"Kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ!"

.

“Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ” (Bersot). Tình yêu của mẹ chính là hành trang vững chãi nhất để con bước vào đời. Những người phụ nữ chúng tôi gặp trong bài viết này đều đơn thân nuôi con. Dẫu hành trình nhọc nhằn nhưng họ vẫn vững vàng trước sóng gió cuộc đời, những mong đem lại cho con một tuổi thơ bình yên và ấm áp.

Cơ nói: “Em rất thương mẹ. Mỗi ngày, em đều muốn ôm và hôn mẹ như thế này”. Ảnh: Q.T
Cơ nói: “Em rất thương mẹ. Mỗi ngày, em đều muốn ôm và hôn mẹ như thế này”. Ảnh: Q.T

Trái tim của con có lẫn máu và nước mắt của mẹ!

Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày cậu bé Phạm Văn Cơ (15 tuổi, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) được thay tim từ trái tim hiến tặng của một thanh niên bị tai nạn giao thông chết não. Báo chí viết nhiều về cậu bé may mắn ấy, về thành tựu đáng mừng của y học Việt Nam. Thế nhưng, không mấy ai biết phía sau kỳ tích ấy là cuộc đời lầm lũi, khổ cực, nhưng chan chứa yêu thương của bà Huỳnh Thị Ánh (sinh năm 1965, mẹ em Cơ).

Trong căn nhà cấp 4 lợp tôn vững chãi, hai mẹ con bà Ánh vừa lột hành, tỏi cho buổi xay cá ngày mai, vừa chuyện trò rôm rả. Có nằm mơ bà cũng không ngờ rằng, có ngày, đứa con trai út bé bỏng có thể chạy nhảy, chuyện trò, phụ giúp mẹ việc nhà.

Bà Ánh có 4 người con. Đứa con trai lớn sinh năm 1988 không may qua đời vì bệnh tim năm 2000. Nỗi đau mất con khiến bà nằm liệt giường hằng tháng trời, gầy rộc, già xọm đi. Nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai thì chồng bà phát bệnh ung thư dạ dày rồi ra đi năm 2006. Khi ấy, Cơ chỉ mới 3 tháng tuổi. Bà trở thành mẹ đơn thân nuôi ba đứa con dại. Mỗi lần nghĩ đến khoảng thời gian đen tối ấy, bà vẫn còn rùng mình.

Một mái nhà cho mấy mẹ con nương trú cũng không có. Con cái nheo nhóc, gầy đét vì thiếu ăn. “Nhiều hồi khổ cực quá tôi đã nghĩ đến điều tệ hại nhất-tự tử. Nhưng cứ nhìn ánh mắt trong veo của hai đứa con gái, tiếng bi bô của thằng Cơ là lại không đành lòng. Vậy là, tôi lại nuốt nước mắt vào trong, vì con mà sống”, bà Ánh tâm sự.

Thời gian là liều thuốc cho mọi vết thương. Cuộc sống của mẹ con bà Ánh dẫu còn vất vả nhưng có lẽ vẫn êm đềm trôi nếu như năm 2016, Cơ không phát bệnh giãn cơ tim, giống anh trai. Ngày nghe tin con bệnh, đang ở giữa chợ xay cá cho người ta, bà Ánh đấm ngực thình thịch, gào khóc hỏi ông trời: “Tại sao ông nỡ ác với con của tôi như vậy? Tại sao không là tôi mà lại là nó, đứa trẻ chỉ mới 12 tuổi?”…

Cú sốc đến đột ngột khiến bà Ánh ngã quỵ. Mấy ngày liền bà không ra chợ, chỉ nằm một chỗ, trừng trừng ngó lên trần nhà, nước mắt đổ ướt gối. Rồi bà vùng dậy, vét hết tiền trong nhà, dặn dò hai đứa con gái đâu vào đó rồi cùng Cơ vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, những mong có một tia hy vọng.

Bà ứa nước mắt nhớ lại: “Lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay, không ngờ lại là đưa con đi chữa bệnh. Bệnh tình của con nặng, chi phí thuốc thang, sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ nên tôi chỉ cầm cự được một thời gian ngắn. Rồi, hai mẹ con lại quay về điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, cho gần nhà”.

