Giáo dục truyền thống

.

Xác định giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là nhiệm vụ trọng tâm, Đoàn cơ sở tại các trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, trân trọng những giá trị lịch sử mà ông cha đã dày công vun đắp.

Mỗi năm 2 lần, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Đoàn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Mỗi năm 2 lần, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Đoàn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Chỉ còn vài ngày nữa, lứa đoàn viên đầu tiên trong năm học 2018-2019 của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê), cũng như các trường THCS trên địa bàn thành phố sẽ được kết nạp nhân Ngày thành lập Đoàn 26-3.

Là một trong số những học sinh được chọn kết nạp trong đợt này, Nguyễn Cao Thùy Linh (lớp 9/8, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) chia sẻ: “Từ khi tham gia lớp cảm tình Đoàn trước khi kết nạp, em thấy mình “lớn” hẳn, lần đầu tiên em biết tổ chức Đoàn Thanh niên được thành lập như thế nào, trải qua quá trình trưởng thành đến nay ra sao. Đặc biệt, em rất khâm phục và biết ơn những tấm gương anh hùng trẻ tuổi đã ngã xuống để chúng em có ngày hôm nay”.

Trong khi đó, Huỳnh Cao Nhật Minh (lớp 9/4, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) không giấu niềm vui và tự hào khi chuẩn bị trở thành một đoàn viên. “Trước đây, em rất thích các hoạt động do Đoàn phường tổ chức nhưng vì chưa đủ tuổi nên em không được tham gia. Sắp tới thì em vừa có thể vào các hoạt động ý nghĩa tại Đoàn phường vừa có thể hòa mình vào hoạt động Đoàn ở ngôi trường THPT mà em sẽ theo học trong năm học tới”, Nhật Minh phấn khích.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng Nguyễn Thị Hạnh Đoan cho biết, hoạt động giáo dục truyền thống cho các đoàn viên, học sinh luôn được nhà trường chú trọng, tập trung cao điểm vào những ngày lễ lớn, theo các chủ đề, chủ điểm từ hướng dẫn của Đoàn cấp trên. Với tháng 3 - Tháng Thanh niên này, hoạt động giáo dục truyền thống sẽ được lồng ghép trong công tác xây dựng, bồi dưỡng kết nạp đoàn viên.

Theo cô Hạnh Đoan, một trong những hoạt động có sức lan tỏa, gắn với tên tuổi của trường hơn 10 năm  nay là chương trình “Hành quân về nguồn” được tổ chức vào ngày 21-4 hằng năm. Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức cho các ĐVTN cùng những học sinh có thành tích trong học tập và thể dục thể thao tham gia chương trình, với điểm đến là Khu di tích nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

“Là học sinh nhà trường, tôi nghĩ việc các em có hiểu biết về chí sĩ yêu nước mà ngôi trường mang tên là rất quan trọng. Câu chuyện truyền thống không ở đâu xa mà cần bắt đầu với những điều gần gũi nhất”, cô Hạnh Đoan nói.

Sức hút từ những chuyến về nguồn

Từ năm 2005 đến nay, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, Đội Công tác xã hội (CTXH) - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), lại tổ chức chương trình “Hành quân về nguồn”. Mỗi năm, điểm đến của chuyến “về nguồn” sẽ được chọn lựa, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Lần gần đây nhất, chuyến về nguồn năm 2018, địa chỉ được chọn là thôn  Labob, xã Chaval, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngô Thị Hoài Ly (sinh viên năm 3, khoa Hóa), Đội trưởng Đội CTXH cho biết, để chuẩn bị cho chuyến đi diễn ra trong 3 ngày 2 đêm (từ ngày 29-4 đến ngày 1-5-2018), Ban chủ nhiệm Đội CTXH đã tổ chức đi tiền trạm trước đó 2 tháng. Càng ý nghĩa khi kinh phí của chuyến đi được tập hợp từ các buổi gây quỹ bán ve chai, bán bút, bán kẹo… của sinh viên nhà trường. Trong chuyến đi đó, 130 suất quà được trao tận tay các trẻ em, các hộ gia đình khó khăn thôn Labob. Ngoài ra, đoàn còn chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc, vui nhộn phục vụ bà con nơi huyện miền núi tỉnh Quảng Nam xa xôi.

Trong những ngày ở lại thôn Labob, các thành viên của Đội CTXH còn tập trung sơn sửa, san lấp mặt bằng, đào hố rác, dọn vệ sinh, trang trí một số trường học khó khăn tại địa bàn. Theo Hoài Ly, thích thú nhất là các ĐVTN của đội được giao lưu, học tập những tập tục văn hóa của người dân địa phương như: nấu cơm lam, múa cồng chiêng, đốt lửa trại...

“Thường mỗi dịp lễ, đa phần các bạn sinh viên sẽ chọn về nhà hay đi chơi đâu đó. Nhưng với tôi thì luôn muốn đi đến những vùng đất mới, giúp đỡ những người khó khăn. Sau mỗi chuyến đi như vậy, tôi cũng như các bạn khác lại thêm hiểu và yêu quê hương đất nước. Mỗi cuộc hành trình là một lần trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa”, Hoài Ly chia sẻ.

Theo thầy Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐVTN là nội dung xuyên suốt, là nhiệm vụ căn bản, bao trùm, luôn được nhà trường chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Các nghị quyết, quy chế, tình hình thời sự trong nước, quốc tế và của thành phố luôn được Đoàn trường phối hợp với Phòng Công tác sinh viên triển khai đến toàn thể ĐVTN vào đầu mỗi năm học.

“Đoàn trường rất ủng hộ các chi đoàn, liên chi đoàn trực thuộc tổ chức kết nghĩa và phối hợp tốt với các đơn vị bộ đội. Thông qua các hoạt động với đơn vị kết nghĩa, ĐVTN nhà trường càng thấm nhuần hơn chủ nghĩa anh hùng dân tộc, tinh thần yêu nước. Và rất đáng mừng là nhiều ĐVTN sau khi tốt nghiệp đã tự nguyện xin nhập ngũ ở các đơn vị quân đội với mong muốn cống hiến tuổi trẻ, một phần sức mình để xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước”, thầy Phương vui mừng nói.

MAI HIỀN
 

 

;
;
.
.
.
.
.