Cơ hội cho sinh viên sư phạm mầm non

.

Chủ trương phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi (từ năm 2013), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập kéo theo nhu cầu rất lớn về giáo viên mầm non. Đó chính là cơ hội việc làm rộng mở cho những sinh viên đang theo học ngành sư phạm mầm non.

Số lượng giáo viên mầm non hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thì khả năng tìm kiếm việc làm sau khi học sư phạm mầm non là không khó. Ảnh: Q.T (Chụp tại Trường mầm non Ngôi sao nhỏ)
Số lượng giáo viên mầm non hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thì khả năng tìm kiếm việc làm sau khi học sư phạm mầm non là không khó. Ảnh: Q.T (Chụp tại Trường mầm non Ngôi sao nhỏ)

Nguyễn Thị Kim Ly (sinh năm 1995, giáo viên Trường mầm non Wonderland, quận Sơn Trà) cho biết: “Tôi học hệ vừa học-vừa làm ngành Sư phạm mầm non ở Trường Đại học Sư phạm-ĐH Đà Nẵng. Ngay sau khi tốt nghiệp tôi xin được việc làm ngay. Cùng lứa với tôi hầu như các bạn đều tìm được việc làm. Tôi nghĩ chuyện xin việc làm ở ngành học này không quá khó; chủ yếu là xin được vào trường nào và lương bổng như thế nào thôi”.

Hải Yến (1994, giáo viên Trường mầm non Cát Tường) cũng nói rằng, trong khi bạn bè cùng lứa còn đang ngồi trên giảng đường thì chỉ 2 năm học hệ trung cấp mầm non, Yến đã trở thành cô nuôi dạy trẻ và gắn bó với nghề cho đến nay.

“Hiện tại có rất nhiều trường mầm non mở ra nên người học có nhiều cơ hội lựa chọn. Nếu không xin được vào trường công lập thì xin ở tư thục, hay cả nhóm trẻ gia đình để tích lũy kinh nghiệm. Dù đồng lương không cao nhưng hầu như ít ai học ngành này mà thất nghiệp lắm”, Yến nói.

Bà Tôn Nữ Diệu Hằng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, theo kết quả khảo sát tình hình việc làm của người học sau khi tốt nghiệp do Phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục của Trường Đại học Sư phạm và Đại học Đà Nẵng thực hiện thì tất cả người học ngành này đều có việc làm ổn định. Thậm chí có bạn còn có việc làm ngay trong quá trình đi thực tập.

Sau tốt nghiệp, người học ngành mầm non có thể làm giáo viên ở các trường mầm non công lập, tư thục, nhóm trẻ khác nhau, kể cả trường mầm non sử dụng chương trình quốc tế; hoặc làm công tác giảng dạy các học phần về phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; làm công tác quản lý giáo dục mầm non các cấp; và có thể trở thành cố vấn chuyên môn, nghiên cứu viên về giáo dục mầm non tại vụ, viện và các trung tâm nghiên cứu. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, một số khách sạn lớn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn bắt đầu có dịch vụ chăm sóc trẻ em. Đây là cơ hội việc làm tốt, cần những giáo viên mầm non được đào tạo bài bản.

Nhu cầu lớn là vậy, song hiện nay, quy mô đào tạo của các trường có ngành mầm non còn khá hạn chế. Đơn cử, khoa Giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đang đào tạo giáo viên mầm non có trình độ thạc sĩ và đại học. Ở bậc đại học, khoa đào tạo với 2 hình thức chính quy và vừa làm - vừa học. Đối với hệ chính quy, hiện khoa có tổng số 238 sinh viên. Theo đó, với gần 1.000 thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngành học mầm non các năm trước, khoa chỉ tuyển 60 chỉ tiêu.

Nắm bắt nhu cầu của xã hội, từ năm 2019, nhà trường đã tăng số chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy cho ngành giáo dục mầm non lên 110. Song song, với nhiệm vụ đào tạo chính quy, khoa còn được giao nhiệm vụ đào tạo các lớp ở hình thức vừa làm - vừa học cho hàng ngàn sinh viên theo quy định.

