? Tôi không nỡ nhìn thấy nó xác xơ như những chiếc xe mà nhiều người đã chuyên dùng thồ hàng. Lấm lem bụi đất, không gạc-đờ-sên, không manh, xi-nhan sau chỉ còn trơ lại chui đèn, dây sên chùng xuống, vành, nan hoa gỉ đen… Thật thế thì đáng thương biết bao!

Có lúc, nó được trả giá gần hai cây vàng rồi theo đà trượt giá của xe máy, giảm xuống còn một cây, chúng tôi vẫn kiên quyết giữ nó lại. Ai cũng bảo chúng tôi không biết tính toán. Mà cũng đúng thôi, tiền dễ gì kiếm được mà lại để tuột mất đi như thế, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại tôi lại thấy nao lòng, thương nó như thương một người đã đồng cam cộng khổ với mình.

Đến bây giờ tôi cũng không để ý xem nó còn được giá bao nhiêu, chỉ vui là nó vẫn mãi là thành viên đáng yêu của gia đình mình. Năm nào cũng vậy, mỗi lần Tết đến, tôi lại dắt nó ra chú thợ sửa xe quen thuộc để “make up” chào năm mới.

PHẠM THỊ THIẾU VÔN

;
;
.
.
.
.
.