Dòng sông hoa đăng

.

Khi cái nắng đầu hè hầm hập dội lên đầu cũng là lúc dòng sông Thạch Hãn chảy ngang thị xã Quảng Trị tấp nập đón khách thập phương về thăm viếng. Những trận đánh ác liệt của mùa hè đỏ lửa 1972 trên dòng sông hiền hòa này lại hiện về rõ mồn một trong ký ức những đồng đội cũ. Ngày ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã bất chấp hiểm nguy, bí mật vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiến công hiển hách và không biết bao nhiêu người trong số họ vĩnh viễn hóa thân cùng sông núi cỏ cây nơi đây...

Rất nhiều bè hoa được người dân và du khách thả trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh tư liệu
Rất nhiều bè hoa được người dân và du khách thả trên sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh tư liệu

1. Đã bao lần về thăm quê nhưng lắng lại trong lòng tôi vẫn là những tâm trạng khác nhau. Đặc biệt, năm nay, hòa trong dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2019), Quảng Trị kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh (1-7-1989 – 1-7-2019) và 47 năm Ngày giải phóng tỉnh nhà (1-5-1972 – 1-5-2019), dòng sông Thạch Hãn dường như trong xanh và sâu lắng hơn.

Dịp lễ hội năm nay, người dân Quảng Trị đón rất nhiều đoàn khách phương xa về, họ là người thân của liệt sĩ, là cựu chiến binh từng chiến đấu trên mảnh đất khói lửa này, tất cả cùng tập trung ở bờ nam sông Thạch Hãn dâng hoa tưởng nhớ những người đã hy sinh cho quê hương có được hòa bình như hôm nay.

Từ bờ nam nhìn qua bờ bắc bên kia sông Thạch Hãn, cảm xúc thiêng liêng về ký ức của những trận đánh năm nào vẫn còn in dấu trên dòng sông hoa đăng. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của nhà thơ Lê Bá Dương “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Mỗi lần trở lại vùng đất này, cựu chiến binh Lê Bá Dương từng tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị, đều rơi nước mắt vì đồng đội vẫn còn nằm dưới lòng sông. Để tưởng nhớ đồng đội mình, ông đã lặng lẽ thả những nhành hoa xuống dòng Thạch Hãn.

Ban đầu ông chỉ hái hoa dại, hoa rừng. Đến năm 1987, ông về lại Quảng Trị, vào chợ mua hoa rồi thuê thuyền lênh đênh trên dòng Thạch Hãn. Câu chuyện xúc động giàu chất nhân văn của ông đã lan nhanh khắp thị xã Quảng Trị. Người dân thị xã không ai bảo ai đều ra bến sông từng nhuộm đỏ máu, thả hoa viếng các liệt sĩ. Nhiều gia đình đã tự trồng những vườn hoa để đến ngày rằm hoặc lễ, Tết cắt đưa đi viếng, thả hoa trên sông Thạch Hãn tri ân tưởng nhớ các liệt sĩ.

Nghĩa cử thả hoa được khởi nguồn từ cựu chiến binh Trung đoàn 27 này đã lan rộng tới các tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Trị đã nâng nghĩa cử ấy lên thành lễ hội “Đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn. Đáp ứng nguyện ước tâm linh ấy, một dự án xây dựng Khu tưởng niệm ở Quảng Trị để hương khói cho vong linh đồng bào, chiến sĩ được quy hoạch.

Nằm trong tổng thể quy hoạch đó, năm 2007, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã xin phép tỉnh Quảng trị đầu tư xây dựng hạng mục Bến thả hoa nối dài ra phía lòng sông tại bờ kè phía Nam Thạch Hãn. Từ một dòng sông huyền thoại nhuộm đầy máu đỏ trong khói lửa chiến tranh, nay trở thành dòng sông linh thiêng lung linh sắc màu của những “Đêm hoa đăng”.

2. Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, vì thế trong thư tịch còn được gọi là sông Quảng Trị, còn dân Quảng Trị từ xưa quen gọi là sông Hàn: “Chẳng thơm cũng thể hương đàn/Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”. Thạch có nghĩa là đá, còn Hãn có nghĩa là sự ngăn chống; tên Thạch Hãn có thể được lý giải rằng, do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi tiết ra thành dòng chảy và tên sông được đặt theo đặc điểm này.

Với chiều dài 155km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn (đoạn gần thị trấn Khe Sanh) nên lượng phù sa do sông mang đến không nhiều. Trừ những ngày lũ lụt, nước sông trong xanh và có thể nhìn thấy đáy. Từ xưa cho tới nay, sông Thạch Hãn luôn đóng vai trò quan trọng trong huyết mạch giao thông đường thủy và cung cấp nguồn nước cho các vựa lúa chính của tỉnh như Triệu Phong, Hải Lăng.

Ngày xưa, nhà Nguyễn đã am tường cái lợi hại của “dòng sông đá” này như một hào thành tự nhiên bảo vệ thành Quảng Trị. Chẳng thế mà khi Hoàng đế Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh đồng) vào năm 1835 và khánh thành vào ngày 1-3-1837, đã cho khắc hình sông Thạch Hãn vào một trong 9 cái đỉnh này. Hiện nay, chiếc đỉnh này được bày ở sân Thế miếu thờ các đời vua Nguyễn ở Huế.

