Nhớ thương làng cũ

.

Khách đến làng tôi bây giờ dễ lạc lối, khó tìm người hơn hẳn. Bởi làng đã chia thành hai: làng mới, làng cũ. Những nếp nhà ở làng cũ dần thưa thớt, đồng ruộng cũng bớt lao xao.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tiếng ông trưởng thôn vang lên đều đều: “Làng ta thuộc diện di dời, tránh nạn sạt lở. Đầu năm sẽ triển khai dự án. Những nhà xóm trên, gần ngã ba sông đều bắt buộc phải rời đi. Nơi ở mới thì huyện đã thông qua, Ủy ban xã cũng đang làm thủ tục, mọi người chuẩn bị tinh thần để việc di dân bảo đảm suôn sẻ. Ngoài đất, chính quyền còn hỗ trợ mỗi gia đình 30 triệu đồng để ổn định cuộc sống”. Vậy là trong nửa năm đầu, hơn 10 hộ xóm trên bỏ lại nhà cửa, vườn tược, đến quần tụ ở khu đất mới cách làng tầm 2 cây số.

Làng tôi có cái tên thật đẹp: làng Bích Giang (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Nhiều cụ ông cụ bà mỗi lần hội đình đều trầm trồ: “Cụ tổ làng ta ngày xưa thật tinh thông khi chọn địa thế lập làng. Lưng tựa vào sông, mặt hướng ra đồng, mong cho con cháu sau này đều đủ đất, đủ nước mà làm ăn suôn sẻ, mùa màng bội thu”.

Còn nhớ, cứ mỗi dịp xuân về, những ngôi nhà già nua dần trẻ lại. Mỗi nhà chọn mỗi màu, nhưng đều được sơn phết tỉ mỉ, trở nên sạch sẽ tinh tươm. Rồi từng khoảnh đất trống trước nhà sẽ được lấp đầy bởi đủ thứ hoa mùa xuân như hoa đồng tiền, hoa vạn thọ, hoa lay ơn... Hàng rào thì nhà nào cũng trồng cây xanh để tạo hình đắp lối. Có những cánh cổng được tạo hình rồng phượng bằng khóm dâm bụt xanh um. Lại có lối được phủ đầy bởi dây tóc tiên, nắng lên bỗng rực vàng cả khu xóm nhỏ. Những nếp nhà thân thương và bình dị, cách một lối mà cũng thật gần nhau.

Hết xuân rồi đến hạ, trong ký ức của mọi đứa trẻ nông thôn đều không thể thiếu đi miền nhớ về những ngày mùa gặt. Vì đồng ngay trước mặt nên vào mùa lúa chín, cả làng tấp nập như vào hội, cả đêm lẫn ngày. Tiếng máy gặt ùng ục, tiếng máy tuốt ràn rạt, tiếng mõ trâu lộc cộc chờ xe kéo lúa, tất cả tạo nên bản hợp âm hết sức vui vẻ và huyên náo. Mùa lúa chín cũng là mùa nhổ lạc chặt bắp. Để tận dụng thời gian, mọi người còn “tăng ca” làm đêm. Người lớn làm việc, trẻ con cũng túa ra đồng nhấp nhô áo xanh áo đỏ.

Cả ngày chăn trâu, tắm sông, cắt cỏ nhưng nguồn năng lượng vẫn tuôn dồi dào, chúng tôi chia nhóm quậy đủ trò. Những ụn rơm vừa mới tuốt xong còn nóng hổi là “địa bàn” để mấy đứa “nằm vùng” hoạt động. Đứa chiếm ụn này, đứa chiếm ụn kia cùng tích tè, trốn bắt, làm nhà đánh trận giả. Có nhóm trẻ khác lại đuổi nhau, sục nước ì oạp dưới bờ mương. Với chúng tôi, cánh đồng chính là nhà, còn nhà chỉ là nơi về ăn cơm và để ngủ. Cũng chẳng bố mẹ nào rảnh mà quản, tuổi nào việc nấy, bao thế hệ cứ thế tiếp nối và lớn lên.

Làng ven sông nên không thể thiếu những kỷ niệm vào mùa lụt. Năm nào làng cũng đón lũ, hầu hết là lũ ói, vài năm mới có một cơn lũ lớn, nước ùa vào nhà. Làng có một gốc sung lớn, cây tỏa bóng và cắm rễ sum suê. Nó nằm ngay mép ngã ba sông đầu làng, là vật đánh dấu con nước cao thấp. Hễ mưa lớn, kéo dài hơn một ngày đêm thì dân làng cứ chăm chăm gốc cây sung để dò mực nước. Nếu nước vượt chỗ cành có chẻ nạng thì trưởng thôn sẽ bắc loa hô hoán đàn ông dắt trâu bò lên làng bên trú ẩn, còn phụ nữ thì ở nhà dọn dẹp lúa má, heo gà.

Ông còn nhắc thêm về việc trữ nước ngọt và chuẩn bị củi lửa. “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”, vào mùa mưa tháng gió, xóm làng càng thêm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Những nhà nào neo người, già cả, làng lại cắt cử đoàn thanh niên đến hỗ trợ. Có khi, làng chưa kịp sắp xếp thì trong xóm mỗi người mỗi tay, nước chưa vào đến sân thì hội chị em đã liệu đâu vào đó. Cây lớn che làng, người cùng san sẻ, dìu dắt nhau.

Thế rồi, đối mặt với thiên tai lâu ngày cũng khiến mọi người hoang mang. Những mùa mưa nữa lại đến, sông bên bồi cứ bồi, bên lở lại càng sụt lún. Những lũy tre vốn có tác dụng giữ đất cũng bật gốc, trôi vật vờ theo từng tảng đất về phía biển. Bởi thế, năm sau nối năm trước, lại thêm chục hộ nữa lần lượt đăng ký rời đi. Những đôi trẻ sau khi kết hôn và tách hộ cũng nhanh chóng lập hồ sơ xin chính quyền đến định cư ở khu đất mới. Một làng mới được hình thành.

Cách đây không lâu, phong trào nông thôn mới lan tỏa mạnh, nhiều công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm được triển khai. Con cháu trong Nam ngoài Bắc có nhã ý quyên góp để xây một cái cổng làng thật bề thế. Nhiều cuộc họp đã được triệu tập. Vấn đề tài chính xong xuôi, ngày đẹp để dựng móng cũng đã được chọn. Cổng sẽ được đặt ngay trước cụm đình chùa - lối dẫn vào làng cũ. Làng mới dù có trẻ và ngày càng nhộn nhịp còn những nếp nhà ở làng cũ dù ngày một thưa hơn, thì doi đất hình điếu gà lưng tựa vào sông ấy vẫn là nơi chốn đi về của bao thế hệ dân làng sinh ra và lớn lên từ bùn đất và đồng ruộng.

Màu xanh ngọc bích của dòng Hiếu Giang sẽ còn chảy mãi, cây cối dù hết mùa hoa vẫn lưu lại quả ngọt nồng thơm. Những người con của làng sẽ luôn nhớ về làng xưa với những hồi ức thầm lặng ngọt ngào.

Minh Thi

;
;
.
.
.
.
.