Như mơ

.

Cậu Út có cái bóp da bò lâu năm, lên nước bóng loáng như đồ cổ. Đi đâu cậu cũng kè kè mang bên mình. Một bữa đội lúa qua kinh, ngó phía đầu cầu khỉ thấy có con rắn lục đuôi đỏ, cuộn mình quấn cây tre như ngấu nghiến, cậu quăng mớ lúa sang bên, nhảy ùm xuống kinh ướt như chuột lột. Thấy cảnh đó, có mấy người cười ngạo, “đến độ vậy mà tay vẫn cầm khư khư cái bóp giơ lên, như trong đó chứa tiền bạc tỷ”. Cậu không giận cũng không buồn, dửng dưng phán một câu chắc nịch: “Hơn một tỷ!”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đám thợ gặt nghe, cười một trận lăn lộn. Cậu cũng cười rồi gom bó lúa lại, bỏ đi. Cái cách bỏ đi làm vài đứa đâm nghi. Tụi nó rỉ tai nhau, “cha nội này, nghi lắm!”. Cậu làm gì biết được, sự nghi ngờ ấy mọc trên mảnh đất tò mò và cho ra những chùm trái âm mưu.

Một bữa trời không trăng, đêm sụp xuống âm u, cậu ra ruộng thăm câu. Bóng dáng ốm nhom như cây mía lau trồng ở đầu mả mới. Ánh đèn pin lắc lư lúc sáng lúc mờ, tiếng cậu ho khàn khàn nhập vào tiếng ếch nhái vang xa trên ruộng. Đám thợ thủ sẵn ở con đường cậu hay đi ngang, đoán chắc rằng thể nào khi đi ngang đống rơm cậu cũng dừng lại, vừa xả nước vừa hóng gió. Y như rằng, cậu theo thói quen mà trúng bẫy. Khi vừa trật quần thì nghe một vật gì đó nặng đè cậu nằm sấp xuống đê.

Lúc mặt áp đất rồi mới biết là có người áp sát. Cậu la cướp cướp vang động cả cánh đồng, nghĩ bụng rằng thế nào đám thợ gặt ở gần đó cũng nghe. Nhưng dẫu gọi khan cổ vẫn không ai lên tiếng tiếp viện. Khi cậu sắp xỉu thì đám người kia tản ra, chạy mất. Cậu hú vía ngồi vậy vuốt mặt mấy lần, không tin đó là cướp mà cứ nghĩ ma đè. “Cướp gì kỳ khôi vậy!” - Cậu rờ tay, hai khâu vàng vẫn còn y thinh, mừng ghê gớm. Nỗi mừng vừa dậy lên thì mặt cậu méo xẹo, cậu tìm quanh eo rồi khắp bộ đồ. Lấy đèn pin rọi tứ phía tìm nhưng vẫn không thể nào thấy được. Cái kim tây móc túi áo bà ba rách ra một mảng, chứng tỏ bọn cướp đã nhanh tay hơn cậu tưởng!

Cậu thất thểu về nhà. Má thấy cậu, kêu trời, “sao quần áo mầy tèm lem vậy Út?”. Cậu nói tỉnh rụi, như không có chút cảm xúc nào: “Cướp nó vật em, lấy cái bóp”. Má hoảng hồn kêu mở đèn sáng lên coi, coi cậu có sao không? Cậu lắc đầu không sao, không dấu tích gì bị thương, nhưng nhìn mặt thì thấy rõ nỗi mất của cậu to bằng cả gia tài vừa không cánh mà bay…

Cậu nói, trong bóp chỉ có mấy đồng lẻ thôi, đủ uống ly cà-phê xây chừng chứ gì. Cũng không có giấy tờ gì cả. Má thở ra, giữ được cái mạng là may mắn lắm rồi. Giọng cậu ngậm ngùi, day dứt: “Có những thứ mất đi không bao giờ tìm lại được đâu chị à!”. Má ngó cậu rồi nói nhỏ, “cậu bây khó hiểu quá!”.

Trằn trọc suốt đêm, sáng ra trước sân không thèm thể dục, đang rầu rĩ thì cậu thấy cái bóp nằm vất vưởng trên sân. Nhanh chân chạy ra lượm và lục lọi xem thì vẫn y nguyên không sót thứ gì, kể cả mấy đồng bạc lẻ. Cậu mừng như chết đi sống lại chạy vào nhà khoe với má. Má nói, đâu em đưa chị coi? Cậu lùi lại mấy bước, thôi, có gì đâu coi chị! Má lại quay sang nói nhỏ với mấy đứa con: “Má không thể nào hiểu nổi cậu của bây”.

