Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt thắng cảnh Ngũ Hành Sơn

Chung tay gìn giữ báu vật quốc gia

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về quan điểm tiếp nhận, trách nhiệm của chính quyền địa phương khi danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn nhấn mạnh, đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của chính quyền và nhân dân Ngũ Hành Sơn. Song, theo bà Anh Thi, vinh dự cũng chính là yêu cầu, là đòi hỏi trách nhiệm rất cao đối với “báu vật” mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Ngũ Hành.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Thanh Tân
Danh thắng Ngũ Hành Sơn thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Thanh Tân

* Thưa bà, mặc dù chính quyền thành phố cũng như địa phương đã có nhiều nỗ lực trong giữ gìn cũng như tôn tạo, phát huy giá trị di tích, song đã có những sự việc ngoài ý muốn xảy ra đối với danh thắng Ngũ Hành Sơn, như hai cột đá Chăm (dẫn lên chùa Tam Thai) bị bào nhẵn, những câu chuyện sai lệch gắn với hang Âm Phủ hay việc lắp đặt thang máy lên danh thắng gây nhiều phản ứng trong dư luận... Cho đến nay, chính quyền địa phương đã làm gì để khắc phục những chuyện “đã rồi” ấy?

- Trụ biểu lối lên chùa Tam Thai là một công trình kiến trúc cổ đã bị ngã đổ, không ai còn nhớ là từ lúc nào và trụ biểu đó có hình dáng ra sao, kể cả những cụ lão từng sống dưới chân núi và các vị sư cao niên. Tại hiện trường chỉ còn lại vài đoạn trụ đá vuông dài khoảng 1m đến 1,5m. Băn khoăn trước một công trình bị hư hỏng nặng, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn trước đây, nay là Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã nỗ lực tìm tư liệu về trụ biểu để phục dựng.

Thật may, năm 1998, Ban đã tìm thấy được một tấm hình trụ biểu trong tập ảnh “Đường vào chùa Hang - Ngũ Hành Sơn” (1857) được đăng lại trên tập ảnh “Đà Nẵng xưa và nay” - Nhà xuất bản Đà Nẵng. Từ đó, Ban đã lập hồ sơ xin phép UBND quận và tham khảo ý kiến quý sư trụ trì các chùa tại Ngũ Hành Sơn cho phục chế lại nguyên mẫu trụ biểu này. Tuy nhiên, trong quá trình phục chế theo bản vẽ, những người thợ thi công lúc bấy giờ cho rằng nên mài nhẵn mặt bằng của trụ (để bỏ những nội dung mà du khách đã vô ý khắc lên trụ và đồng bộ hơn giữa các khối kết nối). Việc mài nhẵn đó đã vô tình làm mất đi dấu tích trụ đá cũ của người Chăm, tuy nhiên, đế trụ vẫn còn nguyên trạng.

Động Âm Phủ nằm dưới chân ngọn Thủy Sơn, trong kháng chiến chống Mỹ, vào năm 1968 đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa du kích Hòa Hải với biệt kích Nùng và quân Mỹ. Sau năm 1975, người dân địa phương đã vào hang động này để khai thác đá (danh thắng Ngũ Hành Sơn thời điểm đó do xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang quản lý) khiến những tảng đá lớn sụp đổ ngổn ngang, cùng với đó là việc đào xới dưới mặt nền, tạo nên những hố đất đá, bị nghẽn lối đi. Hang Âm Phủ lúc ấy không ai vào được.

Trước thực trạng này, năm 2004, UBND quận chủ trương kêu gọi các nhà chùa, các cơ sở sản xuất đá cùng UBND quận và Ban Quản lý khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn san lấp mặt bằng, tạo lối đi, vận chuyển đất, đá ra ngoài nhằm phục hồi lại hang động. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, đã vận động sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân cùng UBND quận tạo nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục trong động.

Từ tâm niệm, lòng nhiệt thành, các nhà sư và các cá nhân tâm huyết đã cùng quận nêu ý tưởng là xây dựng trong đó những tấm bia cỡ lớn như: bia “Anh Linh Đài”, bia, phù điêu “Năm dũng sĩ Ngũ Hành” để tri ân các anh hùng, liệt sĩ và giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Đồng thời, bên trong động là những tạo hình mô tả lại sự tích Mục Kiền Liên - Thanh Đề theo tích Phật giáo, mô phỏng các câu chuyện truyền thuyết nói về quy luật nhân - quả trong cuộc sống. Sự tích phù hợp với tên gọi động Âm Phủ và với tín ngưỡng Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn. Từ năm 2006 đi vào hoạt động đến nay, động Âm Phủ đã đón hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan và cũng chưa có ý kiến nào cho là phản cảm khi vào thăm hang động này.