Bà Tôn Nữ Diệu Hằng cho rằng đó chính là những nỗ lực rất lớn của nhà trường nhằm giải “cơn khát” giáo viên mầm non cả trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Yêu trẻ, tâm huyết với nghề

Có thể nói, bất kỳ một ngành nghề nào trong xã hội, bên cạnh cơ hội luôn là những thách thức. Đối với ngành Giáo dục mầm non, thuận lợi chính là cơ hội việc làm cao, được xã hội quan tâm. Một điều dễ thấy nữa là sư phạm mầm non không yêu cầu quá cao về trình độ. Người học chỉ cần có trình độ trung cấp sư phạm mầm non là có thể dễ dàng xin việc ở các trường mầm non.

Tuy nhiên, những áp lực về thời gian làm việc, áp lực về sự an toàn trong chăm sóc và giáo dục trẻ thì có lẽ chỉ có những người trong nghề mới hiểu.

Cô Nguyễn Thị Ý Nhi, Hiệu trưởng Trường mầm non Ngôi sao nhỏ (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, sư phạm mầm non không đòi hỏi cao bằng cấp mà điều quan trọng là kiến thức, kỹ năng của bản thân cô giáo. Và trên hết chính là cái tâm của người làm nghề. Nghề này đòi hỏi trách nhiệm và sự chịu đựng ghê gớm: Chịu đựng tiếng ồn, tiếng la hét, và áp lực từ nhiều phía.Trong những buổi tuyển dụng, cô Ý Nhi vẫn trao cơ hội ngang nhau cho cả đối tượng có bằng đại học và trung cấp. 

“Bằng cấp chỉ là điều kiện cần để nhà tuyển dụng căn cứ vào đó gọi bạn đến phỏng vấn. Đối với nghề nuôi dạy trẻ, chăm sóc trẻ em cần nhiều kiến thức kỹ năng hơn ta tưởng. Có những điều các bạn học cao đẳng, đại học không làm được nhưng các bạn học trung cấp sư phạm mầm non lại làm rất tốt. Chỉ cần các bạn thể hiện được niềm say mê nghề, thương trẻ thì tôi sẽ chọn bạn”, cô Nhi nói.

Không quá khó để xin được việc làm nhưng muốn được giảng dạy ở môi trường tốt, được hưởng các chế độ đãi ngộ cao thì không phải sinh viên mầm non nào ra trường cũng nắm bắt được. Nhiều sinh viên không ngừng nâng cao bằng cấp, trình độ để mong có cơ hội tốt hơn. Vì vậy, không ít cô giáo mầm non hiện nay ngày đi dạy nhưng đêm phải đi học.

Người học trung cấp thì liên thông lên cao đẳng, đại học, thậm chí cao hơn nữa. Và, dù học ở bậc thấp nhất (trung cấp-2 năm), giáo viên mầm non phải học hầu hết các môn năng khiếu như: vẽ, đàn, hát, múa. Bên cạnh đó là các môn chuyên ngành như Tâm lý trẻ, Giáo dục mầm non, Bệnh học nhi, và hệ thống các môn phương pháp. Đó là chưa kể các môn đại cương: văn học, toán cao cấp, mỹ thuật, âm nhạc, mỹ học - nghệ thuật học, chính trị…

“Tôi chọn nghề từ tình yêu thương trẻ. Mỗi ngày đến trường tất bật từ sáng đến tối, đêm đi học, phải nói là rất vất vả, nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười trong trẻo của các con mỗi ngày, mọi mệt nhọc đều tan biến”, cô giáo Kim Ly thổ lộ.

Trong chiến lược phát triển giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo có đề cập mục tiêu giáo dục mầm non là: Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 75% trẻ độ tuổi mẫu giáo, trong đó 97% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, bảo đảm các cơ sở giáo dục mầm non có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định, trong đó có 70% giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên vào năm 2020. Như vậy, so với yêu cầu hiện nay, số lượng và chất lượng đều chưa thể đáp ứng.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.