Ba người đàn bà

.

Đào đang sắp mâm chuẩn bị cúng cơm chồng thì thấy có tiếng người ngoài cổng vọng vào. “Đúng là nhà chú Sâm đấy. Nhưng chú ấy mới mất mấy ngày rồi. Chắc là cô đến thắp hương cho chú ấy đúng không? Cứ lên đi, chắc là vợ chú ấy ở nhà”. Đào rót nốt chén rượu, châm hương khấn chồng xong vẫn không thấy khách vào. Chắc có lẽ khách không thấy tiếng người ở nhà nên còn quanh quẩn đâu đó ngoài cổng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đào vội lau nước mắt, vừa bước chân ra sân đã thấy bóng dáng một người đàn bà bụng mang dạ chửa đứng cúi mặt ngoài gốc sung già. Chiếc nón rộng che gần hết khuôn mặt nên nhất thời Đào không nhận ra ai. Anh em hai bên nội ngoại gần kề thì chắc không phải rồi. Có thể là người quen của chồng, nhưng đang bầu bí thế kia nhẽ ra phải kiêng chứ. Nhà vừa có đám xong vẫn còn lạnh lẽo âm u lắm. Đào chưa kịp mở lời thì thấy người đàn bà bụng bầu toan bước đi. Trên tay cô ấy là chiếc ba lô cũ kỹ. Như là người ở xa tìm đến.

Người đàn bà vừa bước vào nhà đã quỳ sụp xuống ôm mặt khóc rưng rức. Vài tiếng “anh ơi!” bật ra như xé ruột. Cô ta vỗ vào ngực mình như muốn bật ra vài câu gì đó mà không thể. Nỗi đau đớn kìm nén trong từng tiếng nấc khan làm rung lên cả cơ thể nặng nề của một người đàn bà đã gần đến kỳ sinh nở. Trên bàn thờ hương khói thong dong. Trên di ảnh, người quá cố bình thản mỉm cười. “Giờ thì mẹ con em biết phải sống thế nào?”. Tiếng lọt qua tai, Đào mơ hồ nhận ra điều gì đó. Chị đứng tựa vào cửa cảm thấy như nghẹt thở. Bốn hôm trước, trong đám tang chồng, chị cũng đau đớn gào lên như thế. Biết bao nhiêu bàn tay đặt lên vai chị an ủi. Bao nhiêu tiếng người xót thương cảnh vợ góa con côi. Hai đứa con bé bỏng của Đào khăn trắng đội đầu ngơ ngác còn chưa hiểu hết thế nào về cái chết. Giờ có người đàn bà lạ đến nhà quỳ trước bàn thờ mà kêu khóc. Tự nhiên lòng Đào thấy rối bời. Hay là… Trời ơi! Có lẽ nào…
Người đàn bà quỳ khóc hồi lâu thì đứng dậy lau nước mắt nhìn Đào. Cô ta vân vê vạt áo, ấp úng mở lời:

- Em xin phép thắp cho anh ấy nén hương rồi đi ngay.

- Trời cũng tối và sắp mưa rồi. Nhà cô chắc là cũng ở xa. Bụng mang dạ chửa thế này đi sao tiện. Thôi thì cứ ở lại đây cái đã.

- Chị. Nếu biết em là ai chắc là chị chẳng dám giữ em đâu.

- Vì chưa biết cô là ai nên tôi không muốn để cô đi. Mà cô định đi đâu?

- Em… Thật ra em cũng không biết nữa.

Họ im lặng, loanh quanh nhìn nhau, không biết phải làm gì. Đào đi xuống bếp, nhà có khách thì phải nấu thêm cơm. Mà từ hôm chồng mất, Đào đâu còn lòng dạ nào để ăn uống. Có xuống bếp cũng vì nấu cơm để cúng chồng. Mẹ chồng ngất lên ngất xuống nên được mấy cô em chồng thay nhau đón về chăm sóc. Hai đứa con Đào cũng được đón đi để chúng không phải chứng kiến cảnh mẹ mình vật vã gào khóc. May còn có anh em hàng xóm ghé qua cho nhà đỡ quạnh. Đào ngồi xuống bếp thổi đống than sắp tàn cho lửa bùng lên. Miền Bắc chắc đang rét nàng Bân, lòng người góa phụ thêm se sắt. Đào bỗng nhiên quên béng người đàn bà lạ đang đứng chơ vơ trên nhà. Đào chìm vào dòng ký ức đau buồn. Hôm người ta gọi báo tin Sâm bị tai nạn giao thông, Đào cùng em chồng leo lên một chuyến xe nào đó. Một chuyến đi miên man, qua rừng, qua thành phố ồn ào, qua những đồi dứa trải dài... Sâm nằm ở ven đường được người dân phủ kín bằng một manh chiếu cũ. Đào hực lên một tiếng kêu gào “anh đi đâu vào đây? Anh làm gì ở mảnh đất này để chết thảm thế này?”. Người chết thì không thể trả lời. Câu hỏi chìm trong những tiếng khóc than. Đào gọi hồn chồng suốt chặng đường về. Nhưng tự nhiên bây giờ chị lại hoang mang nghĩ. Không biết lúc ấy chồng có theo mình về không? Mà đến tận bây giờ chị mới cảm thấy như anh đang quanh quẩn trong nhà. Hay là anh vừa mới về thôi? Theo ai đó mà về.

