Phát huy tối đa hiệu quả liệu pháp tâm lý

.

Bên cạnh phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dinh dưỡng…, liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng  tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Ảnh: M.H
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Ảnh: M.H

Ung thư không là dấu chấm hết

Phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối vào khoảng tháng 3-2017 trong đợt công ty cho đi khám bệnh định kỳ, chị N. (sinh năm 1971, trú quận Hải Châu) gần như không thể tin vào những gì bác sĩ đã kết luận. Bởi chị là một người rất biết chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên.

Nhớ lại ngày đầu đến điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, chị N. trải lòng: “Bác sĩ cho tôi vào phòng bệnh toàn người già, tôi sốc lắm, toan bỏ về nhà, nhưng rồi trấn tĩnh lại nghĩ những người già thế kia họ làm được, sao mình lại không?”. Thời gian sau, N. được bố trí ở chung phòng với những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn. Nhìn họ, chị cảm thấy được an ủi phần nào vì biết bản thân còn may mắn hơn nên cố gắng điều trị.

Vốn là một người mạnh mẽ, lạc quan nên chị N. chỉ mất một thời gian ngắn để chấp nhận sự thật về bệnh tình của mình. Chị có sở thích ca hát nhưng ngày trước, chẳng lần nào dám hát trước đám đông. Từ khi vào điều trị ở bệnh viện, gần như lần nào chương trình “Tiếng hát yêu thương” được tổ chức (do khoa Ung bướu tổ chức định kỳ hằng tháng), chị cũng hăng hái đăng ký hát.

Bà X. (sinh năm 1964, trú quận Hải Châu), hiện đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối vào năm 2012. Cũng như chị N., đến nay sức khỏe của bà X. khá ổn định. “Đã vào đây rồi tôi nghĩ mình sống nhờ bác sĩ thôi nên tôi tuân thủ phác đồ điều trị, yêu cầu dinh dưỡng của các bác sĩ khi điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, buổi sáng thì ngồi thiền tầm một giờ đồng hồ. Buổi tối trước khi đi ngủ thì uống ly sữa ấm cho dễ ngủ. Đặc biệt, sự quan tâm, hỏi han tận tình của các y bác sĩ (dù không thường xuyên) tiếp thêm cho tôi nhiều động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”, bà X. bộc bạch.

Suốt cuộc trò chuyện, bà X. không giấu niềm hạnh phúc khi nhắc đến chồng và ba cô con gái. Chị X. bảo: “Chồng tôi gần như lo hết mọi chuyện, biết chỗ nào có phương pháp gì hay là chở tôi đến ngay. Ba cô con gái thì rất thương mẹ, luôn quan tâm, chăm sóc, lo lắng, động viên tôi. Có thể thu xếp được là cả nhà lại cùng nhau đi cà-phê, tám gẫu, những lo lắng về bệnh tật vơi đi phần nào. Mà tôi luôn nghĩ không nên lo, vì lo lắng cũng không giải quyết được chuyện gì”.

Không nên giấu người bệnh

BS Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, liệu pháp tâm lý trong điều trị ung thư phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ - bệnh nhân - gia đình. Thường tâm lý người bệnh sẽ trải qua các giai đoạn: Sốc, phủ nhận, chấp nhận, trầm cảm, lo lắng, ổn định. Thông báo với một người rằng họ đã bị ung thư không hề đơn giản. Bác sĩ cần tìm ra phương pháp thông báo thích hợp nhất, để giải thích cho bệnh nhân hiểu ung thư không phải là chấm hết.

Cũng theo BS Tuấn Anh, bệnh nhân và người nhà cần hiểu rằng bệnh ung thư ai cũng có thể mắc phải. Và khi họ đến đây, các bác sĩ, điều dưỡng viên sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ, tìm ra phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân cải thiện cuộc sống cũng như kéo dài tuổi thọ, thậm chí là chữa khỏi bệnh. Tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng, hoàn cảnh và đặc điểm của từng bệnh nhân, từ đó sẽ có giải pháp trấn an, thuyết phục bệnh nhân bình tâm đối diện với bệnh tật, phối hợp với bác sĩ, tuân theo phương pháp điều trị.

Trong khi đó, theo BS Lê Quốc Tuấn, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, một tâm lý khá phổ biến ở Việt Nam là tâm lý giấu bệnh và nghĩ làm điều này tốt cho bệnh nhân. Nhưng thực tế, về lâu dài việc giấu bệnh khiến bệnh nhân không biết bệnh để tuân theo điều trị, không chuẩn bị được tâm lý đối diện với căn bệnh, dễ bị sốc nếu chợt nhận ra sự thay đổi của cơ thể trong quá trình điều trị…

Chính vì vậy, ngoài bản thân người bệnh thì sự đồng hành đúng cách của gia đình vô cùng quan trọng. Gia đình phải là nơi yêu thương, động viên, an ủi, chia sẻ với bệnh nhân; luôn đồng hành cùng bệnh nhân, không để bệnh nhân có cảm giác một mình chống chọi với bệnh tật và tệ hơn nghĩ mình là gánh nặng của gia đình.

BS Bảo cũng lưu ý, liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân còn thể hiện ở những chi tiết rất nhỏ như: không gian bệnh viện nên thay đổi theo hướng thân thiện, thoải mái hơn. Hay những hoạt động được tổ chức nhằm tạo ra sân chơi, nơi chia sẻ để giúp bệnh nhân vui vẻ, lạc quan, vơi đi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Và điều đáng mừng là hiện nay các bệnh viện đã bắt đầu chú trọng các yếu tố này. Như tại Bệnh viện Ung bướu, mỗi khoa đều có một tủ sách để phục vụ bệnh nhân và người nhà, riêng khu vực bệnh Nhi có phòng sách với nhiều đầu sách hay kèm đồ chơi.

Sắp tới, bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các câu lạc bộ bệnh nhân (mỗi câu lạc bộ là một nhóm bệnh nhân thuộc cùng một loại ung thư) để bệnh nhân có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau. Hay tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng thì trước mỗi phòng được trang trí bằng một chuông gió tạo thành từ  những chiếc lọ điều ước với mong muốn, gió sẽ mang những ước nguyện bay xa. Ngoài ra, tại đây còn có một kệ sách, một bàn cờ để bệnh nhân giải trí, thư giãn. Hằng tháng có chương trình “Tiếng hát yêu thương”; sáng thứ ba, thứ năm hằng tuần có lớp học yoga miễn phí,…

Chưa có một nghiên cứu, kết luận nào về việc liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư. Nhưng, theo kinh nghiệm của nhiều bác sĩ, “vấn đề tâm lý vô cùng quan trọng, thậm chí có trường hợp, có thể quyết định đến 80% hiệu quả của việc điều trị”, BS Bảo nói.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.