Lịch sử của tỉnh Quảng Trị cũng gắn liền với lịch sử của dòng sông Thạch Hãn. Tuy là vùng đất hẹp, ít đồng bằng màu mỡ nhưng nơi đây là cái nôi của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiệt xuất.

Đặc biệt, mùa hè đỏ lửa năm 1972, trong chiến dịch Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn đã chứng kiến nhiều kỳ công bám cầu, bám sông, mở đường Nam tiến dưới mưa bom bão đạn của các chiến sĩ bộ đội miền Bắc. Từ ngày 28-6 đến 15-9-1972, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bám chốt ngăn chặn cuộc tiến công tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, cũng như để tạo sức ép cho bàn hội nghị Paris, họ đã tiếp tế nhân lực, vũ khí qua con sông này và đã có rất nhiều người lính vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông ở độ tuổi mới mười tám, đôi mươi.

Ngoài hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường Chín thì sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị được xem là những nghĩa trang không mộ của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại trên vùng đất linh thiêng này.

Hằng năm, cứ vào dịp ngày rằm, người dân quê tôi vẫn thường làm lễ thả hoa đăng như một nghĩa cử cao đẹp của thế hệ sau tri ân những người con trên khắp đất nước đã ngã xuống trên quê hương mình. Hoạt động này dần trở thành “sản phẩm du lịch tâm linh” độc đáo thu hút khách du lịch thập phương đến với thị xã Quảng Trị.

3. Lần đầu tiên, tôi được một người bạn chở qua thăm bến thả hoa bên kia sông ở bờ bắc. Ngày xưa, bên này là một bãi nương trồng ngô, lúa, dưa hấu trù phú. Muốn qua bờ bắc, người dân phải đi đò. Còn vào mùa hè nước cạn, học sinh bờ bên này vẫn có thể lội sang bờ bắc chơi.

Bây giờ, cầu Thành Cổ đã được xây dựng bắc qua sông, khu vực này được quy hoạch hình thành những khu phố mới khang trang, trở thành phường An Đôn của thị xã tạo cho đôi bờ Thạch Hãn thêm đông vui hơn. Nhà thơ Trần Bạch Đằng đã viết “Hễ có Việt Nam có Cổ thành. Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh. Huân chương khó đủ từng viên gạch. Tấc đất từng giây mỗi lá cành”.

Đi trên con sông ngắm nhìn những màu cỏ xanh, chợt giai điệu bài hát Cỏ non Thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền càng gợi thêm trong tôi niềm xúc động và thêm biết ơn những người đã ngã xuống trên mảnh đất quê mình.

Đèn lồng Hội An sáng lung linh trên dòng sông Thạch Hãn. Ảnh: Đ.LƯƠNG
Đèn lồng Hội An sáng lung linh trên dòng sông Thạch Hãn. Ảnh: Đ.LƯƠNG

Ca khúc ra đời trong một chuyến đi thâm nhập thực tế ở đất lửa Quảng Trị của nhạc sĩ Tân Huyền cùng với các nhạc sĩ Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh... Hồi ấy Thành Cổ còn hoang sơ, chưa có tượng đài, chưa có bảo tàng như bây giờ, chỉ toàn cỏ với cỏ. Vào một buổi sớm mai, nhạc sĩ Tân Huyền đang đi loanh quanh trong thành thì gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Trong câu chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Lập với đại ý rằng: “Anh Huyền ơi, cỏ lên xanh đẹp thế này, nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống. Có khi chỉ lật nhẹ lớp đất là có thể bắt gặp ngay hài cốt ở dưới. Anh cố gắng viết cái gì về sự hy sinh này...”. Câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập đã gây xúc động mạnh cho nhạc sĩ Tân Huyền và tạo nên cái tứ của bài hát với giai điệu đầy xúc động “Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào, người vợ nào.... ngậm ngùi nuốt lệ. Khi chồng con không trở về…”.

Mùa hè này, dòng sông Thạch Hãn dường như yên bình hơn dưới những ánh đèn hoa đăng. Như một lẽ tự nhiên, tôi cũng như bao người con xa quê khác trở về thăm lại dòng sông quê mẹ sau bao năm phiêu bạt quê người. Bởi “Sông Thạch Hãn muôn đời vẫn chảy như nghĩa tình tôi với quê hương…

Cho dẫu ở phương trời phiêu bạt nhưng suối nguồn nào cũng về với Biển Đông” (bài hát Nhớ về Quảng Trị - Nguyễn Tất Tùng phổ thơ Tạ Nghi Lễ). Nhìn những chiếc đèn lồng treo dọc lối trên phố đi bộ, vốn được UBND thành phố Hội An tặng năm 2018, lòng tôi rộn niềm vui khi quê hương đang đổi thay từng ngày. Và để có được những đêm thanh bình như hôm nay chúng ta không thể nào quên sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ đã ngã xuống, máu của các anh đã hòa vào dòng nước đang chảy dưới lòng sông Thạch Hãn quê mình!

Ghi chép của Đoàn Hạo Lương

;
;
.
.
.
.
.