Nhưng đó là lúc má không biết sự tình, hai hôm sau má nghe xóm thợ gặt xôn xao chuyện cậu giấu tấm hình người con gái lạ trong bóp với lời hẹn ước viết sau lưng ảnh. Má mừng húm chạy về nhà hỏi cậu cho ra lẽ. Cậu cười, tụi nó đồn khơi khơi, chị hơi đâu mà tin. Nhưng má không chịu, người ta nói rõ ràng như vậy, em muốn chị tin em thì đưa bóp chị coi. Cậu nhíu mày, đồ cá nhân người ta, chị coi là coi sao. Má thấy mình vừa bước hớ, nói với một câu, “ừ, thôi chị không coi!”.

Nỗi mừng của má ắt có nguyên do. Đứa em trai út nay đã tuổi bốn mươi, đầu lốm đốm vài chỗ bạc. Ông bà ngoại sống đến tuổi chín mươi chờ đứa con trai có vợ, nhưng không đợi hoài được, nên ông bà cũng quy tiên. Để lại má với lời dặn dò, dù ra sao, con cũng ráng lo cho thằng Út yên bề gia thất. Má lại đau đáu nỗi niềm ông bà ngoại, mang theo kè kè bên lòng như cậu lúc nào cũng kè kè bên là cái bóp da bò láng cóng.

Có đoạn, gặp ai quen má cũng sốt ruột hỏi, “nhà anh chị có đứa em cháu nào không? Mần mai cho thằng em Út của tui”. Cũng có mấy mối được má dẫn dắt, đôn đốc gần xong thì cậu lạnh lùng quăng vào người ta một câu như gáo nước: “Tui đã có người thương!”. Má giận, hỏi: “Người thương là ai đâu? Dắt về đây cho chị coi mắt liền tức khắc!”. Cậu lặng im không nói, chầm chầm mặt làm gì đó như để đốt cháy lời má vừa nói ra. Không thôi thì cậu lạnh lùng bỏ đi, như quăng lại sân nhà những câu chữ ngổn ngang má vừa mới dúi vào tai cậu.

Cậu sang tuổi sáu mươi, má thấy mình đã đuối trong cuộc cưới xin cho thằng em đầu bạc. Má bỏ cuộc bởi một phần sức khỏe không cho phép những cuộc đi tìm kiếm, hay những thất vọng đau lòng mỗi khi cậu thẳng thừng từ chối ai đó. Cảm giác như má sắp thực hiện được trách nhiệm nặng nề sau ba chục năm trời khốn đốn, đùng một cái vuột mất. Người ở trên cao ước vọng thành công rơi ầm xuống vũng sình lầy thất bại. Nhưng má nói:

- Không sao, má quen rồi! - Câu nói ấy thực ra là má an ủi tôi. Để từ đó sứ mệnh ngoại giao cho má, được má giao lại cho tôi. Như món gia bảo nặng nề trách nhiệm, bán không được mà giữ cũng khó lòng.
Tôi nhớ hồi nhỏ, những mùa nước lớn, ba má giăng câu đêm khuya, gửi tôi ở nhà với cậu. Hai cậu cháu ôm nhau ngủ. Cậu lấy cái bóp nhét dưới gối rồi thủ thỉ với tôi, nào con lớn, con nghe lời cậu đừng thương ai hơn thương mình, khổ lắm nghen con. Lời cậu lặp đi lặp lại nhiều lần, nên trí nhớ tuổi thơ đến giờ tôi vẫn còn in đậm. Chứ thực ra chuyện nhận định đúng sai, đến nay dẫu đã hơn tuổi cậu năm xưa nhưng tôi vẫn chưa thể nào hiểu hết ý cho được. Có lần ngồi nhắc chuyện cũ, lôi lời cậu ra nói, cậu cười: “Tao sáu mươi mà còn chưa hiểu nổi lời tao!”. Lúc ấy nụ cười cậu méo xẹo như đau một nỗi gì rất cũ, như tôi vô tình lấy cây củi khều lại vết thương lâu năm, làm hở ra một khung trời bụi bặm mà như chưa bao giờ khuất lấp.