Cơ mỗi ngày một xanh xao, không ăn, không ngủ được. Đêm đêm bà Ánh lại thức cùng con. Những cuộc chuyện trò tỉ tê (chủ yếu là bà nói vì Cơ không đủ sức) của hai mẹ con chỉ kết thúc khi trời gần sáng - cũng là lúc bà phải chạy chợ lại.

Ngồi bên cạnh nghe mẹ kể chuyện, Cơ dụi đầu vào lòng mẹ đầy tình cảm, em nói: “Con chỉ nhớ mỗi đêm, câu cuối cùng con nghe mẹ nói bao giờ cũng là: con yên tâm, mẹ sẽ làm mọi cách để cứu con. Nếu không được, mẹ cũng sẽ “đi” theo con. Lúc mô, mẹ cũng ở bên cạnh con. Con đừng sợ chi hết”. Nghe nhắc lại kỷ niệm, hai mẹ con khóc òa…

Ngày 13-6-2018 với bà Ánh và Cơ là một ngày thật đặc biệt. Bà nhận được điện thoại của Bệnh viện Trung ương Huế nói đã có người hiến tim phù hợp cho Cơ. Kế tiếp tin vui là tin “buồn” khi 300 triệu đồng là chi phí phẫu thuật. 300 triệu đồng với mẹ con bà Ánh là con số khổng lồ.

Nhưng lúc ấy, người mẹ không nghĩ nhiều, bà đánh liều đăng ký mổ. Bà run lẩy bẩy ký những thủ tục của bệnh viện. Sau đó là những ngày chạy ngược chạy xuôi vay tiền gom góp cho con. “Lúc nghe tiếng bác sĩ mở cửa phòng phẫu thuật, tim tôi như đông đá. Bác sĩ nói: Ca phẫu thuật thành công!, tôi quỵ xuống luôn, không đứng dậy nổi”, bà Ánh kể.

Quãng đường 2 năm ròng cùng con chữa bệnh vắt kiệt sức của người phụ nữ. Nhưng đáp lại, là niềm vui của bà Ánh mỗi ngày khi áp tai lên lồng ngực của con, nghe những nhịp tim đều đặn. Những nhịp đập của trái tim có lẫn máu và nước mắt của người mẹ!

Con hãy sống vô tư, cả thế giới để mẹ lo!

Những người hàng xóm ở nhà AB, khu chung cư An Cư 5 (phường Phước Mỹ) ai cũng gọi cậu bé Phan Hùng Vương (lớp 6, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh) là “ông cụ non” bởi sự hiểu chuyện trước tuổi của cậu. Trong khi những đứa trẻ ngang lứa vô tư chơi đùa trước khuôn viên chung cư, Vương chỉ đứng phía trong nhìn ra… ủng hộ bằng tinh thần. Cậu không dám đi đâu xa vì bận trông xe giúp mẹ.

Mẹ Vương, chị Đỗ Thị Hương (sinh năm 1982) là bảo vệ của tòa nhà này. Buổi sáng, chị tranh thủ đi làm tạp vụ cho một khách sạn tư nhân trên địa bàn. Đến 12 giờ trưa về lại chung cư làm bảo vệ cho đến đêm. Vương hồn nhiên nói: “Khi mẹ đi làm thì con chính là người bảo vệ cả tòa nhà này”. Công việc “bảo vệ” mà Vương nói chính là trông xe cho các cô chú trong tòa nhà. Ngồi ngay sảnh chung cư, thấy ai lạ mặt đi vào thì ra hỏi, sắp xếp xe lại cho ngay ngắn.

Mẹ con chị Hương ở tại tòa chung cư này từ năm 2013. Họ không có nhà. Nơi ăn ở và sinh hoạt của họ là những tấm ván dựng tạm bợ ngay tại phòng bảo vệ. Trước đây, chồng chị Hương làm bảo vệ của tòa nhà này. Năm 2017, anh mất vì ung thư gan. Thương tình mấy mẹ con chị không có nơi ở, lãnh đạo địa phương và ban quản lý nhà tạo điều kiện để chị tiếp quản công việc thay chồng cũng như ở tạm tại phòng bảo vệ.

Chị Hương kể, vợ chồng chị cưới nhau năm 2006. Hạnh phúc chẳng tày gang thì anh phát bệnh xơ gan rồi ung thư gan. Gia đình túng thiếu thêm anh bệnh tật nên gắt gỏng, cáu bẳn.