- Ới con ơi! Sao lại để lá vàng khóc lá xanh rơi thế này. Tuổi già của mẹ giờ biết cậy nhờ ai?

Mẹ chồng Đào đã về. Trông bà gầy xọp đi, nhăn nheo tiều tụy. Có vài ngày mà tóc bà bạc trắng, đi phải chống gậy thế kia. Đào chạy ra đỡ mẹ, ôm ghì lấy cơ thể nhẹ bẫng đang run lên bần bật.
- Thôi mẹ ạ. Để anh đi nhẹ nhõm. Mẹ còn có con và các cháu đây mà.

Đào dìu bà cụ bước lên từng bậc thềm vào nhà. Thoáng sững sờ khi thấy một người phụ nữ bụng mang dạ chửa ngồi trong nhà với chiếc túi xách quần áo đặt dưới chân giường, bà đưa mắt nhìn Đào. Ba con người nhìn nhau im lặng. Bà cụ nhìn lên ảnh của con hức lên vài tiếng.

- Thưa bà. Con đến thắp hương cho anh Sâm ạ.

- Cảm ơn cô. Nhưng cô là thế nào với thằng Sâm nhà tôi? Chắc không phải là đồng nghiệp đúng không? Hôm đám tang, cơ quan cũng về viếng đông đủ cả.

- Vâng ạ. Con… Con là…

Người đàn bà ôm lấy bụng mình, bật khóc. Thời gian trôi qua lặng lẽ, mọi ánh mắt đều hướng ra sân nơi bóng tối đang sầm sập tới. Vài tiếng chim về vườn trú ngụ trong những tán cây. Đàn gà cũng tíu tít về chuồng. Bên nhà hàng xóm, vợ gọi chồng, cha gọi con về ăn cơm tối… Trong căn phòng này, dường như chỉ nghe “tiếng” khói hương.

Người đàn bà lạ nói trong mờ mịt tối. “Đứa con trong bụng em là máu mủ của anh Sâm chị ạ”. Tiếng nói vừa nhẹ như bấc vừa nặng như chì. Một tiếng kêu khô khốc vang lên dưới nền nhà. Chiếc gậy của bà cụ vừa rơi khỏi tay. Sau vài giây không gian như đông cứng lại thì tiếng khóc vang lên, lời ai oán của bà cụ như dao đâm vào ruột gan Đào.

Hai bàn tay đan vào nhau, Đào cúi mặt miên man nghĩ về cung đường mà chồng mình đã đi và bỏ mạng. Hóa ra đó là con đường ngoại tình, dối gian, vụng trộm. Chắc anh không thể nào ngờ có một ngày mình sẽ nằm lại trên con đường đó. Để người đưa xác anh về không ai khác ngoài Đào - một người vợ bị chồng phụ bạc mà không hề biết. Đào cay đắng bẽ bàng khi nghĩ đến gần mười năm về nhà này làm dâu. Vì Sâm là dân xây dựng, nay đây mai đó nên những ngày tháng chị được gần chồng ít ỏi vô cùng. Mới cưới nhau về Sâm đã đi biền biệt. Nghe thiên hạ bảo dân công trình “cơm chợ vợ đường” nhưng Đào không muốn tin...

Lấy nhau suốt bốn năm đầu Đào không có con. Hằng ngày, đến trường mầm non trông nom những đứa trẻ đáng yêu, Đào chạnh lòng lắm. Chị chỉ ước giá như có một mụn con để sớm tối vui vầy thì ngày có lẽ sẽ bớt dài. Suốt những năm tháng ấy Sâm thưa thớt về nhà ngay cả khi mẹ già đau yếu. Đào không chút hoài nghi, thay chồng chăm mẹ, sớm tối tảo tần. Hết việc ở trường thì quanh quẩn vườn tược, bếp núc, trông cho ngày chóng tàn. Niềm vui của Đào khi ấy là thấy mẹ già mỗi bữa ăn ngon, đêm nằm sâu giấc, bớt dần phụ thuộc thuốc thang. Là mỗi ngày Sâm gọi điện về nhà một lần hỏi “Đã ăn cơm chưa? Mẹ có khỏe không? Bọn trẻ ở trường có ngoan không?”. Ngày nào cũng từng ấy câu hỏi mà Đào vẫn mong ngóng tiếng chuông reo. Rồi thì Đào có bầu, đứa con gái đầu lòng ra đời kéo Sâm về thêm một năm vài lần.