Có bữa, thấy cậu ngồi trên võng đong đưa, tay cầm cuốn tiểu thuyết Tình yêu đâu phải là trò chơi đọc say sưa, má nói, công chuyện quỡn rồi, sao không làm gì đó đi. Cậu chắc hiểu ý má, nên nói vói lại, chờ mấy thằng cháu có vợ có con đề huề rồi tính. Câu chuyện sẽ không ăn nhập gì với nhau nếu không hiểu rằng má đang kêu cậu đi tìm lại người yêu năm xưa, coi có còn hy vọng nối lại mối tình…

Tôi nhớ, lần đầu đời bị thất tình, ngồi ở bến sông khóc ròng như trẻ nít. Cậu dỗ dành, thôi đừng khóc, đời con sẽ khổ cho coi. Rồi cậu kể chuyện tình cậu cho tôi nghe, bằng câu mở đầu: Bây giờ con đã hiểu, thế nào là “ruột núi lửa” của con người, thì cậu kể con nghe chuyện cũ… Chuyện rằng cậu và Người Ta (tên cậu đặt ra cho người cậu thương) có duyên mà không có nợ. Cậu tả rằng lần đầu gặp nhau trên đường tản cư tránh pháo, cậu nghe tim mình đập mạnh, hoa mắt, rần rần nóng như có cục lửa dâng lên trong cổ. Cậu gọi đó là cảm giác “sét đánh xuyên tim”, để rồi cậu yêu Người Ta, trong cái cảnh chiến tranh ly loạn. Người ta hay nói ghét chiến tranh, yêu hòa bình và khi nào bình yên mới nghĩ tới chuyện yên bề gia thất. Cậu nghe lòng rung động, nên tình nguyện lên đường cầm súng. Mấy năm sau yên bình trở về. Nuôi mộng gặp lại người xưa và cầu hôn.

- Nhưng đời thường không như tiểu thuyết đâu con! Nên tréo ngoe cẳng ngỗng.

Lúc cậu trở về, Người Ta đã đi rất xa. Cậu cố tìm mọi cách liên hệ nhưng không được. Đến mấy năm sau tìm được tin, thì giật mình nghe kể lại, Người Ta đã yên bề!

Cậu lặng lẽ từ bỏ cuộc truy tìm và dặn lòng phải cố tìm được người thương. Hai năm cậu nhào vô biết bao mối tình nhưng vẫn chập chờn bóng cũ. Cậu thấy không được rồi, nên quyết chí bỏ yêu iếc qua một bên. Cậu lấy em cháu ra làm con, nuôi nấng như con ruột của mình. Tôi và những đứa em, lớn lên trong vòng tay của cậu. Cậu nuôi nấng chăm sóc từng đứa một, bao nhiêu tiền bạc dành dụm hầu như đều rót đầy cho chúng tôi qua sữa, thuốc men, sách vở…

Đứa này sắp lớn thì đứa khác ra đời, phải chăng chúng tôi là những cái nợ, khóa chặt lòng cậu, không để cậu được yên để đi tìm hạnh phúc cho mình!

Tôi nghĩ ra được điều ấy khi cậu đã bước qua tuổi sáu mươi, “còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ!”. Nghe tôi hát vậy, cậu không chịu: “Tao còn khỏe như trâu!”. Tôi ôm cậu nũng nịu như hồi còn con nít được cậu cưng chiều: “Vậy cậu dắt con đi tìm Người Ta nghen!”. Cậu nạt: “Chi? Khùng hả mậy!”. Lúc đó, tôi nghe tim cậu đập loạn nhịp, rất nhanh. Thấy mình thử tim ông cậu như vậy hoài không được. Tôi quyết định không để những âu lo đè lên cậu nữa: Mình phải dời nhà!

Nhưng dời ra thị xã cách chỗ cậu một quãng xa, mười lăm cây số vẫn không ăn thua. Cậu mỗi ngày vẫn chạy xe ra thăm mấy đứa con tôi mấy bận. Cậu nói, nhớ mấy đứa nhỏ tao không chịu nổi. Má tôi rầy: “Kêu có vợ có con đi không chịu.” Cậu cười, ló ra hàm răng có mấy chỗ trống huơ: “Con cháu đầy đàn vầy còn thêm chi nữa, chị!”.