Dẫu vậy, trước mặt anh và hai đứa con, chị vẫn một mực nhẫn nhịn; phần thương anh bệnh tật hành hạ, phần không muốn con cái tổn thương. Trong vòng tay của chị, Vương và em gái sống vô tư, hồn nhiên. Vương rất tự hào về công việc của mẹ. Cậu bé chẳng bao giờ đòi hỏi mẹ phải mua cái này, sắm cái kia, chở đi chơi.

Chị Hương trải lòng: “Mình sinh ra trong gia đình thuần nông vất vả từ nhỏ nên bản tính đã chịu khó. Ngày cưới anh, hai vợ chồng mình cực lắm nhưng rất đồng lòng. Cực mấy mình cũng chịu được. Từ khi anh mất, mình hụt hẫng vô cùng. Nghĩ tới quãng đường dài trước mắt vừa làm cha, vừa làm mẹ, mình muốn nhắm mắt lại và không muốn mở ra nữa. Nhưng rồi nghĩ thương con, mong con có được tuổi thơ êm đềm như chúng bạn. Vậy là mình cười. Ngày nào đi làm về cũng tíu tít cười đùa với con. Cuộc sống thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.

Chị Hương sống tích cực và lạc quan để con có tuổi thơ êm đềm. Ảnh: Q.T
Chị Hương sống tích cực và lạc quan để con có tuổi thơ êm đềm. Ảnh: Q.T

Ước muốn tạo môi trường trong sáng, vô lo cho con cái là ước muốn chung của mọi người mẹ trên thế gian này. Chị Võ Thị Thu Vân (sinh năm 1982, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cũng không ngoại lệ. Những người buôn bán ở chợ Bắc Mỹ An khi nhắc đến chị Vân đều không ngớt lời khen ngợi hai cậu con trai học giỏi (đứa lớp 5, đứa lớp 7). Chồng chị mất đã 10 năm nay. Một mình chị Vân với quầy hàng bán hành, tỏi, gia vị nhỏ trong chợ nuôi hai đứa con. Nhiều người bảo chị giỏi giang, tháo vát. Chỉ chị hiểu mình yếu đuối như thế nào.

Cố ngăn giọt nước mắt sắp rơi, chị tâm sự: “Vợ chồng mình cưới nhau năm 2005. Cuộc sống thiếu đủ thứ duy chỉ có tình cảm là dư dả. Hằng ngày, anh chở mình ra chợ, dọn hàng giúp mình. Đến chiều lại tranh thủ chạy về dọn hàng vào. Mình chỉ việc ngồi bán. Ở nhà anh cũng giành việc đưa đón con, lo cơm nước. Có anh thấy cuộc đời sao mà bình yên đến vậy. Một ngày, anh lên cơn sốt. Nhập viện chỉ 3 ngày là anh ra đi mãi mãi. Mình sốc tột độ. Sốc đến mức trầm cảm, phải đi chữa bệnh 1 năm mới hồi phục”.

Những ngày nằm trên giường bệnh, phần nhớ thương anh, phần lo cho hai đứa con trai rồi đây ai sẽ dạy dỗ chúng, làm sao sức phụ nữ yếu đuối như chị có thể truyền cho con trai sự mạnh mẽ cần có? Nỗi lo nuôi, dạy dỗ hai đứa con nhấn chìm chị vào cơn mụ mị.

Những đêm mất ngủ triền miên. Những vốc thuốc an thần trong vô định… Rồi một ngày, chị bất giác nhìn di ảnh của anh. Ánh mắt ấm áp của anh như muốn nhắn gửi: “Mạnh mẽ lên em, anh luôn ở bên em và con”. Chị khóc òa như chưa từng được khóc. Chị thấy có lỗi với anh, với con. Chị như bừng tỉnh cơn mê. Chị vùng dậy, ra chợ trở lại. Cuộc sống ba mẹ con cũng trở lại với ánh sáng, sự ấm áp của tình mẹ con.

Rời khỏi nhà chị Vân, ánh mắt chất chứa nhiều tâm sự của chị vẫn ám ảnh tôi. Có lẽ, bởi vì tôi cũng là phụ nữ. Tôi cũng có đứa con trai. Tôi hiểu, nó cần bố như thế nào. Chỉ mong chị thật vững vàng. Rồi cuộc đời sẽ đền đáp chị những gì xứng đáng.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.