Chuyện quan Cai bạ làng Khuê Trung

.

Dưới đời vua Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, trong quá trình Nam tiến, nhà Lê tiến hành “di cư lập ấp” tại phía nam Đại Việt. Diễn trình khai phá đất hoang đã lập nên làng Hóa Khuê Đông (nay là vùng đất thuộc phường Hòa Quý và Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và các làng Hóa Khuê Tây, Hóa Khuê Trung (nay thuộc các phường Khuê Trung, Bình Thuận, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam).

Nơi thờ tự Cai bạ Quảng Nam Trần Phước Thành tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ảnh: N.T
Nơi thờ tự Cai bạ Quảng Nam Trần Phước Thành tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ảnh: N.T

Khi hình thành cộng đồng dân cư tại làng Hóa Khuê Trung, có các tộc họ lớn cùng sinh sống gồm Trần, Lê, Nguyễn, Đặng, Mai. Những nét văn hóa đặc trưng của Đại Việt theo những người con di cư tạo nên một cộng đồng văn hóa tại vùng đất mới.

Từ xưa, làng Khuê Trung đã từng có nhiều người học rộng, tài cao được lưu danh sử sách. Trong đó, có Hàn lâm viện Thị độc Trần Phước Thành.

Trần Phước Thành (1705 - 1775), có tên gọi khác là Đại Tiến, tự là Trọng Chiêu, quê làng Hóa Khuê Trung (nay thuộc xóm Bình Hòa, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Theo cụ ông Trần Phước Thảo (75 tuổi) ở Khuê Trung, hậu duệ đời thứ 17 tộc Trần Phước, thì gia phả tộc Trần Phước có ghi cha của Trần Phước Thành tên là Trần Phước Cố, làm Cai đội Cấm binh. Thuở nhỏ, Trần Phước Thành có tài cưỡi ngựa. Năm 18 tuổi, ông vẫn chưa đi học.

Sách Đại Nam Liệt truyện, quyển thứ 5 (phần chép về các bề tôi, phần III) có ghi: “Lúc bấy giờ, tại làng Hóa Khuê xưa có ông Vũ Xuân Nùng dạy học gần nhà Phước Thành. Thấy ông thông minh, sáng sủa nên bảo với cha của ông rằng: “Cháu nó dạy được đấy, sao không cho nó đi học?”. Người cha nói: “Con nhà võ biền nên chưa biết học! Nhờ tiên sinh dạy cho. Đó là nguyện vọng của tôi đấy”. Cha của Thành bèn cho con đi học. Phước Thành thông minh, trí nhớ siêu phàm, học qua thuộc lòng ngay. Không đầy vài năm có thể thuộc làu kinh sử, không sót một chữ nào. Người ta gọi Trọng Chiêu là bụng tủ sách”.
Trần Phước Thành đỗ Giải nguyên Hương tiến dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), làm quan trải các chức Hàn lâm viện sung Kinh diên Thị giảng, Ký lục rồi thăng Cai bạ Quảng Nam.

Chính sự cuối thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ảnh hưởng tiêu cực đến dân chúng. Vì thế, năm Canh Dần (1770), man Thạch Bích quấy nhiễu ngoài biên, chúa Nguyễn Phúc Thuần lập tức sai Trần Phước Thành lúc bấy giờ là ký lục Quảng Nam làm Khâm sai Cai bạ, tuần hành 5 phủ (Thăng Bình, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên), tham mưu việc đánh giặc, điều khiển tướng sĩ 6 đạo doanh đến Quảng Ngãi, đưa quân lính hai phủ Quy Nhơn, Phú Yên đi đánh dẹp và ổn định tình hình.

Năm Tân Mão 1771, quân Xiêm chiếm Nam Vang, xâm lấn Hà Tiên, Trần Phước Thành được sai làm Khâm sai tham tán doanh đồn Gia Định cùng với Khâm sai Chánh thống suất đốc chiến Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm đem quân giải phóng đất Hà Tiên và Nam Vang. Sự kiện này được chép trong Đại Nam Liệt truyện và Việt sử xứ Đàng Trong (1558 – 1777) của tác giả Phan Khoang, như sau:

“Mùa xuân năm Nhâm Thìn (1772), sau khi giáng chức Nguyễn Cửu Khôi (tức Tống Văn Khôi - NV) và triệt hồi Nguyễn Thừa Mân do không cứu viện Hà Tiên; triều đình Phú Xuân sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm (con trai của Nguyễn Cửu Vân) làm Khâm sai chánh thống suất đốc chiến, cai bạ dinh Quảng Nam Trần Phước Thành làm Khâm sai tham tán doanh đồn Gia Định đem 10.000 quân thủy, bộ của hai dinh Bình Khương, Bình Thuận và 30 chiến thuyền vào Gia Định giữ chức điều khiển.  Bấy giờ vua Xiêm đến Chân Lạp, giữ phủ Nam Vang. Quân ta tiến đến, đánh phá được quân Xiêm, lấy lại các phủ Nam Vang và La Bích. Nước Chân Lạp được yên. Vua Xiêm chạy sang Hà Tiên, rồi giảng hòa với Tổng binh Mạc Thiên Tứ.”

Mùa đông năm Ất Mùi (1775), Trần Phước Thành mất ở quân thứ. Ông làm quan nổi tiếng giỏi giang và thanh liêm, bộc trực. Gia Long năm thứ năm (1806), hài cốt ông được đem về táng ở quê nhà là làng cũ Hóa Khuê Trung Tây xã, ông được truy tặng Tham chính (tương đương với chức Tham nghị). Gia Long năm thứ chín (1810), ông được thờ vào miếu Trung tiết công thần cùng với Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm.

Con trai ông là Phước Tụy làm quan đến chức Tri phủ. Tự Đức năm thứ tư (1851) ấm thụ cho cháu bốn đời tên là Bồi làm Bá hộ, trông coi việc thờ cúng Trần Phước Thành. Hiện mộ của ông được các hậu duệ an táng tại nghĩa trang gia tộc và tên của ông được đặt cho một con đường trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, để ghi nhớ công lao của ông đối với công cuộc giữ yên bờ cõi.

Nguyễn Trần
 
;
;
.
.
.
.
.