Lúc cậu nói câu đó, cũng là lúc má đã từ bỏ hy vọng cưới vợ cho cậu ở tuổi thất tuần. Tôi cũng thấy thôi rồi, còn chi mà chờ đám cưới cho cậu nữa. Lại lục đục trở về. Khi cơn ho của cậu kéo dài và nỗi lo dầy hơn trong mắt má.

Cậu nói: “Tao khỏe ru, đâu sao đâu”. Cậu vẫn còn bận rộn với mảnh vườn. Mấy con thỏ đòi mỗi ngày hai ba ôm rau muống. Bấy nhiêu đó đã đủ làm cậu quây quần hết ngày. Thời gian đâu mà nghĩ tới chuyện yêu đương.

Nhưng một tuần, cậu nói: “Cho tao giao mấy đứa nhỏ, nhà cửa, tao đi công chuyện”. Nghe có gì đó rất lạ, xưa nay cậu chỉ giành giữ cháu, giành làm công việc. Đâu bao giờ cậu nói có chuyện gì cần phải đi và giao nhà cửa lại cho tôi. Vậy là cậu lủ khủ đồ đạc vào ba lô, nói xong hôm trước thì hôm sau lên đường.

Gần một tháng đi ta bà, cậu về, nằm vật ra phản, thở phào như vừa làm xong phi vụ to tát lắm. Đêm, cậu nói lâu quá cậu cháu mình không ngủ chung. Vậy là tôi chui qua mùng cậu. Nghe cảm giác thân thuộc mấy mươi năm ùa về. Tôi như đứa trẻ ùa vào lòng cậu, say mê. Cậu kể, cậu đi tìm lại người xưa, khi nghe tin đồn rằng người xưa thật ra vẫn chưa chồng chưa con, vẫn sống vậy bên cháu con mà nghĩ rằng cậu đã chết trận lâu rồi. Cậu bắt đường dây liên lạc, Người Ta nghẹn ngào trong máy: “Mấy chục năm qua em phải chật vật mưu sinh cực khổ lắm anh biết không?”. Nghẹn ngào cậu hẹn Người Ta ở bến sông Trôi. Hôm đó cậu chuẩn bị sẵn tinh thần gặp lại người từng làm đau tim như sét đánh. Cậu nhuộm tóc, bận quần kaki, cố ra vẻ nhanh nhẹn như xưa. Túi chuẩn bị sẵn ít tiền bán thỏ hôm rồi, cậu nghĩ mớ này cũng đủ để Người Ta trang trải qua cơn khốn khó. Già rồi, thuốc men thì nhiều chứ ăn uống có bao nhiêu…

Nấp ở một góc chờ người đến như đã hẹn. Cậu mở cái bóp ra xem hình người yêu. Nói với lòng, cô ấy bây giờ chắc ốm hơn xưa chút, không sao, ốm vẫn không sao. Cô ấy giờ chắc tóc bạc rồi, cũng không sao. Sáu mươi mấy rồi còn gì… Cậu đang vẽ cho mình một bức chân dung, cơ bản vẫn trên hình Người Ta hồi ba mươi năm về trước… Mớ ý nghĩ “khổ sở, chắc nhà nghèo và đơn độc…” cứ dậy lên trong lòng, làm cậu thấy thương hơn biết bao người xưa cậu từng rung động.

Người Ta đến, có hai đứa cháu đưa đi, bước xuống xe hơi, tay trái đeo vàng lấp lánh, tay phải cầm cây gậy bốn chân. Người Ta dáo dác như tìm thứ gì đó mất mát. Cậu dụi mắt mấy lần nhìn cho thật kỹ, điện thoại cậu rung lên, số Người Ta đang gọi. Cậu không nghe máy, cố nhìn cho thật kỹ. Gọi đến lần thứ ba không thấy nghe máy, nắng đứng ở đỉnh đầu, Người Ta lại lên xe. Chiếc xe vù đi, tít tắp không còn thấy dấu vết nào, dẫu mới nãy là khói.

Kể đến đó, cậu nói hết chuyện rồi, và kết lại bằng một câu vô cùng mù mịt: “Khó hiểu thiệt hén!”.
Dạ, khó hiểu thiệt.

Đời mà mậy. Không nghe người ta hát sao: “Đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ”…

LÊ QUANG TRẠNG
 
;
;
.
.
.
.
.