"Sấm ngữ" Huỳnh Thúc Kháng viếng đồng môn

.

Đầu năm 1947, trên đường công tác, Huỳnh Thúc Kháng có ghé thăm bạn đồng môn Nguyễn Đình Hiến và có tặng một câu đối. Bốn tháng sau đó, cả hai lần lượt “về nơi tiên cảnh”. Đời sau có người cho rằng câu đối như một “sấm ngữ” báo trước sự ra đi của hai người bạn học!

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) và Nguyễn Đình Hiến (1872-1947).
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) và Nguyễn Đình Hiến (1872-1947).

Hai đồng môn

Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Đình Hiến là hai đồng môn ở trường Đốc Thanh Chiêm do Tiến sĩ Trần Đình Phong làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Nguyễn Đình Hiến người làng Lộc Đông, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) và lớn hơn Huỳnh Thúc Kháng 4 tuổi (ông Hiến sinh năm 1872, cùng tuổi với Phan Châu Trinh). Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Đình Hiến cùng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp là 4 khuôn mặt nổi bật, là niềm hy vọng của trường vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX .

Hai ông còn là đồng khoa. Khoa thi Hương năm Mậu Tý, 1900, dưới triều Thành Thái, Huỳnh Thúc Kháng đỗ thủ khoa (Giải nguyên), Nguyễn Đình Hiến đỗ Á khoa. Đây là khoa thi đặc biệt, “được mùa” của sĩ tử Quảng Nam. Cả trường thi Thừa Thiên có 42 người đỗ thì học trò xứ Quảng đã chiếm hết 14 người (33,3%), lại giành luôn 4 vị trí đầu bảng (Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh và Lê Bá Trinh). Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Đình Hiến vì thế cũng là 2 trong 4 “tứ tuyệt” - một danh xưng cao quý dành cho Nho sĩ Quảng Nam bấy giờ.

Năm sau, 1901, trong khoa thi Hội, Nguyễn Đình Hiến và Phan Châu Trinh đỗ phó bảng lọt vào danh sách “tứ kiệt” Quảng Nam (cùng Nguyễn Mậu Hoán và Võ Vỹ). Khoa này Huỳnh Thúc Kháng vì có tang thân phụ nên không dự thi, phải đến khoa sau, Quý Mão-1904, mới đi thi và đỗ thủ khoa Tiến sĩ (Hội nguyên).

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Đình Hiến luôn thăng tiến trên hoạn lộ, từ Tri huyện Phù Mỹ đến Tri phủ Hoài Nhơn, Quản đạo Ninh Thuận, Phủ doãn Thừa Thiên đến Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên). Còn Huỳnh Thúc Kháng không chịu làm quan mà tham gia rồi trở thành một trong ba lãnh tụ của phong trào Duy tân.

Tuy làm quan dưới chế độ thực dân phong kiến nhưng Nguyễn Đình Hiến luôn hướng về đất nước và dân tộc, luôn dành cho phong trào Duy tân những tình cảm tốt đẹp. Một biểu hiện cụ thể là việc Nguyễn Đình Hiến bất chấp sự đe nẹt, dọa dẫm của cấp trên để đón rước, làm lễ tế Trần Quý Cáp, một lãnh tụ của phong trào Duy tân, một tử tù của chế độ đương thời, khi quan tài của người đồng môn này được gia quyến và học trò đưa qua địa phận trấn nhậm của ông (phủ Hoài Nhơn) để về an táng ở quê nhà.

Chính vì hiểu được tư tưởng yêu nước của người đồng môn nên “tù nhân” Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1921, sau 13 năm thọ án ở Côn Đảo được thả về, đã ghé thăm Nguyễn Đình Hiến, lúc này đang là Tổng đốc Bình Phú. Việc “cựu tù nhân” Huỳnh Thúc Kháng được quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến khẩn khoản mời ở lại chơi 2 ngày trong tư dinh đã nói lên tình đồng môn khắng khít của hai người.

Sau này, Nguyễn Đình Hiến còn gửi một người con trai của mình nhờ Huỳnh Thúc Kháng nuôi dạy.

Câu đối Huỳnh Thúc Kháng tặng Nguyễn Đình Hiến

Cuối năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt), được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử đi công tác ở vùng Nam Trung Bộ, nhằm kiểm tra việc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến và động viên tinh thần của quân dân. Ông đã đến thăm nhiều nơi, trao đổi tình hình với nhiều thân hào nhân sĩ trong khu vực, nhất là ở Quảng Nam. Trước đường về cơ quan Ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ ở Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, Huỳnh Thúc Kháng có ghé làng Lộc Đông thăm bạn cũ là Nguyễn Đình Hiến. Trước khi chia tay, Huỳnh Thúc Kháng có tặng Nguyễn Đình Hiến một câu đối:

Tự nhiên trích hạ, ngẫu nhiên nẫm tải hỗn trận đồ, diệc khoa, diệc hoạn, diệc quận diệc triều, kịch giới mang nhàn, vũ trụ túy song bạch nhãn.

Đặc địa khởi lai, do thị thập phần bổn sắc, mỗ thụ, mỗ khưu, mỗ sơn mỗ thủy, tiên hương qui khứ, càn khôn thu thập nhất thanh nang.

Dịch nghĩa:

Trên trời rớt xuống, hai mươi năm sống lẫn cõi trần hoàn, cùng đỗ, cùng quan, cùng quận, cùng triều, chốn kịch trường khi bận khi nhàn, vũ trụ tỉnh say đôi mắt trắng.

Dưới đất trồi lên, mười phân trọn vẫn còn nguyên bổn sắc, này cây, này đống, này non này nước, nơi tiên cảnh lại về lại ở, càn khôn thâu lượm một bao xanh!

Ba tháng sau, vào ngày 17-3-1947, Nguyễn Đình Hiến qua đời. Sau đó hơn một tháng - vào ngày 21-4-1947, Huỳnh Thúc Kháng cũng ra đi. Thế là “nơi tiên cảnh” hai đồng môn, đồng khoa ngày xưa “lại về lại ở” với nhau.

Nhiều người cho rằng câu đối của Huỳnh Thúc Kháng như là “lời tế sống” Nguyễn Đình Hiến.

Cách đó 9 năm, vào năm 1938, khi viết văn bia cho Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng câu đối của họ Trần viếng Phó bảng Ngũ phụng tề phi Ngô Chuân (Ngô Lý) vào năm 1899 như một thứ “sấm ngữ” đã vận vào cái chết của Trần Quý Cáp. Câu đối đó như sau:

Nhất hoạn diêu diêu an năng xã trâm hốt ư bách linh phụng thần hôn vu vạn lý/ Bình sanh lỗi lỗi ý kỳ hóa trường tùng chi thiên xích sản linh chi nhi cửu hình.

Nghĩa:

Xa xôi quan đất khách, không thể rời trâm hốt trăm năm để phụng thần hôn muôn dặm/ Lỗi lạc tính trời sinh, có lẽ hóa trường tùng ngàn thước hoặc trổ linh chi chín chồi.

Từ chuyện cũ nhiều người cho rằng lần này câu đối họ Huỳnh tặng họ Nguyễn đã “vận” vào cả người được tặng lẫn tác giả của nó!

Theo Trần Văn Dũng trong tạp chí Văn hóa Quảng Nam thì hiện nay “câu đối và cả lời dịch được treo trang trọng bên bàn thờ gia tiên” của họ Nguyễn!

LÊ THÍ
 

;
;
.
.
.
.
.