Biết ơn

.

Ngày 3-5-2019, Đoàn Thị Hương, cô gái Việt Nam liên quan đến vụ án sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol trên đất nước Malaysia được trả về nước. Sau 23 phiên xét xử cùng với sự can thiệp mạnh mẽ, tích cực của Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các công tố viên Malaysia đã thay đổi bản cáo trạng đối với Đoàn Thị Hương từ tội giết người thành tội cố ý gây thương tích bằng “các phương tiện nguy hiểm”.  Cuộc trở về của cô là kết quả đáng mừng của những nỗ lực ngoại giao nhằm bảo hộ công dân của Chính phủ Việt Nam. Cô trở về sau hơn hai năm bị giam giữ. Cô trở về với một vết đen trong lý lịch của người đã có tiền án.

22 giờ ngày 3-5, Đoàn Thị Hương bước ra từ cổng của sân bay Nội Bài với cặp kính đen, mái tóc xõa buông dài, chiếc áo giả lông thú điểm thêm chiếc khăn choàng hoa văn cùng nụ cười thật tươi. Cô trả lời phỏng vấn bằng phong thái của một “ngôi sao” giữa ánh sáng chớp lóe liên hồi của hàng chục máy ảnh. Cô như một minh tinh mang giải thưởng điện ảnh quốc tế về nhà trong vòng vây chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ?!

Tôi bất chợt nhớ tới cuộc trở về của chàng trai Phan Văn Đức, cầu thủ U23 Việt Nam trong ngày 28-1-2018. Cũng ở sân bay Nội Bài, giữa hàng trăm máy ảnh và hàng ngàn người hâm mộ hân hoan đón đội tuyển về nước với vị trí Á quân tại giải vô địch U23 Châu Á, Đức nghẹn ngào ôm và nhận bó hoa chúc mừng từ tay người mẹ già đang rưng rưng niềm hạnh phúc. Hai mẹ con lặng lẽ ở một góc sân bay giữa lúc ống kính và tiếng hò reo của niềm vui bất tận dường như chỉ hướng về những “ngôi sao lớn” như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng… Ngày đó, báo chí gọi anh là “người hùng bị lãng quên”. Phan Văn Đức đã lưu lại bức ảnh anh âu yếm nhìn, tay ôm xiết vai mẹ ở một góc lặng thầm giữa đám đông trên trang mạng xã hội kèm dòng tít “Con không cần ai khác, chỉ cần mẹ thôi là đủ”…

Một tội phạm, một cầu thủ giỏi. Họ đã trở về theo hai cách khác nhau.

Điều gì làm nên những cuộc trở về như thế: Sự thể hiện đầy chủ quan cá tính và cảm xúc của bản thân trong hoàn cảnh đặc biệt; sự lan tỏa niềm vui sướng và tâm lý thần tượng quá mức của đám đông? Nhưng điều cốt yếu, có lẽ nằm ở nhận thức và cách thức thể hiện lòng biết ơn của con người. Đó là cách chúng ta hiểu, biết cảm kích và trân trọng những gì giá trị hoặc có ý nghĩa mà mình có hoặc nhận được. Đó cũng là cách chúng ta tự giải phóng cái tôi bản thể khỏi thế giới của  chính mình - để đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu khó khăn của người khác.

Lòng biết ơn mang đến nguồn năng lượng tích cực, cải thiện một cách chân tình, thành thực các mối quan hệ xã hội tốt đẹp của mọi người. Phải biết ơn để biết thương, biết yêu, biết quý tha thiết những gì hiện hữu trong cuộc đời. Thế nhưng “Cảm thấy biết ơn nhưng không thể hiện điều đó giống như gói quà mà không trao” (William Author Ward). Thông điệp tốt đẹp nhất chính nằm ở cách chúng ta biểu lộ lòng biết ơn.

Giá như đêm ngày 3-5, khi xuất hiện trước sự chào đón của đại diện Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ pháp lý, Đoàn Thị Hương biết nói thêm lời “xin lỗi” sau lời “cảm ơn”. Cô phải xin lỗi vì dù vô tình, cô đã đưa đất nước vào một sự cố pháp lý quốc tế không mong muốn. Cô phải “xin lỗi” vì để hàng triệu người dân Việt Nam hồi hộp, mong ngóng dõi theo suốt 23 phiên tòa xét xử. Cô nên “xin lỗi” kèm theo một cái cúi đầu đầy thành ý. Đó chính là cách nên có để Hương thể hiện lòng biết ơn đối với đất nước, với mọi người. Đó cũng là cách để người khác hiểu, cô đã biết ơn những trải nghiệm đầy khó khăn của hơn hai năm bị giam giữ nơi xứ người, để nhận ra mình được yêu thương, trưởng thành và vững vàng hơn sau biến cố.

Giá như, ngày Phan Văn Đức mang theo niềm vui nhuộm thắm màu cờ sắc áo của Tổ quốc trở về, người hâm mộ dành cho Đức một cái ôm xiết hân hoan. Chúng ta cần cho Đức thấy sự công bằng và lòng yêu thương luôn được chia đều cho toàn bộ đội bóng, và chiến thắng không chỉ dành cho những cầu thủ trực tiếp ghi bàn. Chúng ta cần cho Đức thấy mọi người ngưỡng mộ và biết ơn anh dường nào. Nếu được vậy, bức ảnh Phan Văn Đức bên cạnh mẹ ngày ấy đã không gợi nỗi ngậm ngùi đến tận hôm nay!

Một chút biết ơn cho đời thêm hạnh phúc. Nhưng cần thêm một chút tinh tế, chân tình trong cách biểu đạt để người đối diện thấu cảm được lòng biết ơn. 

Trần Thị Hồng Vân
 

;
;
.
.
.
.
.