'Trẻ hóa' ung thư: S.O.S!

.

Một số bệnh ung thư nếu trước đây thường chỉ gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi thì gần đây đã xuất hiện ở những người còn rất trẻ.

L.T ước mong sớm lành bệnh để tiếp tục đi làm, chia sẻ công việc gia đình. Ảnh: V.T.L
L.T ước mong sớm lành bệnh để tiếp tục đi làm, chia sẻ công việc gia đình. Ảnh: V.T.L

Tai vạ từ trên trời rớt xuống

BS Đàm Minh Sơn lướt nhìn khắp phòng rồi đưa tay về phía một bệnh nhân, nói với tôi: “Đây là L.T, 25 tuổi, một trong 10 bệnh nhân trẻ đang được điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng”.

Một người phụ nữ từ hành lang đi vào, nét mặt khắc khổ với đôi mắt trũng sâu - dấu vết của chứng thiếu ngủ. Bà tự giới thiệu là mẹ của L.T, hiện ở làng Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Giọng bà trầm buồn xóa tan sự im lặng lưu cữu của căn phòng có mươi người đang mang trên mình “bản án tử hình”.

Đứa con của bà mẹ đơn thân ấy sau khi tốt nghiệp kỹ sư xây dựng đã tìm được việc làm. Hơn một năm trước, L.T bỗng dưng bị chứng đau bụng âm ỉ kéo dài nhưng không liên tục, do công việc bận rộn nên T. không đi khám bệnh. Đến khi đau bụng nhiều kèm theo trướng bụng, bí trung đại tiện, thì T. mới được mẹ đưa đi cấp cứu.

BS Sơn lướt qua hồ sơ bệnh án, cho biết: “L.T được chẩn đoán ung thư đại tràng sigma giai đoạn 4 gây biến chứng tắc ruột; do khối u quá lớn và giai đoạn bệnh đã muộn nên không thể cắt được khối u, bệnh nhân được phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo phía trên khối u. Sau phẫu thuật, L.T được chuyển qua khoa Ung bướu điều trị. Bệnh nhân đã điều trị được 4 chu kỳ hóa chất, tình trạng bệnh tạm ổn định”.

Từ khi phát hiện bệnh, L.T phải ra vào bệnh viện điều trị theo chu kỳ hóa chất 2 tuần 1 lần, kéo dài liên tục trong 6 tháng. Hóa trị có tác dụng phụ gây mệt và đau đớn nên L.T phải tạm dừng công việc. L.T là lao động chính trong gia đình, nhà đã khó khăn giờ lại phải lo toàn bộ số tiền điều trị bệnh, bà con họ hàng không ai khá giả để giúp nên lại càng khó.

Ở phòng dành cho bệnh nhân nữ, có T.T chỉ mới 17 tuổi, đang theo học một trường THPT ở thành phố Đà Nẵng. Hơn năm trước, em đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, không liên tục, thỉnh thoảng sốt nhẹ. Do đang tuổi ăn tuổi lớn, lịch học dày đặc, thêm cảnh nhà không khá giả gì nên em không nói cho ba mẹ biết về tình trạng sức khỏe của mình và cũng không đi khám bệnh.

Mới đây, em đau quặn bụng kèm theo nôn ói, sốt cao mới được ba mẹ đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua hình ảnh CT scan ổ bụng, BS phát hiện nhiều khối u lớn, nghi ngờ bệnh lý Lymphoma (ung thư hạch) nên đưa em vào khoa Ung bướu điều trị.

Ba mẹ biết rõ em bị bệnh rất nặng ở giai đoạn cuối với độ ác tính cao (theo lời BS dặn dò) nhưng không hé răng nói với em nửa lời vì sợ em bị sốc dẫn đến khả năng có thể điều trị được là rất thấp.

Bệnh nhân trẻ đến viện giai đoạn muộn

Về định nghĩa ung thư ở người trẻ tuổi, BS Lê Quốc Tuấn, Trưởng khoa Ung bướu (BV Đà Nẵng), dẫn tài liệu Hội Ung thư học Mỹ giải thích rằng đó là ung thư phát hiện ở độ tuổi từ 20-39. Ung thư ở người trẻ tuổi thường là kết quả của sự thay đổi gen diễn ra rất sớm trong đời, đôi khi ngay cả trước khi sinh. Không giống như nhiều bệnh ung thư ở người lớn, ung thư ở người trẻ tuổi không liên quan chặt chẽ đến lối sống hoặc các yếu tố rủi ro môi trường.

“Bệnh nhân ung thư trẻ thường đến viện ở giai đoạn muộn (3 hoặc 4), bệnh diễn biến nhanh và phức tạp kèm theo sức khỏe tinh thần sa sút thường do trầm cảm hoặc rối loạn lo âu khi xác định bệnh. Các đặc điểm phổ biến này dẫn đến hệ quả phải điều trị phối hợp đa mô thức và hỗ trợ nội khoa và tinh thần rất phức tạp, tốn kém”, BS Tuấn phân tích.

Ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, số liệu thống kê cho thấy trong 8.580 bệnh nhân thuộc 5 loại ung thư đứng hàng đầu (vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan-mật) được điều trị tại BV ở cả nam lẫn nữ thì phần lớn đều ở nhóm tuổi từ 41 đến 60 (chiếm 46,9%) và từ 61 đến 80 (36,9%). Bệnh nhân ung thư từ 21 đến 40 tuổi chỉ 8,1%; dưới 20 tuổi chỉ 0,5%. Tuổi nhỏ nhất được các BS chẩn đoán ung thư là 12 tuổi, mắc bệnh ung thư gan và đường mật trong gan.

Theo nhận định của TS.BS Nguyễn Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Ung bướu Đà Nẵng, nếu một số UT trước đây thường chỉ gặp trên các bệnh nhân lớn tuổi thì gần đây đã xuất hiện ở các bệnh nhân trẻ tuổi như UT phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng.

Về nguyên nhân bệnh nhân ung thư “trẻ hóa”, BS Nhân phân tích: “Tình trạng trẻ hóa này có thể là do người trẻ ngày càng tiếp xúc sớm với các yếu tố nguy cơ ung thư như: thuốc lá, rượu bia, lối sống, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, khoa học. Bệnh UT là bệnh mạn tính do tích lũy những yếu tố nguy cơ trong thời gian dài, cho nên tiếp xúc sớm và lâu dài với những yếu tố nguy cơ này góp phần làm gia tăng ung thư ở giới trẻ hiện nay”.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Có thể thấy, ung thư không trừ một ai, kể cả những người còn rất trẻ. BS Nhân khuyên giới trẻ khi có các dấu hiệu bất thường nên đi khám bệnh ngay. Một số loại ung thư có khả năng chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm. Vì vậy nên khám sức khỏe kết hợp tầm soát ung thư định kỳ để giảm thiểu nguy cơ và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

BS Tuấn bổ sung một số thói quen lành mạnh cần phát triển và duy trì ngay từ đầu đời để giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư trong suốt cuộc đời, như: đạt và giữ một trọng lượng khỏe mạnh; hạn chế thời gian ở ngoài nắng và sử dụng kem chống nắng; hạn chế có nhiều bạn tình và sử dụng các thực hành tình dục an toàn, có thể làm giảm nguy cơ nhiễm vi-rút u nhú ở người (HPV) và vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV); tiêm các loại vắc-xin dự phòng như vắc-xin viêm gan B, vắc-xin dự phòng ung thư cổ tử cung.

Trở lại với các bệnh nhân ung thư trẻ tuổi. T.T sắp tới sẽ phải trải qua quá trình hóa trị kéo dài với nhiều biến chứng. Với kinh nghiệm của thầy thuốc, BS Sơn chia sẻ rằng, nếu T.T biết tình trạng bệnh của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và sự phát triển của em về sau. Lo lắng, hoang mang, suy sụp, thậm chí có thể rơi vào tình trạng trầm cảm và có thể có những hành động thiếu suy nghĩ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của em. Nếu như may mắn em có thể điều trị khỏi, thì với độ tuổi của em, quay trở lại để hòa nhập với cuộc sống cũng sẽ là một thử thách rất lớn. Và đã có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi không thể quay lại cuộc sống bình thường sau điều trị ung thư.

L.T nói rằng mong sớm lành bệnh để tiếp tục đi làm, sớm lấy vợ để mẹ có con dâu chia sẻ công việc gia đình. Nhưng chừng như mong ước đó giờ đã ngoài tầm với, bởi tình trạng bệnh của em rất nặng, BS bảo khả năng điều trị khỏi không cao và quá trình điều trị sẽ còn rất dài...

 “Mặc dù phác đồ điều trị bệnh nhân ung thư trẻ tuổi nói chung không có thay đổi nhiều so với khi điều trị các bệnh nhân ung thư lớn tuổi, tuy nhiên do phát hiện ở giai đoạn muộn, nhiều bệnh nhân phải sử dụng đến những thuốc điều trị đắt tiền, chỉ có tác dụng giảm sự phát triển của bệnh, dẫn đến gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình.

Tác động lớn nhất ảnh hưởng đến xã hội là người trẻ chính là lực lượng lao động chính của gia đình, của xã hội. Khi phát hiện bị ung thư, bệnh nhân sẽ không còn đủ khả năng lao động, điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của chính bệnh nhân, gia đình họ và cho cả xã hội”.

TS.BS Nguyễn Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Văn Thành Lê
 

;
;
.
.
.
.
.