Bảo vệ môi trường từ học đường

.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng đe dọa đến môi trường sống, các bạn học sinh, sinh viên (SV) ở Đà Nẵng đã chung tay nói không với rác thải nhựa… Việc làm đó không chỉ góp phần gìn giữ một môi trường sống trong lành mà còn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Hoạt động đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh của Đội Tiền phong – Đoàn Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.
Hoạt động đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh của Đội Tiền phong – Đoàn Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.

Sinh viên đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh

Đầu tháng 4-2019, Đoàn trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) thông báo tổ chức đợt 2 về dự án mang tên “Chuyến bay 71” đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh nhằm mục đích hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm quyên góp quỹ giúp đỡ sinh viên nghèo khó tiếp tục đến giảng đường.

Trần Thị Lệ Quỳnh, SV năm 3, Trường ĐH Kinh tế, Trưởng dự án đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh cho biết: “Trong những năm gần đây, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng được quan tâm và trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Trung bình mỗi năm trên thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, và phải mất từ 500 đến 1.000 năm để phân hủy. Vì vậy, hơn bao giờ hết chúng ta phải chung tay ngăn chặn những hành động phá hủy môi trường ấy. Đó là lý do Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường”.

Theo đó, trung tuần tháng 3-2019, hoạt động đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh được các SV thực hiện trong vòng 2 tuần lễ. Có hơn 100 chai thủy tinh đã được đổi lấy hơn 10kg chai nhựa. Những chai nhựa đựng nước đến giảng đường hằng ngày đã được các SV Trường ĐH Kinh tế thay bằng chai thủy tinh đựng trong túi vải xinh xắn, có thiết kế đẹp để SV có thể tự ghi hoặc ký tên mình góc túi.

“Bảo vệ môi trường là vấn đề bức thiết nên chúng tôi muốn cùng với hoạt động gây quỹ giúp bạn khó thì còn chung tay làm một điều gì đó thay đổi ý thức của các bạn SV trong việc bảo vệ môi trường. Vui nhất là chương trình còn nhận được nhiều sự ủng hộ từ các anh chị cựu SV và các bạn SV đến từ các trường khác”, Quỳnh nói.

Sân trường không rác thải nhựa

Hai năm học trở lại đây, cổng Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà) luôn duy trì tấm biển nhỏ khuyến khích học sinh không mang túi nilon, hộp xốp đựng thức ăn vào sân trường. Thầy Nguyễn Trần Tấn Quốc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước tình trạng rác thải nhựa sau mỗi buổi đến trường các học sinh mang theo thức ăn gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan sân trường, nhà trường đã có chủ trương khuyến khích các em không sử dụng rác thải nhựa.

Để thực hiện, nhà trường lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường trong các buổi chào cờ hằng tuần; triển khai kế hoạch đến các tổ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để giáo viên tăng cường nhắc nhở các em, lồng ghép thêm về tác hại của rác thải nhựa vào các tiết học liên quan như môn sinh học, hóa học, giáo dục công dân…

Đội sao đỏ cũng thực hiện nội quy chấm vệ sinh các lớp, trừ điểm thi đua nếu phát hiện lớp có sử dụng rác thải nhựa. Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu căng-tin không sử dụng các vật liệu nhựa như túi nilon, hộp xốp để đựng thức ăn bán hằng ngày cho học sinh.

Song song với các hoạt động tuyên truyền kể trên, nhà trường còn tổ chức cuộc thi sáng chế từ đồ tái chế, cho học sinh tham gia ngoại khóa ngắm voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, làm vệ sinh các di tích lịch sử…; từ đó hình thành trong các em ý thức bảo vệ môi trường sống.

Em Phạm Phương Chi, học sinh lớp 9/2, Liên đội phó Liên đội Lý Tự Trọng cho biết: “Em thấy việc không sử dụng túi nilon, hộp xốp để đựng thức ăn là rất tốt cho môi trường. Chỉ cần mỗi bạn mỗi sáng dùng một hộp xốp là thùng rác nhà trường đầy ngập, gió thổi bay lung tung nhìn rất mất vệ sinh. Trước đây ở nhà mẹ em cũng hay tích trữ túi nilon sau mỗi lần đi chợ về để dùng dần nhưng sau khi được tham gia các chương trình ở trường, em về nhà nói với mẹ về tác hại của rác thải nhựa. Mẹ em và cả nhà đã hạn chế dùng túi nilon. Ở trường hoặc ở khu dân cư em sinh sống, mỗi lần có dịp em đều tuyên truyền cho các bạn về tác hại của rác thải nhựa để mọi người cùng hạn chế sử dụng”.

Việc lồng ghép bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục của thành phố là một mục tiêu của Đà Nẵng trong xây dựng thành phố môi trường vào năm 2020. Thầy Tấn Quốc chia sẻ, việc khuyến khích học sinh bảo vệ môi trường nhằm chung tay xây dựng thành phố môi trường theo chủ trương của thành phố, nhưng hơn thế là hình thành ý thức bảo vệ môi trường bền vững trong mỗi học sinh.

Thiên Lam
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.