Ứng phó El Nino ở Đông Nam Á

.

Hiện tượng thiên nhiên El Nino năm 2015 được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử. Chu kỳ 5 năm/lần dường như “được” rút ngắn lại bởi năm 2019, Trái đất bắt đầu hứng chịu những tác động của El Nino. Philippines là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Ảnh hưởng của El Nino tác động lên đất nông nghiệp ở Philippines.
Ảnh hưởng của El Nino tác động lên đất nông nghiệp ở Philippines.

Bộ Nông nghiệp Philippines cập nhật thông tin ngày 2-4-2019 cho biết hiện tượng thiên nhiên El Nino đã làm tăng mức thiệt hại trong ngành từ 4,35 tỷ peso hồi 31-3-2019 lên 5,05 tỷ peso chỉ sau 2 ngày. Cụ thể hơn là 117.743ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng; số nông dân chịu tác động lên tới 164.672 người. Con số thiệt hại này đã vượt “kỷ lục” hồi 19-3-2018.

Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đang lên các biện pháp can thiệp tình trạng thiếu nước ở ba mức độ là tức thời, trung hạn và dài hạn. Trong đó có chiến dịch chuyên sâu về bảo tồn nguồn nước và năng lượng để cung cấp nước trong thời gian El Nino bằng cách nạo vét các tuyến đường thủy, thay thế các đường hầm, ống cống.

Đặc biệt, Philippines bảo đảm nguồn nước tại các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý như xây bể nước, ưu tiên trong những thời điểm khó khăn nhất. 

Hiện tượng El Nino ở Indonesia dự báo ở mức độ yếu cho tới tháng 7. Tổng thống đương nhiệm Joko “Jokowi” Widodo cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ hết cỡ để nông dân có thể thu hoạch hai vụ/năm. 65 đập được lên kế hoạch cung cấp nước cho hệ thống tưới tiêu nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thái Lan cũng không quá lo ngại tình trạng thiếu nước nhưng Cục trưởng Cục thủy lợi hoàng gia, Thongplew Kongchan cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ mực nước trên các sông lớn Phetchaburi, Mae Klong, Chao Phraya, Pa Sak và Bang Pakong; cũng như kiểm soát khả năng xâm nhập mặn bởi rất ảnh hưởng tới mùa vụ và cả hệ sinh thái.

Mức độ thiệt hại El Nino 2015 trở thành sự ám ảnh với người dân Đông Nam Á. Hỏa hoạn đã tàn phá hơn 26.000km đất trong khu vực, phá rừng than bùn, khủng hoảng khói mù, tử vong sơ sinh toàn khu vực lên hơn 100.000 ca. Dữ liệu khoa học được cho là sẽ giúp chính quyền các nước ứng phó tốt hơn với các hiện tượng thiên nhiên như thế này.

Pulse Lab Jakarta là một công cụ giúp phân tích dữ liệu, thu thập thông tin từ vệ tinh, mạng xã hội để lập ra các điểm nóng về khói mù và khu vực dân cư bị ảnh hưởng ở Indonesia. Công cụ này thực sự hữu ích giúp chính quyền Indonesia có được hệ thống cảnh báo sớm, truy cập trực tuyến miễn phí để biết thông tin, xây dựng phương án ứng phó với thảm họa kịp thời.

Nó cũng thúc đẩy chính phủ xây dựng hệ thống dữ liệu lớn hơn và trí tuệ nhân tạo để phát triển bền vững, ứng phó thảm họa một cách chi tiết cho từng khu vực nhỏ cụ thể.

ANH THƯ (Tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.