Ai là tác giả Từ điển Việt - La Tinh?

.

* Tôi được biết sau cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (ấn hành tại Roma năm 1651) của Alexandre de Rhodes, các nhà truyền giáo phương Tây còn cho ra đời cuốn Từ điển Việt - La Tinh. Xin cho hỏi ai là tác giả của từ điển song ngữ này và công trình đã đóng góp gì cho việc hình thành chữ quốc ngữ buổi sơ khai? 

- Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Từ điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Trong khi đó, cuốn Từ điển Việt - La Tinh (Dictionarium Anamitico-Latinum) được xuất bản vào năm 1773, nghĩa là 13 năm sau khi Alexandre de Rhodes qua đời. Tác giả của bộ từ điển song ngữ có chú bằng chữ Latin, chữ Quốc ngữ, chữ Nôm và chữ Nho này là Pigneau de Béhaine (1741 - 1799).

Pigneau de Béhaine và bút tích của ông khi biên soạn Từ điển Anamitico Latinum năm 1773. Ảnh: Internet
Pigneau de Béhaine và bút tích của ông khi biên soạn Từ điển Anamitico Latinum năm 1773. Ảnh: Internet

Giám mục Pigneau de Béhaine có tên đầy đủ là Pièrre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, là một giáo sĩ người Pháp được Chúa Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng trong việc lấy lại quyền bính từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII. Ông được phong làm giám mục hiệu tòa Adran nên cũng thường được các sách sử gọi là Giám mục Adran.

Người Việt biết đến ông dưới tên Bá Đa Lộc (hoặc Bách Đa Lộc) vì tên tiếng Pháp của ông là Pièrre, tiếng La Tinh là Petrus, tiếng Bồ Đào Nha là Pedro. “Bá Đa Lộc” là phiên âm từ “Pedro”. Sử Việt thời Nhà Nguyễn còn dùng danh hiệu Bi Nhu Quận công theo sắc phong của vua Gia Long ban cho ông, gọi theo âm “Pigneau”. Người Việt thường gọi ông là Cha Cả.

Ông có công soạn cuốn Từ điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773.
Tác giả Trần Nghĩa trong bài “Một bộ từ điển Việt-La Tinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm năm 1984 (trang 127-136) cho biết Trung tâm Nghiên cứu và Sưu tầm về Đông Á hiện đại (Centre d’études et de recherches sur l’Asie orientale contemporaine) thuộc Trường Đại học Nice nước Cộng hòa Pháp có gửi tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm một bản sao chụp bộ Từ điển An Nam - La tinh viết tay do Pièrre Pigneau de Béhaine soạn vào cuối thế kỷ XVIII mà từ lâu người ta cứ tưởng là đã mất.

Bộ từ điển có tên là Dictionarium Anamitico-Latinum, đáng lẽ phải dịch là “Từ điển An Nam-La Tinh”, nhưng theo tác giả Trần Nghĩa, ở đây dịch là “Việt-La Tinh” cốt để phân biệt với bộ từ điển cùng tên của Ravier Taberd được dịch là “An Nam-La Tinh”.

Pigneau de Béhaine đến Việt Nam vào năm1765, khi ông 24 tuổi. Do lâu năm sống và hoạt động trên đất nước ta, Pigneau khá quen thuộc với đất và người miền Nam, mau chóng thông thạo tiếng Việt. Chẳng những vậy, ông còn giỏi cả chữ Hán lẫn tiếng Hán, điều này giúp ông nhiều trong việc biên soạn bộ Từ điển Việt - La Tinh.

Từ điển Việt - La Tinh, theo nhận định của tác giả bài đã dẫn, là một kho tư liệu quý để nghiên cứu tiếng Việt cổ. Cùng với các cuốn từ điển song ngữ Hán - Nôm hoặc Nôm - Hán cổ do người nước ta biên soạn (như Chỉ Nam dã đàm; Dương Tiết diễn nghĩa; Bùi gia huấn hài; Tự loại diễn nghĩa; Nhân sự thường đàm ngạn ngữ tập,…) và các cuốn từ điển đối chiếu hai hoặc ba thứ tiếng liên quan do người nước ngoài soạn thảo như Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, Việt - La Tinh (An Nam - La Tinh) của Pigneau chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc giúp ta tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, từ vấn đề ngữ âm đến vấn đề ngữ nghĩa, từ vấn đề ngữ pháp đến vấn đề tu từ…

Đồng thời, bộ Từ điển Việt - La Tinh của Pigneau cũng sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều cứ liệu chắc chắn để nghiên cứu chữ Nôm thế kỷ XVIII, một mảng vẫn còn quá trống về mặt tư liệu cho đến nay. Trước đó, thế kỷ XVII, đã có khoảng 20 tác phẩm chữ Nôm viết tay mỗi tác phẩm dày năm, sáu trăm trang, do Girolamo Maorica cùng một số người biên soạn. Từ thế kỷ XIX trở về sau, tài liệu chữ Nôm sưu tầm được càng phong phú hơn. Bộ Từ điển Việt - La Tinh của Pigneau do vậy sẽ là một bổ sung cần thiết về mặt tư liệu để nghiên cứu chữ Nôm thế kỷ XVIII, và sau nữa, lịch sử chữ Nôm trong sự phát triển liên tục của nó từ khởi thủy đến năm 1945.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.