Đối với câu chuyện thang máy phục vụ khách tham quan được lắp đặt năm 2010, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ khi bắt đầu có chủ trương. Tuy nhiên, cho đến nay, thực tế hiệu quả dịch vụ thang máy đem lại là rất lớn, nhất là đối với việc phục vụ cho người già, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em… đi cùng gia đình lên tham quan, lên chùa lễ Phật, mà trước đây họ có nhu cầu nhưng không thể thực hiện được.

Việc xây dựng thang máy cũng đã tính đến yếu tố du lịch, khuôn viên ngoài thang máy cũng là nơi để du khách thả hồn vào cảnh quan, lưu lại những hình ảnh đẹp. Qua thống kê của Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, lượng khách sử dụng dịch vụ thang máy để tham quan ngọn Thủy Sơn chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khách đến tham quan nơi đây. Cụ thể trong năm 2018 đã đón 1.183.518/1.990.514 lượt khách.

* Sau khi di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, như trên đã nói, danh thắng cần được bảo vệ nghiêm ngặt, chính quyền địa phương đã làm gì?

- Việc công nhận Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích. Trước mắt, quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố triển khai lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ; hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng; xây dựng phương án khai thác du lịch - văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng địa phương cũng như du khách để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn.

* Việc mở rộng, trả lại “không gian mở” cho di tích được nhiều ý kiến tâm đắc, đến nay đã được tiến hành như thế nào?

- Nếu di tích được mở rộng và trả lại “không gian mở” sẽ thuận tiện cho công tác quản lý cũng như việc quy hoạch và phát huy giá trị di tích. Mục tiêu đặt ra khi quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn là đưa khu vực có giá trị đặc biệt, hội tụ các yếu tố bảo tồn văn hóa di tích, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngày 26-7-2016, UBND thành phố có Quyết định số 5002/QĐ-UBND phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Khu Công viên Văn hóa-Lịch sử Ngũ Hành Sơn. Hiện, dự án vẫn đang được triển khai và tiến độ đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư cho người dân, thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư tương xứng.

Quan điểm xuyên suốt là chính quyền các cấp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quy hoạch lại toàn bộ khu vực lân cận, giáp ranh để trả lại không gian thoáng rộng vốn có của di tích. Việc trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử cũng như những dự án phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn sẽ được quy hoạch, tính toán, tiến hành nghiêm túc, đúng luật định, tránh xâm hại di tích dưới mọi hình thức.

* Nhiều ý kiến cho rằng, người dân địa phương đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, trùng tu, phát huy giá trị di tích? Vai trò then chốt ấy cần được phát huy như thế nào?

- Theo ý kiến của tôi, với món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất và con người Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng thì mỗi một người dân của Đà Nẵng cũng như khách du lịch đến với Đà Nẵng đều có trách nhiệm cùng chung tay giữ gìn, trùng tu, làm giàu thêm giá trị của Di tích cho mãi về sau.

Đặc biệt, người dân địa phương cần là những đại sứ du lịch văn minh trong việc đưa hình ảnh đẹp nhất của di tích đến với du khách trong nước và quốc tế. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn là phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân để họ cùng chung tay, cộng hưởng và chính họ sẽ là người được hưởng lợi ích nhiều nhất từ hoạt động du lịch.

* Xin cảm ơn bà!

Danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được xếp hạng Di tích Danh thắng cấp quốc gia từ năm 1980. Thời điểm đó, ngoài những tác động xâm thực do thiên nhiên, di tích đã phải đối mặt với sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khi đó đã có nhiều biện pháp khắc phục quyết liệt như cấm khai thác đá trên núi Non Nước, thành lập Đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn (nay là Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn).

Sau khi chia tách tỉnh năm 1997, thành phố Đà Nẵng xác định lại các giá trị văn hóa, lịch sử, từng bước đầu tư, nâng cấp để đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, danh thắng càng cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo đúng Luật Di sản văn hóa.

THANH TÂN  (thực hiện)

 

;
;
.
.
.
.
.