Biển đã thật gần

.

Tình cảm với không gian sống là thứ tình cảm tự thân của mỗi con người. Bãi cát ấy, làn nước xanh trong ấy là tài sản chung của cộng đồng bản địa. Họ đã “trao đổi chất” với nó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mới thấy, mở lối xuống biển cho người dân là chủ trương đậm tính nhân văn của thành phố Đà Nẵng.

Người dân địa phương và du khách thong dong xuống biển trên con đường công cộng sạch, đẹp và xanh mát (Ảnh chụp ngày 25-4). 			Ảnh: QUỲNH TRANG
Người dân địa phương và du khách thong dong xuống biển trên con đường công cộng sạch, đẹp và xanh mát (Ảnh chụp ngày 25-4). 

Đà Nẵng đang vào mùa du lịch. Thành phố đón những tia nắng đầu ngày với đủ mọi âm thanh từ tiếng xe cộ, tiếng rao, tiếng trò chuyện bên những ly cà-phê sớm và cả tiếng cười giòn tan của từng nhóm người í ới gọi nhau ra biển tập thể dục. Mới 4 giờ sáng, lối đi xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương đã rộn rịp người, xe.

Con đường dẫn xuống biển trông thật nhẹ nhõm với bầu trời, bãi cỏ xanh, biển cũng xanh, phía xa hàng dừa kiêu hãnh vươn mình đón làn gió mát rượi. Mặt đường được lát đá thẳng tắp, sạch tươm. Tiếng nói cười râm ran, câu chào nhau buổi sáng của người dân địa phương càng thêm đậm đà. Con đường như bừng tỉnh sau một đêm dài…

Lối xuống biển nối từ đường Hồ Xuân Hương dài 445m, rộng 15m, trong đó lối đi bộ rộng 5,7m do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Để có lối xuống biển này, lãnh đạo thành phố đã nỗ lực làm việc với các doanh nghiệp, chủ đầu tư để thương thảo tìm được sự đồng thuận.

Kết quả của quá trình đó, lối đi xuống biển này được đưa vào sử dụng từ sau Tết Nguyên đán 2019, có bãi đậu xe, lát đá granite định vị cho người khuyết tật trên vỉa hè và có cây bụi trang trí. Sát mép biển được bố trí vòi rửa chân.

Ông Luận (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) khoan khoái cười: “Con người tồn tại được nhờ những niềm vui sống gần gụi nhất, như mỗi ngày được hít thở không khí trong lành, trò chuyện với những gương mặt thân quen, bước đi trên những lối quen thuộc. Một thời gian dài, dân cư phường Khuê Mỹ phải đứng “ngoài cuộc vui” khi chúng tôi không được tự do lang thang trên bãi tắm của địa phương. Ở nhà ngó ra thấy biển mà bà con phải đi qua bãi tắm Sao biển (thuộc phường Mỹ An) hoặc bãi tắm T20 (thuộc phường An Hải Đông). Từ hồi ra Tết tới nay, lối đi này được đưa vào sử dụng, chúng tôi rất phấn khởi”.

Cùng với ông Luận là ông Ân, ông Luân, bà Tài, bà Tiến…, những người xem việc đi biển sớm mai như thói quen không thể bỏ. Dạo này, những chiếc xe đạp theo ông bà hơn 10 năm nay được cho “nghỉ hưu” sớm. Chúng không còn tác dụng nữa vì chỉ cần đi bộ dăm ba chục mét là chủ nhân của nó đã ra tới biển. 3 tháng chưa thể so với hơn 10 năm dài chờ đợi, nhưng với người dân địa phương, đó là một tín hiệu vui khi lãnh đạo thành phố đã thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Không có gì đo được tình yêu quê hương xứ sở trong lòng mỗi người.

Từ cuộc họp HĐND thành phố năm 2015, trước những phàn nàn của người dân, lãnh đạo thành phố đã khẳng định: Kiến nghị của người dân về việc lấy lại bãi tắm cho dân hưởng thụ là rất đúng. Chủ trương mở lại các lối đi xuống biển cho nhân dân được thông qua tại phiên họp thường kỳ của HĐND vào giữa tháng 5-2018. Ngay sau khi chủ trương này được đưa ra và qua nhiều nỗ lực của chính quyền thành phố, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, người dân Đà Nẵng đã có lại những lối xuống biển thay vì phải đi nhờ các khu nghỉ dưỡng ven biển.

Những ngày đầu lối đi được đưa vào sử dụng, bước chân của người dân hãy còn ngại ngùng. Bà Mỹ (trú phường Mỹ An) kể, thấy con đường đẹp quá, sang quá, bà và một số người không dám đi, sợ đó là lối giữa hai khu nghỉ dưỡng chứ không phải lối đi cho người dân. Đứng trước tấm bảng “Lối đi công cộng xuống biển” bà đọc đi đọc lại mà vẫn sợ bị nhầm. “Giờ thì chúng tôi quen thuộc rồi, bà con ai cũng mừng hết. Người dân phường Mỹ An, Khuê Mỹ xuống biển gần và thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể đi bộ hoặc đạp xe trên những lối đi không “độc quyền” này”, bà cười tươi nói.

Về làm dâu xứ này ngót nghét 15 năm, chị Anh (trú đường Trần Văn Thành, phường Khuê Mỹ) thân quen với nhịp sống trong trẻo của biển mỗi sớm mai. Nhà chồng sát biển, hồi mới cưới, sáng nào chị cũng tranh thủ ra biển mua mớ cá tươi vừa được ngư dân kéo lên. Những rổ cá ánh sắc xanh của biển được mua bán tấp nập trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi của ngày mới.

“Hơn chục năm trước, bãi biển này tuy hoang sơ nhưng rất đông vui. Người dân địa phương giữ xe, xây nhà tắm nước ngọt, bán cơm trưa gần bờ biển… Chúng tôi sáng tắm biển, chiều tắm biển. Hồi bờ biển bị rào lại, đường vòng nên biển gần mà hóa xa, một thói quen đẹp phải từ bỏ. Nói thật, từng có khoảng thời gian dài tôi không còn ra đến biển…”. Câu chuyện của chị Anh hãy còn mới đây thôi nhưng thực sự đã kép vào quá khứ. Giờ đây, biển đã lại ở thật gần bên chị và những người dân nơi này khi 5 “lối đi công cộng xuống biển” tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn đang thành hình trong sự phấn khởi của tất cả.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.