Gậy dò đường thông minh cho người già, người khiếm thị

.

Đó chính là sản phẩm của nhóm DUT-AC đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vừa giành giải nhất trong vòng chung kết và triển lãm EPICS (tên đầy đủ tiếng Anh là Engineering Project In Community Service, tạm dịch là Dự án Kỹ thuật trong dịch vụ cộng đồng) vừa diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tháng 1-2019.

Nhóm DUT-AC vinh dự được nhận giải thưởng.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhóm DUT-AC vinh dự được nhận giải thưởng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước việc các thiết bị hỗ trợ di chuyển truyền thống không thể đáp ứng nhu cầu của người khiếm thị, người già như giúp họ phát hiện những nguy hiểm trên quãng đường đi, thông báo với người thân khi họ gặp nguy hiểm... nhóm DUT-AC nảy ra ý tưởng về gậy dò đường thông minh nhằm hỗ trợ di chuyển an toàn cho người già, người khiếm thị.

Lê Quốc Tín (sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, khoa Cơ khí), trưởng nhóm DUT-AC, cho biết, về cấu tạo, cây gậy dò đường thông minh này gồm 3 phần chính: tay cầm, cảm biến và hộp điều khiển trung tâm.

Riêng cảm biến, nhóm có đặt 1 cảm biến ở chân gậy nhằm phát hiện các vật cản nhỏ, 3 cảm biến được lắp đặt ở đoạn giữa cây gậy nhằm phát hiện các vật cản lớn hơn. Các cảm biến này có góc quét đa dạng, có thể phát hiện được vật cản ở nhiều phía trên lộ trình di chuyển của người sử dụng, trong phạm vi 2-3m. Gậy sẽ báo cho người dùng về sự xuất hiện của vật cản thông qua các chế độ rung trên tay cầm, vật cản càng gần thì rung càng mạnh.

Bên cạnh đó, cây gậy thông minh này còn được tích hợp nhiều tính năng tiện ích khác, như phần tay cầm có gắn đèn, còi để tạo sự chú ý với những người xung quanh, hay trong hộp điều khiển trung tâm có gắn một thẻ sim điện thoại nhằm kết nối với người thân của người sử dụng.

Khi cây gậy bị va chạm, có thể là do người sử dụng bị té, ngã hay gặp phải một sự cố khác, gậy sẽ tự động nhắn, gọi đến thuê bao được kết nối, thông báo với người thân của họ rằng người sử dụng đang gặp nguy hiểm. Và, rất thú vị là cây gậy sẽ liên tục gọi cho người thân của người sử dụng cho đến khi có nhận cuộc gọi.

“Để có thể thiết kế được nhiều chức năng tiện ích cho người sử dụng, nhóm chúng tôi đã tiến hành những đợt khảo sát ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Hội Người mù của một số quận Liên Chiểu, Thanh Khê… để nắm bắt được rõ hơn những nhu cầu của họ ở một công cụ, thiết bị hỗ trợ họ di chuyển”, Tín cho hay.

Lê Quốc Tín (bìa phải) và Ôn Hồ Đan Dương (bìa trái) cùng cây gậy dò đường thông minh của nhóm. Ảnh: KHÁNH QUYÊN
Lê Quốc Tín (bìa phải) và Ôn Hồ Đan Dương (bìa trái) cùng cây gậy dò đường thông minh của nhóm. Ảnh: KHÁNH QUYÊN

Tín kể, từ khi bắt đầu vào tháng 9-2018 đến lúc hoàn thiện sản phẩm dự thi, nhóm đã cho ra 2 bản thiết kế. Với thành phẩm bản đầu tiên, nhóm mang đến những nơi đã khảo sát trước đó và nhờ họ dùng thử; từ đó rút kinh nghiệm, thiết kế lại sao cho tối ưu. Hiện chi phí về vật liệu, linh kiện để sản xuất 1 cây gậy khoảng 500.000 đồng, giá bán ước tính khoảng 1 triệu đồng/cây.

Cũng theo chia sẻ của Tín, trong quá trình chế tạo, khó khăn lớn nhất của nhóm là làm sao để thiết kế gậy với nhiều chức năng, tiện ích nhưng phải gọn, nhẹ nhất có thể, tạo được cảm giác thoải mái, thao tác dễ dàng cho người sử dụng.

Hiện, nhóm cũng đã thiết kế xong chương trình định vị để giúp người thân có thể biết được chính xác vị trí của người sử dụng khi họ gặp sự cố. Nhóm sẽ nghiên cứu, tích hợp thêm tiện ích này vào cây gậy thông minh trong thời gian tới. Đồng thời, nhóm vẫn không ngừng nghiên cứu để cây gậy tinh gọn hơn cũng như nghiên cứu thêm một số chức năng, tiện lợi khác.

Áp dụng mô hình vừa học vừa thực hành, cuộc thi EPICS thu hút hơn 150 sinh viên khối ngành kỹ thuật tham gia. Riêng nhóm DUT-AC quy tụ 6 sinh viên đến từ nhiều ngành khác nhau của Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là: Lê Quốc Tín (sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, khoa Cơ khí), Đặng Phương Gia Hân (sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, khoa FAST), Lê Minh Thuận (sinh viên năm 3, ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, khoa Điện tử - Viễn thông), Trần Thị Thu Thảo (sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật môi trường, khoa Môi trường), Ôn Hồ Đan Dương (sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa, khoa FAST) và Phan Văn Khải (sinh viên năm 3, ngành Công nghệ phần mềm, khoa FAST).

Được biết, chiều 4-3-2019, nhóm DUT-AC vượt qua vòng phỏng vấn cuộc thi Orange Fab Asia Spring 2019 tại Việt Nam và đang chuẩn bị để tham gia vòng tiếp theo là kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới.

 KHÁNH QUYÊN

;
;
.
.
.
.
.