Mẹ chồng mừng lắm, cứ ước ao “biết đâu thằng Sâm tìm được việc ổn định ở gần rồi sẽ xin về hẳn”. Lần nào nghe chuyện về gần Sâm cũng cắt ngang “mẹ tưởng con thích nay đây mai đó hay sao. Ăn ở công trình cực lắm. Nhớ nhà nhớ quê mà chẳng biết làm sao”. Đào nghĩ thương chồng, không bao giờ dám trách móc một câu. Vài năm sau Đào sinh thêm một cô công chúa, Sâm tặc lưỡi bảo “giá có được một cậu con trai nối dõi thì tốt biết bao”. Mẹ chồng cười “con nào chẳng được. Máu mủ của bà là bà thương hết”. Tất cả mới như ngày hôm qua mà giờ người nằm dưới mộ chưa chắc yên lòng, kẻ sống trên trần bao chuyện rối bời. “Con ơi là con. Con đi rồi còn để lại tai tiếng thế này. Vợ con con biết phải gánh làm sao?”. Đào ôm lấy mẹ già, chị hực lên một tiếng nấc khan. “Thôi mẹ ạ…”.

- Cô gì ơi. Con tôi thì đã mất rồi. Người chết hết nói. Tôi cũng không biết đứa con trong bụng cô có phải là máu mủ nhà này hay không. Tôi cũng chỉ có một cô con dâu cưới hỏi đoàng hoàng, thờ chồng phụng dưỡng mẹ già. Giờ cô ở lại đây không tiện. Lời ra tiếng vào con dâu cháu nội tôi biết sống làm sao. Nhà tôi cũng chẳng giàu có gì. Thôi thì có ít tiền phúng viếng ma chay cô cầm về quê mà sinh nở.

- Nhưng bà ơi, con vốn là trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Giờ cũng chẳng biết về đâu. Anh Sâm có hứa lo cho hai mẹ con, thế mà giờ chỉ còn hương khói thế này. Con cũng chẳng biết phải đi đâu nữa. 
Đào bất chợt ngẩng lên, chị như thấy Sâm về đứng ngay trước cửa nhà nhìn mình trân trối. Ánh nhìn buồn vời vợi như hối lỗi, như còn trăn trở điều gì. Đào định cất tiếng gọi thì hình bóng mất đi, chỉ còn lại cơn gió ập vào nhà lạnh lẽo. Chị đứng dậy, châm hương, khẽ thở hắt ra trước tiếng khóc thút thít của người đàn bà lạ.

- Thôi mẹ ạ. Cô ấy chắc cũng chẳng còn chỗ nào khác để đi nên mới về đây. Dù gì cũng là máu mủ nhà này đuổi đi đâu được. Cùng phận đàn bà nương vào nhau mà sống. Con chẳng nghĩ ngợi gì đâu xin mẹ đừng lo. Mấy hôm nữa là cúng tuần thất cho anh Sâm rồi. Để anh đi thanh thản. Mẹ ạ.

Những tiếng khóc ri rỉ, rưng rức luồn qua bầu không gian tối sẫm. Giờ Đào mới để ý nhà chưa bật điện. Cơm canh cúng cũng đã nguội tự bao giờ. Đào giục người đàn bà đi rửa mặt, thay quần áo. “Trời lạnh rồi mặc phong phanh thế đâu có được. Sắp sinh rồi càng phải giữ gìn”. Mâm bát đã dọn ra nhưng không ai cầm đũa. Đào không nhớ mấy ngày qua mình ăn uống thế nào, như chợt nhớ ra điều gì liền quay sang hỏi:

- Mà em tên gì ấy nhỉ?

- Em tên Mai chị ạ.

- Ừ. Mai à? Thôi ăn đi kẻo đói. Kìa mẹ! Mẹ cũng ăn đi ạ. Mẹ ăn còn lấy sức trông cháu nội. Mẹ mà ốm ra đây chúng con biết phải cậy nhờ ai.

Vũ Thị Huyền Trang

;
;
.
.
.
.
.