Để có mùa hội trại hào hứng

.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3 - Tháng Thanh niên hay tháng của những hoạt động Đoàn là các trường học lại nô nức tổ chức hội trại. Đây cũng là thời điểm mà các đội kỹ năng (tập hợp những bạn từng tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên) “hoạt động hết công suất”.

Tháng 3 là mùa rộn ràng nhất của những đoàn viên thanh niên. Ảnh: Q.T
Tháng 3 là mùa rộn ràng nhất của những đoàn viên thanh niên. Ảnh: Q.T

Từ đầu tháng 2, Trần Phước (sinh năm 1987), “thủ lĩnh” nhóm kỹ năng làm trại ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà đã bắt đầu nhận “sô” làm ban quản trại cho các trường học trên địa bàn. Công việc này khá quen thuộc với nhóm trong vài năm trở lại đây. Phước chia sẻ: “Tất cả các bạn từng tham gia sinh hoạt Đoàn đều thành thạo các kỹ năng cơ bản như kỹ năng lều trại, semaphore (truyền tin thị giác-PV), giải mật thư, rút dây, dấu đi đường… Khi các trường tổ chức hội trại đều muốn có một nhóm đứng ra tổ chức các trò chơi cho học sinh. Vì vậy, chúng tôi nhận làm ban quản trò trong các trường học. Một cách để “sống” lại các kỹ năng đã được học từ hồi tham gia sinh hoạt Đoàn ở địa phương”.

Theo Phước, để có một mùa trại thành công, các nhóm làm trại cần xây dựng kế hoạch tổ chức trại chi tiết cho từng đối tượng: Thiếu niên, nhi đồng, thanh niên nông thôn, thanh niên thành thị, đối với thanh niên trường học nên chú ý thanh niên THPT, trung học dạy nghề, sinh viên… Mỗi đối tượng có một trình độ, nhu cầu khác nhau. Các trò chơi trong hội trại vì thế cũng khác.

Mỗi khi nhận một chương trình, Phước cùng đồng đội của mình đều họp bàn lên kế hoạch, phân công công việc cụ thể. Đơn cử như tổ chức hội trại cho trường THCS hoặc THPT thì cần khoảng 8-10 thành viên. Trong đó, phải có ít nhất 4 thành viên chủ chốt. 4 thành viên này sẽ làm 4 nhiệm vụ quan trọng nhất trong hội trại là: lửa trại, tổ chức trò chơi lớn, làm thư ký và các công việc hậu cần. Các bạn sẽ chỉ có thời gian từ 1-2 tuần để họp bàn và thống nhất nội dung. Thông thường, hội trại của các trường sẽ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần, rải rác từ giữa đến cuối tháng 3.

Công việc tưởng chừng đơn giản và quen thuộc nhưng theo Phước, nếu không có đam mê, nhiệt huyết thì khó theo đuổi. Riêng đối với Phước-người nhận nhiệm vụ quản trò thì bạn thường xuyên sưu tầm những mẩu chuyện vui, các loại câu đố dân gian để sử dụng khi cần thiết để làm “thư giãn” cuộc chơi. Để tạo không khí hào hứng trong hội trại, người quản trò phải nắm vững tâm lý, nhu cầu của người chơi, thường xuyên rèn luyện kỹ năng quản trò và thu thập, phân loại các trò chơi, thực sự “ham chơi” khi cần thiết.

“Các kỹ năng này được tụi mình “nhào nặn”, biến tấu năm này qua năm khác. Thực sự, dù cả nhóm đều đã lớn tuổi, ai cũng có công việc riêng nhưng mỗi tháng 3 lại tề tựu đông đủ, cùng nhau tham gia hoạt động này, chúng mình rất vui”, Phước nói.

Chung Quang Minh (sinh năm 1993, thành viên nhóm của Phước) chia sẻ, mỗi mùa tháng 3 đến là những người làm Đoàn như anh bận rộn nhưng cũng vui nhất. Đây là lúc Minh cùng các bạn đem hết kỹ năng hoạt động Đoàn ra “phục vụ” lại cho các bạn học sinh.

Trường học thường ít kinh phí nên một chương trình nhóm anh nhận chỉ đủ để liên hoan sau mỗi kỳ hội trại. Dù vậy, với Minh và các bạn trong nhóm, một khi ý tưởng chương trình đang bay bổng mà bị kinh phí “kìm” lại, cả nhóm vẫn bàn nhau chấp nhận chịu lỗ một ít để chương trình được “tới”. “Miễn sao khi chương trình diễn ra, học sinh hớn hở, vui tươi là được”, Minh nói.

Thầy Võ Bá Thành, Bí thư Đoàn Trường THPT Ngô Quyền cho biết, mỗi mùa hội trại, ban tổ chức phải làm rất nhiều việc từ khâu lo đất trại, quản lý an toàn cho học sinh, vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, đèn điện, âm thanh ánh sáng… Vì vậy, việc có một đội ngũ chuyên nghiệp tổ chức các hoạt động trò chơi, các nội dung thi trong hội trại như múa hát tập thể, dân vũ, lửa trại… là rất cần thiết, tạo được niềm vui thích cho học sinh.

Trong khi đó, Trường THPT Hoàng Hoa Thám lại “tận dụng” những bạn cựu học sinh có kỹ năng hoạt động Đoàn tốt về giúp trường những ngày tháng 3 này. Thầy Lê Mạnh Tấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho rằng, mỗi năm, nhà trường có khoảng 500 học sinh tốt nghiệp ra trường. Đây là một lực lượng lớn, có sức trẻ, năng động, sáng tạo và đặc biệt là nhiều trải nghiệm khi tham gia các trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian, sinh hoạt kỹ năng tại trường. Với hai lần tham gia ngày hội văn hóa dân gian, hội trại và nhiều hoạt động khác khi còn là học sinh, các em sẽ biết về cách thức tổ chức chương trình, hiểu những khó khăn và thuận lợi của mỗi học sinh khi tham gia hoạt động này, do đó sẽ cung cấp cho Ban tổ chức những kinh nghiệm hết sức quý báu.

“Số lượng và năng lực của cán bộ, giáo viên trẻ tại các trường THPT nói chung và Trường THPT Hoàng Hoa Thám nói riêng trong công tác tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp không nhiều, cộng thêm nguồn kinh phí hạn hẹp, việc kết nối với cựu học sinh là một phương án khá hiệu quả. Một trong những thành công của phong trào Đoàn nhà trường trong thời gian gần đây có sự đóng góp rất lớn từ lực lượng này”, thầy Tấn cho biết thêm.

Lan khuê

;
;
.
.
.
.
.